Kẽm được biết đến như một khoáng chất vi lượng cần thiết. Kẽm can thiệp vào nhiều chuyển hóa glucid, protein và acid nucleic. Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng lên tất cả những gì có liên quan đến hoạt động nhân đôi của tế bào, sinh sản, tăng trưởng, liền sẹo và tính miễn dịch. Kẽm còn can thiệp vào khả năng thể hiện của gen và quá trình tổng hợp của protein, cũng như trong chuyển hóa của acid béo không no tạo ra màng tế bào. Kẽm cần thiết cho cấu tạo thành phần hoạt động của hormon sinh dục nam, testosteron và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp, cấu trúc, bài tiết nhiều hormon khác như insulin, hormon tăng trưởng...

Biểu hiện của tình trạng thiếu kẽm?

Có thể nhận thấy dấu hiệu thiếu kẽm như móng tay dễ gãy hoặc chậm mọc và có những vết trắng, da khô (biến đổi chuyển hóa acid béo) là một dấu hiệu gián tiếp. 

Những dấu hiệu bên ngoài thường được biểu hiện là gia tăng tính tổn thương với nhiễm khuẩn, ở trẻ em thì lười ăn, chậm phát triển thể lực, ở đàn ông giảm khả năng sinh sản, ở phụ nữ có thai gia tăng biến chứng của thai nghén, giảm trọng lượng trẻ sơ sinh, thậm chí có thể bị lưu thai, nguy cơ sinh non tăng gấp 3 lần, khả năng biến dạng của hệ thần kinh và kém phát triển tinh thần ở trẻ là rất cao, ở người già, thiếu kẽm góp phần gây mất cân bằng đồng hóa với các tác nhân của lão hóa như gốc tự do và chất độc, tăng khả năng loãng xương và teo cơ. Những dấu hiệu khác thiếu kẽm là giảm sự ngon miệng, giảm vị giác, chậm liền sẹo, chậm mọc tóc và móng, tóc dễ rụng, khả năng miễn dịch suy giảm...

Bổ sung kẽm thế nào cho đúng? 1
Các loại hải sản rất giàu kẽm.

Ai cần bổ sung kẽm?

Bởi vì lượng kẽm hấp thu hàng ngày là cần thiết để duy trì mức độ khỏe mạnh trong cơ thể nên một số người có biểu hiện hoặc có nguy cơ thiếu hụt kẽm thì rất cần phải bổ sung khoáng chất vi lượng này. Các đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm là: 

(1) Người ăn chay, phần lớn kẽm từ thực phẩm xuất phát từ các sản phẩm thịt. Kết quả là, những người ăn chay (đặc biệt là người ăn chay trường) sẽ cần nhiều hơn 50% kẽm trong chế độ ăn uống của họ so với người không ăn chay. 

(2) Những người bị rối loạn tiêu hóa, mắc bệnh viêm ruột loét miệng, viêm ruột kết, bệnh thận mạn tính hoặc hội chứng ruột ngắn sẽ có một khoảng thời gian khó khăn hơn để hấp thụ và giữ lại kẽm từ thực phẩm mà họ ăn. 

(3) Phụ nữ mang thai và cho con bú, để đáp ứng đủ nhu cầu kẽm của bào thai, phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người có lượng kẽm dự trữ thấp khi mới có bầu thì mỗi ngày sẽ cần thêm nhiều kẽm hơn những người khác. 

(4) Trẻ đã lớn nhưng vẫn bú sữa mẹ, cho đến khi được 7 tháng tuổi, trẻ có thể nhận được đủ lượng kẽm hàng ngày từ sữa mẹ. Sau đó, nhu cầu hàng ngày tăng 50% và một mình sữa mẹ sẽ không đáp ứng đủ nữa. (5) Người bị bệnh hồng huyết cầu hình lưỡi liềm, nghiên cứu gần đây cho thấy 60-70% của những người bị bệnh hồng huyết cầu hình lưỡi liềm có mức độ kẽm thấp hơn (điều này đặc biệt đúng đối với trẻ em), bởi vì cơ thể hấp thụ nó khó khăn hơn.

Đàn ông ở tuổi trưởng thành cũng là đối tượng rất cần cung cấp kẽm, bởi lẽ kẽm rất quan trọng trong việc sản xuất tinh dịch. Tới 5mg kẽm bị mất đi trong quá trình xuất tinh. Thiếu hụt kẽm ở đàn ông có thể dẫn tới giảm lượng tinh trùng và tần xuất tình dục. Sự xuất tinh thường xuyên có thể dẫn tới thiếu hụt kẽm. Mất đi 1 lượng nhỏ kẽm có thể làm đàn ông sụt cân, giảm khả năng tình dục và có thể mắc bệnh vô sinh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Chọn  thức ăn giàu kẽm nhưng cần ăn cân đối thức ăn thực vật và động vật. Cũng có thể chọn dùng các thực phẩm có bổ sung kẽm, một số chế phẩm chứa vitamin muối khoáng có hàm lượng kẽm khá đầy đủ. Khắc phục thiếu kẽm, nên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn chậm lớn, người có thai và cho con bú (tất nhiên cần xác định mức độ thiếu kẽm). Bổ sung các thuốc có chứa kẽm (gluconat kẽm hay sulfat kẽm). Uống sau ăn 30 phút. Thời gian bổ sung là 2-3 tháng. Chữa các bệnh gây thiếu kẽm trước khi bổ sung (ví dụ bệnh rối loạn đường tiêu hóa). Khi dùng kẽm nên dùng thêm vitamin A, B6, C và phospho vì các chất này làm tăng sự hấp thu kẽm. Nếu dùng cả sắt và kẽm thì dùng cách xa nhau, dùng kẽm trước, vì sắt sẽ cản trở sự hấp thu kẽm. Tránh bổ sung thừa vì dùng nhiều kẽm có thể làm giảm khả năng miễn dịch. Không được dùng mỗi ngày quá 150mg.

Nguồn cung cấp kẽm từ đâu?

Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm nguồn gốc động vật. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa ít kẽm và có giá trị sinh học thấp do khó được hấp thu. Nguồn thức ăn nhiều kẽm từ động vật như sò, hàu, thịt bò, cừu, gà, lợn nạc, sữa, trứng, cá, tôm, cua, mầm lúa mì, hạt bí ngô, ca cao và socola, các loại hạt (nhất là hạt điều), nấm, đậu, hạnh nhân, táo, lá chè xanh…