“Qua phân tích dịch tễ cho thấy độ trễ trong phát hiện ca bệnh tại Cần Thơ rất dài, lên đến 9 ngày, có nghĩa đã trải qua ít nhất 4 chu kỳ lây nhiễm. Như vậy dịch đã ở cộng đồng và có thể phát hiện thêm nhiều ca nhiễm. Đây là lo ngại của chúng tôi với Cần Thơ”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Gia tăng ca mắc

Theo báo cáo của ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ngày 31/7 thành phố ghi nhận 1.349 ca mắc COVID-19. Hiện Cần Thơ có 21 ổ dịch lớn chủ yếu trên địa bàn các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Ô Môn và huyện Thới Lai. Hiện thành phố đang có 42 khu cách ly, khả năng tiếp nhận 6.517 người. Dự kiến sẽ thiết lập thêm 34 khu cách ly nữa để nâng công suất chỗ cách ly lên khoảng 11.000.

Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng với tình hình hiện tại, Thành phố Cần Thơ nhận định xu hướng dịch vẫn đang tăng lên và tiếp tục tăng dù TP đã nỗ lực nhiều trong thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, trong đó có quyết liệt truy vết, tăng cường nâng công suất xét nghiệm. Thành phố thực hiện phân tầng điều trị, tuy nhiên rất cần có sự hỗ trợ về điều trị của Bộ Y tế. Tuân thủ điều trị phân tầng, có kế hoạch cụ thể xét nghiệm.

Đối với công tác phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế lưu ý TP Cần Thơ cần đẩy mạnh xét nghiệm, sàng lọc trong các doanh nghiệp, nhà máy. Chỉ đơn vị nào đảm bảo an toàn mới duy trì hoạt động. Phải định kỳ xét nghiệm ít nhất 50% số công nhân trong các nhà máy, doanh nghiệp.

Về xét nghiệm, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh mở rộng test nhanh, để xác định đối tượng. Từng quận, huyện cần có kế hoạch cụ thể ngày nào xét nghiệm ở địa bàn nào, làm trọng điểm tại địa bàn nào trước.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay trong đợt dịch này khoảng 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Vì thế thành phố cần nghiêm túc thực hiện mô hình điều trị tháp 3 tầng, trong đó lưu ý nhanh chóng chuyển tuyến những trường hợp có diễn biến nặng lên tuyến cuối để kịp thời điều trị cho người bệnh.

Hiện Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch, do đó Cần Thơ cần nhanh chóng rà soát lại hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn để huy động, điều tiết và sử dụng phù hợp.

Xác định cho tình huống xấu hơn

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Qua phân tích dịch tễ cho thấy độ trễ trong phát hiện ca bệnh tại Cần Thơ rất dài, lên đến 9 ngày, có nghĩa đã trải qua ít nhất 4 chu kỳ lây nhiễm. "Như vậy dịch đã ở cộng đồng và có thể phát hiện thêm nhiều ca nhiễm. Đây là lo ngại của chúng tôi với Cần Thơ", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng yêu cầu Cần Thơ ngay lập tức cần phải xác định cho tình huống xấu hơn. Thành phố cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, càng làm nghiêm bao nhiêu, càng thực hiện triệt để bao nhiêu thì càng ngăn được các chuỗi lây nhiễm mới bấy nhiêu.

"Khi phát hiện ca nhiễm tại một khu vực, địa bàn không rõ nguồn lây trong cộng đồng và có khả năng lây truyền trong khu vực phải lập tức khoanh vùng để lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm, tiến hành phong tỏa gọn lại để giảm ảnh hưởng đến người dân. Muốn làm chậm lây nhiễm, phải nâng công suất xét nghiệm, đẩy nhanh thời gian trả mẫu. Hiện nay Cần Thơ đang trả mẫu chậm. Những vùng phong toả lấy mẫu 3 ngày/lần, làm theo hộ gia đình với hình thức mẫu gộp test nhanh. Tuy nhiên không nhất thiết phải tập trung lấy mẫu mà thực hiện chia nhiều điểm nhỏ, có thể lấy mẫu tại nhà. Ngay cả khi có kết quả âm tính vẫn yêu cầu người dân phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Khi có mẫu dương tính cần nhanh chóng đưa người đi cách ly", Bộ trưởng lưu ý.

Thông tin tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong vài ngày tới Bộ Y tế sẽ cấp thêm xe xét nghiệm lưu động cho Trường Đại học Y Dược Cần Thơ để phục vụ xét nghiệm nhanh cho thành phố. Mỗi xe có thể thực hiện 2.000 mẫu/ngày. Bộ Y tế cũng sẽ cấp thêm test nhanh cho Cần Thơ, tuy nhiên thành phố cần chủ động mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm và vật tư phòng chống dịch.

Bộ trưởng thông tin, Bộ Y tế sẽ thiết lập tại thành phố Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường (trong trường hợp cần thiết có thể nâng lên thành 800-1.000 giường). Trung tâm này mang tính chất khu vực chứ không chỉ phục vụ riêng Cần Thơ. Bộ Y tế sẽ làm việc với Bệnh viện 103 và sẽ điều các chuyên gia của Bệnh viện vào hỗ trợ hoạt động của Trung tâm này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý vấn đề điều phối bệnh nhân là do thành phố phải chủ động, tránh để bệnh nhân nhẹ chuyển đến "tầng 3". Nơi này chỉ dành cho bệnh nhân nặng, rất nặng, cấp cứu và thở máy. Ngoài ra, một Trung tâm hồi sức tích cực quy mô 200 giường cũng đã và đang được thiết lập tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Tổ chức nhiều điểm tiêm chủng lưu động

Trong công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý TP Cần Thơ không cần giới hạn điểm tiêm, nên tổ chức nhiều điểm tiêm lưu động ở các khu phố, ngõ hẻm, không giới hạn người tiêm và đối tượng tiêm "người trên 18 tuổi ở vùng phong toả, người trên 65 tuổi là tiến hành tiêm" để nâng công suất tiêm chủng càng nhanh, càng tốt.

Trong giai đoạn này cần đẩy nhanh tiêm mũi 1, thành phố phải huy động mọi lực lượng y tế trên địa bàn tham gia công tác tiêm chủng và tiêm ngay "không chờ hết giãn cách mới tiêm".