Sinh ra là con nhà nông, gia đình lại nghèo khó nên để phụ giúp gia đình, Phạm Thị Thu Hiền (25 tuổi, sinh ra và lớn lên ở huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) đã phải nghỉ học từ sớm. Năm 2014, cô lần đầu từ quê vào Sài Gòn lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Khi ấy, cô đi làm thợ may cho một công ty may gia đình, được khoảng gần 2 năm, Hiền trở về quê vì công việc không phù hợp.

Khi về Kon Tum, cô quyết định đi học nghề nhưng rồi lại dang dở, Hiền một lần nữa quay lại Sài Gòn. Là người lớn trên trong vùng đất phát triển cà phê nên Hiền chọn làm nghề này. Gắn bó với nghề cà phê khoảng 3 năm, công việc và cuộc sống đang trên đà ổn định thì đại dịch Covid-19 bùng phát, văn phòng cô không thể trụ nổi, mọi người xung quanh về quê hết... Hiền cũng về.

Rồi một ngày cô về quê một người bạn chơi, có lẽ chuyến đi đó đã giúp cô thay đổi tất cả. Hiền đã chọn vùng quê của người bạn đó là huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) để sinh sống và làm việc, sau những tháng năm bôn ba của mình.

"Thả hồn" cùng núi rừng Đạ Tẻh

Tậm sự, Hiền bảo cuộc sống ở núi rừng với cô không quá lạ lẫm vì từ bé cô đã lớn lên ở đó. Nhưng Đạ Tẻh vẫn có một nét riêng rất đặc trưng, khác biệt so với những nơi khác. 

Ở đây là một thung lũng lọt thỏm giữa xung quanh toàn núi, đặc biệt là muốn đi ngắm núi, đi chơi thác đều thuận tiện – đó là điều cô thấy thú vị nhất. Quê nhà ở Kon Tum cũng là rừng núi, nhưng Hiền cũng chưa từng được trải qua những cảm giác, được sống là chính mình như ở nơi đây. 

Hiền bảo có một thời gian cô cảm thấy rất stress, nên đã về vùng đất này chơi dài ngày. Cái duyên đưa đến giữa Hiền với người sếp của mình, công ty cà phê thì đang cần những người như cô, trong khi đó cô đã đem lòng yêu mảnh đất mới đến này.

"Đầu tháng 4 vừa rồi, em bắt đầu về đây làm. Khi đó cũng đắn đo lắm vì ở đây còn không phát triển và sầm uất. Nhưng cuối cùng em vẫn quyết định về Đạ Tẻh để cùng phát triển thương hiệu cà phê cùng với sếp của mình".

Nhờ am hiểu kiến thức cùng với kinh nghiệm về cà phê, Hiền mới bén duyên cùng Đạ Tẻh và mảnh đất và con người nơi đây. Mọi thứ ở Đạ Tẻh này đều khiến cô xiêu lòng.

"Ở đây mọi người sống tình cảm hơn, cuộc sống từ từ chầm chậm trôi. Ở nơi này em tìm lại được chính mình, tìm được cảm xúc thật của em”.

Ngoài cảnh vật núi rừng, Hiền bảo mình còn tìm thấy niềm vui mới trong công việc. Trước đây, cô cũng từng đi kinh doanh cà phê nhưng chỉ khi đi làm ở Đạ Tẻh, cô mới thực sự yêu quý đặc sản của vùng đất Tây Nguyên này. 

Hiền yêu cà phê đến mức cô muốn lan tỏa tất cả những điều hay về cà phê cho mọi người cùng yêu, cùng thích như mình. Hiền lập một hội nhóm trên mạng xã hội và dành phần lớn thời gian rảnh để viết bài chia sẻ kiến thức về cà phê mà cô biết, rồi làm thơ, đăng ảnh...

"Hiện tại mong muốn lớn nhất của em là cùng đồng hành và phát triển chuỗi cà phê mà anh chủ ấp ủ lâu nay, vừa tạo được công ăn việc làm cho nhiều người dân nơi chúng em đang sống. Em mong mình sẽ trở thành một mắt xích trong chuỗi công việc mà anh chủ đang làm".

Nơi chữa lành vết thương của tâm hồn

Đôi khi làm việc mệt mỏi, Hiền sẽ ngồi dưới gốc cây để thư giãn, hoặc chạy ra nghe tiếng suối róc rách, hoặc nằm trên bãi cỏ ngắm trăng treo ngọn cây. Nhắm mắt lại hít thở thật sâu, cô cảm thấy bản thân rất nhỏ bé, nhưng ngập tràn cảm giác thư thái, tự do.

Hiền cảm thấy lòng mình lắng dịu, những nỗi buồn của tâm hồn cũng theo gió trôi đi. Bản thân cô đã thay đổi rất nhiều kể từ khi đến đấy, bỏ đi cái ngột ngạt nơi phố xá đông người, bỏ đi ánh đèn hoa lệ nơi phố thị. Hiền đắm chìm trong những ánh hoàng hôn. Cô tìm đến đây như một chốn thanh lọc tâm hồn, tái tạo lại khát khao sống cho mình.

Bỏ nơi ồn ào vội vã, cô gái đam mê cà phê về với núi rừng "chil cùng hoàng hôn" - Ảnh 3.

Điều quý giá nhất chính là sự an yên trong tâm hồn. Hiền không bận tâm những toan tính của thời cuộc, không phải nặng đầu vì những thiệt hơn vật chất. Cô sống giản dị như loài cỏ dại. Mỗi sáng lại thả mình bên tách cà phê đen không đường, đi làm về ngồi ngắm hoàng hôn và đọc sách. Mọi thứ trôi qua nhẹ nhàng, bình dị như vậy.

"Em sẽ không chọn đi đâu nữa, đến lúc em dừng bước rồi", Hiền nói.