Chiều 26/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tại điểm 3.2, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ". Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ". Về vấn đề này do còn nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH hội xin trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định:

Phương án 1: Xin được giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Phương án 2: Tiếp thu ý kiến ĐBQH không quy định cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành. Vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. 

Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.

Đối đối việc bổ sung một số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ điều tra, thám tử tư, vật liệu nổ khác (ngoài pháo nổ), các ngành thải hóa chất độc hại ra môi trường, bào thai…

UBTVQH tiếp thu, bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh bào thai để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề "Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người" tại điểm đ khoản 1 Điều 6.

Đối với dịch vụ điều tra là một ngành trong hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam khác với điều tra hình sự là nhiệm vụ của cơ quan công an, tư pháp; theo quy định của Bộ luật Dân sự, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; một số hoạt động (như thải hóa chất độc hại ra môi trường, xâm phạm bí mật cá nhân, buôn lậu, kinh doanh hàng giả...) không phải là ngành, nghề kinh doanh mà là hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định xử lý theo pháp luật về hành chính, hình sự, dân sự.