Dù là nam hay nữ, ai cũng đều mong muốn mình có một thân hình đẹp, săn chắc, không mỡ thừa. Thế nhưng hành trình để có một vóc dáng lý tưởng không phải đơn thuần là tập gym mỗi ngày, mà nó còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng đặc biệt.
Vì thế, trước khi dấn chân vào con đường trở thành gymer, bạn cần phải nghiên cứu kỹ việc tập luyện và cách ăn uống như thế nào. Trong trường hợp không tìm hiểu kỹ, bạn có thể gặp rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, điển hình như trường hợp sau:
Anh Giang (26 tuổi) sống ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc là người rất yêu thể dục và thường xuyên tập gym. Gần đây, anh cảm thấy đau thắt lưng thường xuyên, cơ thể yếu dần. Khi đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ nhận thấy hàm lượng protein trong nước tiểu vượt quá mức chuẩn, chẩn đoán bị viêm thận.
Hoá ra để tăng cường cơ bắp, hằng ngày anh Giang nạp vào cơ thể rất nhiều thực phẩm giàu đạm như trứng, ức gà, thịt bò và bột protein. Những thực phẩm này rất tốt để tăng cơ giảm mỡ, giữ dáng nhưng do anh tiêu thụ quá mức dẫn đến thận bị quá tải, gây ra viêm.
Bác sĩ giải thích: "Bệnh nhân trông rất khỏe mạnh, khi đến khám thì nói rằng nước tiểu có nhiều bọt, cơ thể yếu ớt so với trước đây. Phản ứng đầu tiên của chúng tôi là xem đó có phải là vấn đề về thận hay không. Sau khi kiểm tra nước tiểu, kết quả cho thấy đó là bệnh viêm thận".
Tiêu thụ nhiều protein (chất đạm) nguy hại như thế nào?
Đối với những người tập thể hình, đặc biệt là nhóm người muốn tăng cơ bắp, protein cực kỳ quan trọng. Trên thực tế, ngay cả đối với những người bình thường không tập thể dục, protein là chất dinh dưỡng quan trọng nhất.
Mặc dù protein là chất dinh dưỡng thiết yếu, nhưng một người khỏe mạnh bình thường sẽ không có khả năng thiếu hụt protein tự nhiên.
Đối với người thường xuyên vận động, nhu cầu protein nằm trong khoảng 1,2-1,7g/kg trọng lượng cơ thể. Nếu là người cần tập tạ, hoặc tập thể hình nặng, mức protein cần thiết có thể cao hơn.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều protein trong thời gian dài sẽ làm tăng gánh nặng cho gan thận. Khi 2 cơ quan này bị tổn thương nghiêm trọng sẽ khiến cơ thể không thể xử lý đạm và amoniac, dễ dẫn tới suy gan và thận, trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong.
Nhóm người nên cẩn trọng với việc tiêu thụ protein
Protein là chất dinh dưỡng không thể thiếu với cơ thể, dù là người có tập gym hay không thì nó vẫn cần bổ sung đầy đủ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, nhất là đối với những nhóm người sau, việc tiêu thụ nhiều protein có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
1. Người mắc bệnh gan thận không nên tự ý uống bột protein, nó sẽ làm tăng gánh nặng cho thận.
2. Người có chức năng tiêu hoá kém, khó hấp thụ đạm, tiêu thụ nhiều protein sẽ ảnh ưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đường tiêu hoá.
3. Người bị bệnh gút tuyệt đối không nên dùng bột protein. Chất purin có trong bột protein sẽ làm tăng acid uric trong cơ thể người bệnh, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh gút.
Những thói quen nào khác cũng có thể gây hại cho thận?
- Chế độ ăn nhiều đường
Tiêu thụ quá nhiều đường và carbohydrate có thể không trực tiếp gây hại cho thận. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường và huyết áp cao là 2 nguyên nhân chính gây ra bệnh thận. Đặc biệt, người bị gan nhiễm mỡ thường có biến chứng suy thận.
- Nhịn tiểu
Không làm rỗng bàng quang kịp thời là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về thận. Nếu bạn thường xuyên cưỡng lại cảm giác muốn đi tiểu, nước tiểu sẽ lưu lại trong bàng quang trong thời gian dài hơn và vi khuẩn bắt đầu sinh sôi nhanh hơn nhiều. Cuối cùng, điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như nhiễm trùng thận và tiểu không kiểm soát.
- Ngồi một chỗ quá lâu
Hoạt động thể chất thường xuyên liên quan đến việc cải thiện huyết áp và chuyển hóa glucose bình thường, cả hai đều là những yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của thận. Ngồi trong thời gian dài không di chuyển có thể làm tăng 30% nguy cơ mắc bệnh thận.
Nếu bạn dành hơn 8 giờ mỗi ngày trên ghế tại nơi làm việc, hãy cố gắng thực hiện một lối sống năng động tại nhà, tập thể dục ít nhất 2-3 lần một tuần và đừng bỏ lỡ cơ hội đi dạo quanh khu phố.
- Tập luyện quá sức
Làm việc quá sức trong thời gian dài có thể gây ra tiêu cơ vân, một tình trạng khi cơ bắp bị thương và bị huỷ hoại, dẫn đến việc giải phóng các chất trong tế bào cơ vào máu như: kali, axit uric, axit lactic, myoglobin hay các enzym làm rối loạn điện giải, toan chuyển hoá, gây suy thận cấp. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng bao gồm suy thận.
Vì vậy, nếu bạn tăng cường tập luyện và thường bị đau cơ, nước tiểu sẫm màu, cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
- Lạm dụng thuốc giảm đau
Mặc dù các loại thuốc giảm đau như aspirin hoặc ibuprofen an toàn ở mức độ vừa phải, nhưng việc lạm dụng chúng thường xuyên có thể dẫn đến tổn thương thận và thậm chí là suy thận. Điều này có thể xảy ra vì thuốc giảm đau không kê đơn làm giảm lưu lượng máu đến thận, dẫn tới suy giảm chức năng, đặc biệt nếu bạn đã mắc bệnh thận.
- Không uống đủ nước
Uống đủ nước sẽ giúp thận sản xuất nước tiểu để loại bỏ natri và chất độc ra khỏi cơ thể. Nếu bạn không uống đủ nước thường xuyên, nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như sỏi thận.
Đối với hầu hết mọi người, uống1,5-2 lít nước mỗi ngày đủ để giữ cho thận khỏe mạnh. Nước tiểu của bạn phải có màu vàng nhạt, bất kỳ màu nào đậm hơn đều có thể là dấu hiệu của tổn thương thận.
Theo 163, Sohu, Brightside