Cúng đầy tháng là một phong tục đặc biệt của Việt Nam để kỷ niệm tròn tháng bé chào đời. Tùy theo vị trí địa lý, phong tục vùng miền, mâm cúng sẽ có đôi điểm khác biệt. Lễ cúng này mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, là lời tạ ơn bà mụ, ông mụ đã che chở cho em bé theo quan niệm dân gian, là dịp để cả nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng... 

Mới đây, dân mạng có dịp được trầm trồ trước mâm cơm đầy tháng mà ông bố trẻ ở Quảng Trị tự tay chuẩn bị cho con trai. Mâm cơm này có sắc vàng rực rỡ là màu chủ đạo. Được biết, nhân ngày con trai đầy tháng, chị Hơn (sinh năm 1997) và anh Ngọc (sinh năm 1994) đã chuẩn bị mâm cỗ này.

"Đây là em bé thứ 2 của gia đình chúng mình. Trộm vía con ngoan ngoãn nên việc chăm sóc bé cũng khá nhàn nhã. Thời gian ở cữ, mình được mẹ chồng và chồng chăm nom từ A-Z nên không phải làm bất cứ việc gì hay lo lắng điều gì cả. Trong tiệc đầy tháng này, chồng mình muốn được tự tay làm cho con, đầu tiên là để tiết kiệm chi phí so với đặt ở ngoài hàng, tiếp nữa là anh muốn dành hết tâm huyết làm cho con trai. Ông xã mình lọ mọ cả đêm không ngủ đó.

Mọi công đoạn như lựa chọn hoa, làm gà, nấu đồ đều được anh làm không thiếu thứ gì. Mình cũng muốn giúp nhưng ông xã không cho vì còn đang trong giai đoạn ở cữ", chị Hơn tâm sự.

Ngắm mâm cơm đầy tháng của anh Ngọc làm cho con trai mà các mẹ trầm trồ, khen ngợi hết lời vì ông bố trẻ quá khéo tay, chịu khó làm cho con. Nhiều mẹ còn "tag" chồng vào học hỏi nữa.

Ông bố trẻ tự tay làm từ A đến Z. 

Theo quan niệm dân gian, mỗi em bé được sinh ra có sự phù hộ độ trì của Tổ tiên, đặc biệt có sự đỡ đầu của vị Đại Tiên (Bà chúa Đầu thai) mà trực tiếp là 12 Bà Mụ (12 Tiên Nương). Mỗi Bà Mụ sẽ có trách nhiệm nặn ra một bộ phận cho đứa trẻ như mắt, mũi, tay, chân, tóc... sao cho xinh đẹp, hoàn mỹ. Ngoài ra, còn Đức Ông và 3 Đức Thầy có công che chở giúp việc mang thai và sinh nở được diễn ra thuận lợi và cho bé sự thông minh.

Vì thế lễ cúng đầy tháng cho bé không chỉ khẳng định sự hiện hữu của một con người hay một thành viên mới trong gia đình, xã hội mà còn thể hiện lòng biết ơn, cảm tạ của gia đình đối với những vị thần linh thầm phù hộ cho em bé. Về cơ bản cúng đầy tháng của bé trai và bé gái giống nhau, chỉ khác nhau đôi chút về lễ vật.

Tổ ấm của gia đình anh Ngọc - chị Hơn. 

 Mâm lễ cúng đầy tháng thường gồm những gì?

1. Bình hoa, trái cây:

– Hoa trái giúp mâm cúng trở nên hoa mỹ, đầy đủ hơn rất nhiều.

– Mang lại vẻ hài hòa trong tổng thể mâm cúng.

– Mang ý nghĩa cụ thể về sự kỳ vọng sau này của gia đình tới với bé.

2. Gà luộc cánh tiên

Lễ vật này có sự khác nhau giữa các vùng miền. Ví dụ như người miền Tây thì lại thường hay sử dụng vịt luộc. Tuy nhiên ngày nay nhiều gia đình cúng chay nên cũng bỏ qua món mặn này.

3. Bộ xôi chè:

+ Xôi nếp: Sự dẻo dai, thơm ngon của từng hạt nếp trong đĩa xôi tượng trưng cho sự dẻo dai, khỏe mạnh của con yêu.

+ Món chè: Vị ngọt ngào của chè chính là cầu mong cho tương lai của bé hạnh phúc ngọt ngào.

4. Bộ trầu cau đã têm, kết

Trầu cau là lễ vật có đôi có cặp, thể hiện sự cầu viên mãn không chỉ trong cuộc sống hằng ngày mà còn cả công việc làm ăn nữa. Ben cạnh đó là lời cầu mong sự vẹn toàn sức khỏe mẹ và bé; cầu bình an; mong bé dễ chăm dễ nuôi và sự đầm ấm yêu thương từ cha và mẹ.

5. Nhang, nến thơm, rượu lễ:

+ Nhang đèn theo quan niệm dân gian thì hương khói là cách để truyền lời cầu khấn đến các vị thần.

+ Rượu lễ để tạ lễ. Đồng thời, là thức uống phổ biến trong những mâm cúng thường nhật.

6. Bộ quần áo mã, bộ hài xanh, tiền vàng:

+ Bộ quần áo và hài xanh cho 12 Bà Mụ và Bà Chúa.

+ Tiền vàng cho Đức Ông và 3 Đức Thầy.