Dù đang trong thời kỳ chiến đấu phòng chống dịch Covid-19, thế nhưng những giấy khám sức khoẻ vô giá trị này vẫn được công khai mua bán.

Thực tế, ngành "mua bán sức khỏe" đã xuất hiện và phổ biến từ rất lâu, thậm chí có xu hướng trở thành thói quen của không ít người. Mỗi khi cần hoàn thiện hồ sơ xin việc, lái xe... nhiều người sẽ nghĩ ngay tới việc đi mua cho nhanh, khỏi phải đến bệnh viện xếp hàng chờ đợi mà cần gì cũng có.

Để mua được những tờ giấy khám sức khoẻ không hề khó khăn. Việc mua bán này rõ ràng không được pháp luật cho phép, ấy thế nhưng lại được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội như 1 mặt hàng bình thường. 

Muốn được việc, nhiều người đã tìm mua những tờ giấy vô giá trị này và vô hình trung tiếp tay cho những "con buôn sức khỏe". Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn có những diễn biến khó lường, sẽ ra sao khi những người được "chứng nhận" đảm bảo sức khỏe nhưng lại mang trong mình mầm bệnh và hòa vào cộng đồng?

"Sức khoẻ" rao bán online và những cuộc giao dịch người bán kẻ mua đều nơm nớp nhìn trước ngó sau

Chỉ cần gõ từ khoá cần thiết, bạn sẽ nhận được cả trăm, cả nghìn lời giới thiệu bán giấy khám sức khoẻ phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng. Chứng nhận 100% sức khoẻ đạt tiêu chuẩn mà không phải mất công đến bệnh viện đợi lấy số thứ tự rồi gõ cửa từng phòng khám.

Thậm chí nếu cần những mục khám yêu cầu xét nghiệm, siêu âm, xquang… thì bạn cũng chẳng phải lo lắng mất đến 1 giọt máu mà vẫn được phê duyệt bình thường, ngay cả khi chính bạn cũng không biết liệu rằng mình có thực sự khoẻ mạnh hay không.

Bắt nguồn từ tâm lý muốn nhanh – gọn – nhẹ mà vẫn đảm bảo hoàn thiện thủ tục để nộp CV cho công ty mình đang có nhu cầu ứng tuyển, hay bổ sung giấy tờ xét duyệt xuất khẩu lao động, du học, du lịch quốc tế… nhiều người đã lựa chọn "dịch vụ" mua bán này.

Nhà cung cấp cho biết có rất nhiều loại giấy khám sức khoẻ của các bệnh viện lớn.

Sau khi dễ dàng tìm được người bán chỉ bằng vài cú nhấp chuột, việc cần làm là... chẳng phải làm gì cả. Người bán sẽ ship "hàng" đến tận nơi cho bạn. 

Người bán mà chúng tôi tiếp cận quảng cáo họ có đủ loại giấy khám sức khỏe phục vụ cho các nhu cầu khác nhau. Các giấy khám sức khỏe này cũng là của toàn những bệnh viện lớn như bệnh viện Xây dựng, bệnh viện E, bệnh viện Giao thông vận tải...

Sau khi được người bán "tư vấn", chúng tôi quyết định đặt mua 1 giấy khám sức khỏe "của bệnh viện Xây dựng" với giá 130.000 đồng, có đầy đủ chứng nhận đạt yêu cầu sức khỏe, không mắc các bệnh lý cơ bản. Tài khoản Facebook của người bán nhanh chóng hỏi các thông tin cá nhân cần thiết, đồng thời yêu cầu gửi ảnh 4x6 để dán vào giấy khám.

Và tất nhiên, chúng tôi được cam kết "sẽ nhận được hàng chuẩn 100%".

Sau thời gian chờ đợi, cuộc giao dịch diễn ra ngay trên vỉa hè 1 con phố lớn. "Shipper" là 1 cô gái trẻ, đi cùng 1 nam thanh niên. Cả 2 đều tỏ ra nôn nóng, vội vàng muốn giao dịch kết thúc nhanh chóng.

Chuyện về mua bán giấy khám sức khoẻ mùa dịch Covid-19: Người bán cam kết “hàng chuẩn” của bệnh viện, bác sĩ khẳng định chữ ký xác nhận không phải của mình - Ảnh 3.

Cuộc giao dịch trong sự nơm nớp lo sợ của người bán.

Việc quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội công khai bao nhiêu, thì lúc này họ càng lén lút bấy nhiêu. Khi chúng tôi đưa ra yêu cầu muốn kiểm tra giấy khám sức khoẻ thì cô gái chần chừ rồi bóc túi niêm phong với thái độ không mấy thoải mái.

"Đừng để họ biết, họ nhìn thấy là bị bắt đấy"- Cô gái cảnh giác. 

Hiển nhiên, người bán thừa biết đây là hoạt động không được cho phép, thế nhưng vẫn luôn miệng khẳng định với khách hàng, tờ giấy khổ A3 này là "hàng chuẩn" từ bệnh viện tuồn ra.

Khi chúng tôi tiếp tục hỏi kĩ về loại giấy khám sức khoẻ này thì nam thanh niên còn lại bảo:

"Đúng ra là không được xem trước như thế này đâu".

Chuyện về mua bán giấy khám sức khoẻ mùa dịch Covid-19: Người bán cam kết “hàng chuẩn” của bệnh viện, bác sĩ khẳng định chữ ký xác nhận không phải của mình - Ảnh 4.

Giấy khám sức khoẻ với đầy đủ dấu giáp lai của Bệnh viện Xây Dựng được bán với giá 130.000 đồng.

Sau khi hoàn tất việc thanh toán cho những tờ giấy này, cặp đôi nhanh chóng lên xe và rời đi. Vậy là người mua đã có được 1 bản chứng nhận sức khoẻ khi mà chẳng có bất kỳ 1 sự thăm khám y tế nào.

Người bán cam kết "hàng chuẩn", bác sĩ khẳng định chữ ký không phải của mình

Câu hỏi mà chúng tôi đặt ra ở đây là với những cam kết chắc nịch về chất lượng của những tờ giấy khám sức khoẻ này thì các bệnh viện có nắm được hay không? Những dấu giáp lai đó từ đâu mà ra? Hay chữ ký có thật là của các bác sĩ trong viện?

Để trả lời có những câu hỏi này, chúng tôi đã cầm trên tay tờ "giấy khám sức khoẻ của Bệnh viện Xây dựng" vừa mới mua chưa hết nóng tay, tìm đến bệnh viện này.

Chuyện về mua bán giấy khám sức khoẻ mùa dịch Covid-19: Người bán cam kết “hàng chuẩn” của bệnh viện, bác sĩ khẳng định chữ ký xác nhận không phải của mình - Ảnh 5.

Được cam kết chắc nịch là giấy chứng nhận thật từ bệnh viện nhưng chữ kí lại mạo danh bác sĩ của Bệnh viện Xây dựng.

Phía bệnh viện Xây dựng đưa cho chúng tôi xem con dấu thật được dùng để đóng trên các giấy khám sức khỏe của bệnh viện. Qua so sánh, có thể thấy dấu giả và giấu thật gần như giống nhau hoàn toàn, cực khó để có thể phát hiện bằng mắt thường. 

Tuy nhiên, chữ ký trên giấy khám sức khỏe giả và chữ ký thật của bác sĩ phụ trách khoa hoàn toàn không có điểm tương đồng nào. Dẫu vậy, tên bác sĩ được đóng bằng dấu phía dưới thì hoàn toàn trùng khớp. 

Mua bán giấy khám sức khỏe công khai giữa mùa dịch Covid-19: Người bán cam kết “hàng chuẩn” của bệnh viện, bác sĩ khẳng định chữ ký không phải của mình - Ảnh 6.

Nếu không đặt cạnh nhau, rất khó để phân biệt được 2 con dấu thật - giả này.

Trao đổi thêm với chúng tôi, vị bác sĩ này cũng cho biết cá nhân mình và bệnh viện thường xuyên bị lợi dụng danh tiếng để quảng cáo, mua bán giấy khám sức khoẻ trên mạng xã hội và những thị trường buôn bán khác.

Dù cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ việc, việc bán mua vẫn nhộn nhịp 

Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ mua bán giấy khám sức khỏe giả tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Song trên thực tế, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Việc làm giả tài liệu, con dấu và buôn bán giấy khám sức khỏe giả không chỉ gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành y tế mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi những giấy tờ giả đó được tiêu thụ trót lọt.

Đó là khi những người không đủ tiêu chuẩn sức khỏe sử dụng loại giấy này để được cấp giấy phép lái xe, giấy chứng nhận hành nghề, xin việc vào các cơ quan, đơn vị, thậm chí đi xuất khẩu lao động... Các cơ quan, tổ chức đã bị đánh lừa và không hề biết tình trạng sức khỏe thật sự của người lao động mà mình sử dụng. Điều này càng trở nên nguy hiểm khi cả nước vẫn đang trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Để ngăn chặn tình trạng rao bán giấy khám sức khỏe giả tràn lan trên mạng xã hội, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng thì mỗi người dân cần phải thay đổi nhận thức. Người có nhu cầu làm giấy khám sức khỏe nên đến bệnh viện trực tiếp khám và làm đầy đủ các xét nghiệm. Đây không những là việc làm tốt cho bản thân mình mà còn đảm bảo quyền lợi cho mọi người.

Pháp luật cũng có quy định rõ ràng về chế tài xử lý những vi phạm nói trên. Theo Bộ luật hình sự năm 2017, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.