Là một y tá, cô Natalie Walsh đến từ West Virginia (Mỹ) cũng không quá lo lắng khi con nói bị đau đầu sau khi thức dậy. Cô bé Natasha 7 tuổi đã không bị sốt và khi xem qua thì mẹ cô bé cũng không phát hiện ra bất cứ dấu hiệu nào bất thường ở con. Thế nhưng, chỉ vài tiếng sau đó, tình trạng của Natasha đã trở nên xấu đi rất nhiều, từ hoàn toàn khỏe mạnh bình thường chuyển sang tình trạng không thể tự đi lại được với cơn sốt lên tới 40 độ C.
Natalie chia sẻ lên Facebook của mình rằng: "Tôi kiểm tra lại đầu của con vì con bé cứ liên tục kêu đau và tìm thấy một vết sưng lên to bằng đồng xu ở phía bên phải đầu. Đến 4 giờ chiều thì nó đã trở thành một vết sưng xấu xí nhất mà tôi từng thấy."
Hình ảnh vết sưng tấy của con được bà mẹ Natalie chia sẻ trên Facebook cá nhân.
Natalie nhanh chóng đưa con đến bệnh viện và được cho về nhà với kết luận đó chỉ là một vết côn trùng cắn. Natalie đã viết lại: "Trong vòng vài tiếng đồng hồ, vết sưng nhìn càng ngày càng tồi tệ, nó còn có một vòng trắng và đỏ xung quanh và cơn sốt thì không cách nào có thể hạ bớt được. Con bé cứ khóc thét vì đau không ngừng và không thể cử động đầu, cổ và cũng không đi lại được. Natasha còn chóng mặt, hoảng loạn, đầu gối thì sưng to và đau. Tôi đã phải cấp tốc đưa con đến bệnh viện trong cơn sợ hãi tột cùng bởi tôi chưa bao giờ thấy bất cứ bệnh nhân nào như vậy trong suốt 13 năm làm y tá."
Cô bé Natasha trên giường bệnh.
Một nhóm bác sĩ đã được tập hợp, bao gồm một bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bác sĩ da liễu và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm để xem xét triệu chứng và cố gắng nhận biết chuyện gì đang xảy ra. Natalie chia sẻ: "Mọi người đều gãi đầu tự hỏi giống tôi. Mọi người đều muốn có một bức ảnh chụp vết thương bởi nó rõ ràng là thứ mà họ chưa bao giờ nhìn thấy trước đây."
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là vết sưng tròn có màu đỏ và trắng (Ảnh minh họa).
Mặc dù đã có các loại thuốc kháng sinh nhưng tình trạng của Natasha chỉ đỡ hơn khi được chẩn đoán cụ thể. "Cuối cùng, con bé được chẩn đoán mắc bệnh Lyme. Con đã được uống liều kháng sinh cefuroxime đầu tiên vào buổi tối và tạ ơn Chúa, sáng hôm sau là lần đầu tiên từ hôm bị ốm, con có thể tự đi lại, ăn uống và nói đủ thứ chuyện với tôi.", Natalie viết.
Bà mẹ đồng thời cũng là 1 ý tá - cô Natalie hi vọng câu chuyện của con gái mình sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các ông bố bà mẹ về căn bệnh nguy hiểm bắt nguồn từ những vết sưng tấy đỏ thông thường: "Bệnh Lyme đang ngày càng gia tăng và loại mà Natasha mắc phải đã tấn công hệ thần kinh của con bé. Tôi chỉ khuyên mọi người nên cẩn thận, đề phòng ngăn ngừa những con bọ ve, bọ chét khỏi trẻ và cả chính chúng ta. Ngay cả khi bạn không thấy con bọ ve nào thì cũng nên kiểm tra da con thường xuyên để xem có vết cắn hay không."
Những loại bọ chét có thể gây ra bệnh Lyme.
Bệnh Lyme là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lây lan sang người do bọ ve, bọ chét đốt. Dấu hiệu phổ biến nhất của nhiễm trùng là một vùng da bị mẩn đỏ, được gọi là quầng ban đỏ, bắt đầu ở chỗ vết cắn. Thời kỳ thứ hai của bệnh Lyme sau thời kỳ sưng tấy thường có những triệu chứng đau nhức, tê liệt, đau gân, nhức đầu, nổi hạch không có gì đặc biệt với nhiều căn bệnh thông thường khác. Thời kỳ thứ 3 thì có nhiều triệu chứng về thần kinh như viêm màng não, viêm não, tim đập không đều, viêm khớp. Đặc biệt nhất ở một số bệnh nhân có những triệu chứng tâm thần bất ổn, phân liệt cũng như điên khùng, mất ngủ, tâm tính khác thường, suy nhược thần kinh và có thể nghiêm trọng nhất là tử vong.
Ngoài việc điều trị bằng kháng sinh thì việc phòng ngừa là chính yếu. Bố mẹ nên cảnh giác với những loại bọ ve hay bọ chét, tránh những nơi có nhiều bụi rậm thường là nơi có nhiều bọ chét sinh sống. Kiểm tra da của con thường xuyên và ngay khi thấy bất kì dấu hiệu bất thường nào thì phải đưa con ngay đến bệnh viện để chữa trị, tuyệt đối không được tự mua thuốc về cho con uống hay bôi tùy tiện.
Nguồn: Popsugar