Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: PHẠM THẮNG
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số thông tin được quan tâm thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng cho hay hiện đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023. Theo đó, cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên giữ ổn định mức thu học phí như năm học 2021-2022.
Trường hợp địa phương tăng học phí thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021-2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.
Cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí trình UBND đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
Học phí của đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập cũng giữ ổn định mức thu như năm học 2021-2022. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022 đã quy định tại nghị định 81.
Hơn 10.400 giáo viên công lập nghỉ việc
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành, trong đó giáo viên công lập là 10.407 người, giáo viên ngoài công lập là 5.858 người, chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương...
Ở các địa phương này, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn, như chuyển sang làm việc ở các trường tư thục hoặc ở các lĩnh vực khác.
Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Sơn, là với giáo dục mầm non ngoài công lập, trong hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, một số cơ sở phải đóng cửa, giáo viên phải tìm kiếm việc làm khác. Một số giáo viên không phải người địa phương cũng trở về quê cùng gia đình tránh dịch và không trở lại.
“Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghỉ việc của giáo viên ngoài công lập trong hai năm qua”, ông Sơn lý giải.
Tại các cơ sở giáo dục công lập, giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương chưa đủ để trang trải cuộc sống.
Cụ thể, hiện giáo viên công tác trong năm năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao.
Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục chậm đổi mới trong quản lý, áp lực công việc với giáo viên còn lớn.
Từ đó, Bộ trưởng Sơn đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, đặc thù lao động nghề nghiệp.
Đồng thời quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Ngoài chính sách chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định về chế độ làm việc, chính sách với nhà giáo theo thẩm quyền, đồng thời đề nghị các địa phương tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả.