BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN HÙNG:
Là người làm công tác văn hóa, nên sau mỗi sự kiện lớn, tôi thường để mình lắng lại và suy ngẫm. Để có được một thành tựu tự hào, bao giờ cũng là kết quả cộng hưởng sức mạnh to lớn của toàn dân, dưới chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, chứ không đơn thuần của riêng một tổ chức, cá nhân nào.
Được cộng hưởng sức mạnh như thế, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành đăng cai, đã nỗ lực vượt khó để thực hiện trọn vẹn một kỳ SEA Games thực sự chất lượng và giàu cảm xúc.
Thú thực là đến bây giờ tôi vẫn xúc động. Mấy hôm nay, gặp người dân Thủ đô khi đi ra phố, họ đều nói với tôi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất cho thể thao nước nhà. Và tôi cảm nhận được trong ánh mắt, trong nụ cười, trong cái bắt tay thân thiện ấy toát lên niềm tự hào dân tộc. Nắm tay những người không biết tên, tôi cảm ơn họ, vì chính họ là một trong những nguồn cảm hứng, cổ vũ, động viên để SEA Games về đích trọn vẹn.
Nhưng để chúng tôi tự nói về mình, thì dù có khách quan đi nữa cũng chưa hẳn khách quan. Tôi chỉ xin viện dẫn một số hoạt động và nhận định của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Ngay sau SEA Games, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt, tặng quà HLV đội tuyển bóng đá nam và nữ. Tại đây, Chủ tịch nước chúc mừng thành tích tuyệt vời của tất cả đoàn thể thao Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận kết quả SEA Games bằng vài câu ngắn gọn nhưng hàm súc: Rất thành công. Đó là chiến thắng của tất cả chúng ta, chiến thắng của tinh thần thể thao trung thực, vô tư, trong sáng, cao thượng; chiến thắng chính mình, chiến thắng của tình đoàn kết và hữu nghị giữa các dân tộc.
Trong phát biểu kỳ họp khai mạc Quốc hội vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã đánh giá khái quát về thành công của SEA Games, đồng thời biểu dương Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Ban tổ chức.
Tổng hợp ý kiến cử tri do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội nêu rõ: Tâm trạng xã hội rất vui mừng phấn khởi, đặc biệt là khi cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam tổ chức thành công SEA Games trong trạng thái bình thường, an toàn dịch bệnh.
Nghe lời biểu dương đó, chắc chắn hàng chục ngàn người cống hiến cho SEA Games sẽ thấy rất ấm lòng. Nhưng chúng ta nghe biểu dương không phải chỉ để phấn chấn, mà chúng ta cần nhìn sâu vào bản chất vấn đề để biết thành tựu ấy đến từ đâu, như thế mới rút ra được những bài học quý, để làm tốt hơn nữa.
BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN HÙNG:
Vui, tự hào, phấn chấn, là cảm giác chung của rất nhiều người Việt. Bản thân tôi cũng vậy. Nhưng như Tổng bí thư đã căn dặn toàn bộ hệ thống chính trị, bất kỳ lúc nào cũng không được say sưa và ngủ quên trong chiến thắng.
SEA Games khép lại rồi, nhưng không vì thế mà quên rằng: Nhiệm vụ phía trước của chúng tôi còn rất nhiều. Từ việc phát triển chiến lược thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao, đến việc mở cửa và phục hồi du lịch, và sâu thẳm là công cuộc chấn hưng văn hóa, đều đang cần những sức bật mới, nỗ lực mới, tầm nhìn mới.
Nên có thể nói rằng, ngành chúng tôi phải luôn luôn nỗ lực vận động về phía trước, chinh phục những dấu mốc mới, chứ không thể dàn hàng ngang, bằng lòng với thành tích đã đạt được.
Ngay như đội tuyển U23 của chúng ta, dù chưa đủ thời gian phục hồi thể lực và tận hưởng niềm vui chiến thắng, thì đã lại ba lô tay xách lên đường, tiếp tục làm nhiệm vụ: Sang UAE tập huấn, chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á.
Tinh thần thể thao và cống hiến là thế: Nỗ lực, nỗ lực không ngừng! Chinh phục, chinh phục không ngừng.
BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN HÙNG:
Khi được giao trách nhiệm này, thực sự mà nói, chúng tôi rất lo lắng. Lo lắng thứ nhất là đã qua 18 năm kể từ lần đăng cai đầu tiên. Thế hệ làm SEA Games trước thì nay đã nghỉ hết, thậm chí nhiều người không còn nữa. Và như vậy, chúng tôi gần như không được kế thừa.
Cái khó lớn thứ 2 là cơ sở vật chất của ta so với các quốc gia khác đang rất khiêm tốn, chưa đồng bộ, nếu không muốn nói là thiếu ngược thiếu xuôi, nhất là khi so với tiêu chuẩn đấu trường quốc tế.
Cái khó thứ 3 là trước thời điểm tổ chức, dịch bệnh vẫn rất căng thẳng. Câu hỏi hóc búa là lúc nào chúng ta mở cửa được? Mở cửa thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân? Nếu mở cửa với mô hình khép kín không có khán giả trên sân như Thế vận hội mùa Đông Trung Quốc hay Olympic Nhật Bản, thì cầm chắc hiệu ứng cộng hưởng sẽ giảm sút và cũng không đạt được mục tiêu kép mà chúng ta hướng đến.
Cái khó thứ 4 là chuẩn bị lực lượng thi đấu. Khi chưa có quyết định chính thức tổ chức SEA Games, tình thế rất căng thẳng. Vì dịch bệnh như vậy nên điều kiện ăn ở tập luyện của VĐV, HLV, người hỗ trợ đều gặp khó khăn. Khi đó chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định cân não: Cho VĐV về hay tiếp tục duy trì việc tập luyện? Nếu tiếp tục tập luyện thì biết lúc nào SEA Games mới được tổ chức? Nếu SEA Games không được tổ chức, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về chi phí tiền ăn, tiền ở, tiền trả cho VĐV trong suốt thời gian triệu tập? Nếu cho VĐV, HLV về nhà, mà SEA Games vẫn được tổ chức, thì ai chịu trách nhiệm nếu thành tích kém?
Và nói thật, chúng tôi phải mất những đêm thức trắng để nghĩ và cùng tập thể lãnh đạo bàn bạc, suy nghĩ tính toán rất kỹ để tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nhưng rất mừng là Ngành chúng tôi đã tham mưu đúng và trúng. Sau khi Bộ chính trị đồng ý cho chủ trương tổ chức SEA Games, chúng tôi tham mưu: Nếu dịch bệnh không thể tổ chức được ngay, thì phải báo cáo lại với Bộ chính trị, Chính phủ, để lãnh đạo cho phép có độ dừng nhất định. Đến lúc nào nắm bắt được thời cơ thì sẽ trình để xin được tổ chức lại.
Với đường hướng linh hoạt này, chúng ta trở nên chủ động trong mọi hoàn cảnh. Và khi nhận thấy đủ điều kiện tổ chức, Việt Nam đã không chậm trễ. Bài học rút ra rất thấm: Cấp dưới cần tham mưu trúng và đúng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước quyết định sáng suốt, kịp thời, thì kết quả chắc chắn sẽ đều tốt đẹp.
Cái khó thứ 5 chính là việc thuyết phục các nước ASEAN tham dự Đại hội. Nếu họ không tham gia, hoặc tham gia ít thì chúng ta thi đấu với ai? Dịch bệnh đã khiến nhiều nước e ngại và chúng ta phải thể hiện vai trò của NGƯỜI GIỮ LỬA.
Không biết bao nhiêu cuộc họp trực tuyến giữa Việt Nam và các quốc gia đã diễn ra. Chúng ta động viên bạn, khích lệ các nước động viên lẫn nhau. Dịch bệnh gây khó thật, nhưng bản chất của thể thao là chinh phục, là vượt khó nên chúng ta hãy cùng nhau quyết tâm làm - chúng tôi đã nói với các bạn khu vực như vậy.
Khi nghe mình động viên thì bạn cũng rất đồng cảm, nhưng vì chỉ là đồng cấp Bộ trưởng, nên họ cũng không quyết được việc tham dự, mà phải về báo cáo Chính phủ.
Rồi lần họp thứ 2, thứ 3 diễn ra, chúng ta ngày càng củng cố thêm quyết tâm tham dự SEA Games của các nước bạn. Thời điểm tạo tính bước ngoặt quyết định chỉ mới diễn ra cách đây 3 tháng. Khi ấy chúng tôi đi thêm một bước quan trọng nữa: mời họ đến Việt Nam để thị sát và kiểm nghiệm những điều Việt Nam nói và cam kết.
Đặc biệt, chúng tôi không chỉ mời lãnh đạo các đoàn thể thao Đông Nam Á mà còn mời cả Lãnh đạo nhiều liên đoàn thể thao thế giới. Và đến thực địa, họ dễ dàng nhìn thấy thực tế đúng như những gì Việt Nam đã nói.
Chúng tôi đưa họ đến tất cả các địa điểm thi đấu, trao đổi với họ về thủ tục, cung cấp thông tin về việc thí điểm mở cửa du lịch rất thuận lợi, chỉ cho họ thấy độ sẵn sàng cao nhất của Việt Nam. Và họ đã hoàn toàn bị thuyết phục trước điều kiện vật chất lẫn quyết tâm tổ chức một kỳ Đại hội an toàn, thân thiện, cởi mở của nước chủ nhà.
Cái khó thứ 6 chính là kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ thi đấu. Đất nước đang khó khăn, kinh phí thì eo hẹp, thời gian thì gấp gáp, nên chúng ta không thể đầu tư kịp và đủ cơ sở vật chất. Chúng tôi nhớ đến câu cha ông đã dạy "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", nên vận dụng mọi cách để bù lấp sự thiếu khuyết này.
Vì thế, chúng tôi nghĩ đến việc tận dụng nguồn lực sẵn có, nên tiến hành làm việc với 12 địa phương để họ đăng cai thi đấu. 12 địa phương ấy lại phải gần Hà Nội để tiện đi lại cho các đoàn, kể cả trong trường hợp buộc phải tổ chức khép kín không khán giả. Chúng tôi không dám chọn tỉnh thành phía Nam bởi phải đề phòng kịch bản xấu do dịch bệnh, bởi khi ấy rất khó di chuyển đường không.
Và rất mừng là lãnh đạo 12 tỉnh thành đã đồng hành tuyệt vời cùng Bộ, nên họ huy động các nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự và tạo ra bầu không khí khiến bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.
Tôi nói với các đồng chí lãnh đạo địa phương: Nếu chúng ta làm tốt, đây chính là cơ hội tuyệt vời để bạn bè quốc tế muốn đến Việt Nam và thích khám phá cảnh vật, con người địa phương đăng cai. Và kết quả đúng như vậy.
Cái sự khó và vượt khó này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận: Đầu tư cho văn hóa, thể thao, du lịch chưa nhiều lắm, nhưng mà các đồng chí đã biết phát huy.
BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN HÙNG:
Tôi cũng đã đọc được phát biểu này. Họ ghi nhận nỗ lực của Việt Nam, nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng họ ca ngợi chúng ta cao hơn điều kiện của chúng ta đang có một chút. Nghe lời khen, mình đừng ngộ nhận. Về kỹ năng tổ chức, ý chí, quyết tâm, thì Việt Nam hoàn toàn làm được. Nhưng một kỳ Đại hội tầm vóc quốc tế cần nhiều điều hơn thế.
Để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất cho ASIAD, Olympic là vấn đề rất lớn, không dễ giải quyết một sớm một chiều. Chúng tôi biết thế, nhưng tinh thần luôn phải hướng tới và chuẩn bị thật tốt việc làm chủ những sự kiện tầm vóc lớn nhất. Khi điều kiện chín muồi, chúng ta sẽ tham mưu, đề xuất việc đăng cai. Tôi nghĩ đây là một mong muốn chính đáng của người Việt, nhưng đề cập thời điểm này có lẽ là hơi sớm...
BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN HÙNG:
Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ quy luật: sau khi một đất nước tổ chức thành công sự kiện thể thao – văn hóa lớn, thì lượng khách quốc tế bao giờ cũng tăng. Nên tôi rất tin tưởng Ngành du lịch sẽ đạt được chỉ tiêu 2022: Đón trên 5 triệu khách du lịch quốc tế. Nhưng tôi nhấn mạnh là chúng ta không chỉ chú ý đếm số đầu người theo kiểu lấy thành tích. Cái quan trọng hơn là hơn 5 triệu khách đó chi tiêu bao nhiêu, ngành du lịch thu được bao nhiêu và đóng cho GDP đất nước là bao nhiêu?
Câu hỏi ấy đặt ra cho chúng tôi bài toán cân não: Sản phẩm du lịch đổi mới như thế nào, kết nối du lịch ở đâu, đâu là vùng trọng điểm, đâu là đầu tàu? Chính vì vậy, thời gian vừa rồi Bộ kết hợp cùng các địa phương tăng tốc với nhiều điểm nhấn: Tổ chức Tuần văn hóa du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc ngay tại thủ đô Hà Nội, Tuần lễ văn hóa du lịch của Tây Nguyên kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, Tuần lễ văn hóa du lịch đồng bằng sông Cửu Long với Lễ hội Đờn ca tài tử, Lễ hội Làng sen quê Bác....Và tới đây còn nhiều hoạt động thiết thực nữa.
Tôi rất là mừng là tất cả kế hoạch của Ngành đều nhận được sự quan tâm, đồng tình của lãnh đạo 63 tỉnh thành. Đây cũng là điểm khác biệt bởi vì xây dựng văn hóa không chỉ là việc làm ở trụ sở Bộ, trụ sở tỉnh, huyện mà phải bắt đầu từ cộng đồng dân cư, thôn bản, cơ quan trường học, cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang. Điều rất mừng là trước đây một số nơi cho rằng văn hóa chỉ là cơ quan tiêu tiền, thì giờ họ đã nhìn thấy đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho chiều sâu, đường dài, cho sự phát triển bền vững.
SEA Games vừa rồi chúng ta đón hơn 10.000 khách quốc tế, đấy là tôi mới chỉ nói đến lực lượng VĐV, HLV, trọng tài và thành viên các đoàn thể thao. Họ chính là những đại sứ du lịch của Việt Nam. Khi họ thấy một Việt Nam an toàn cả về an ninh trật tự và dịch bệnh, lại có ẩm thực phong phú, thiên nhiên tuyệt đẹp, văn hóa cuốn hút, con người cởi mở thân thiện, thì chính họ và người thân, bè bạn, đồng nghiệp sẽ muốn quay trở lại. Nguồn khách từ nội khối ASEAN chắc chắn sẽ khả quan. Khi tôi làm việc với lãnh đạo đoàn Singapre, họ cam kết sau SEA Games sẽ thúc đẩy du lịch. Đó là tin vui, nhưng kết quả cụ thể thì vẫn còn phải chờ chính sách của quốc gia khác.
Hiện cũng đã xuất hiện rất nhiều đơn vị đồng hành, kết nối được đầu vào đầu ra cho khách du lịch. Chúng tôi nắm bắt kịp thời chính sách mở cửa của các quốc gia, để có giải pháp kết nối, đón thời cơ. Ví dụ chúng ta sẽ đẩy mạnh xúc tiến và truyền thông ở những thị trường khách quen thuộc như Hàn Quốc, Nhật Bản, vì họ cũng đang có chính sách tiệm cận với Việt Nam.
Trở lại thời điểm trước, ngày 15/3 chúng ta đã mở cửa lại thị trường quốc tế. Nếu như so sánh với nhiều nước khác, Việt Nam làm rất bài bản: Thận trọng từ thí điểm mở cửa thị trường trong nước, thị trường quốc tế tại những địa bàn kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Nha Trang, Khánh Hòa, Quảng Nam...
Rồi chúng ta sơ kết nhanh chóng, và khi nhìn thấy độ phủ vắc xin thần tốc, tỉ lệ người mắc COVID – 19 trong cộng đồng giảm mạnh và cả nước kiểm soát được dịch bệnh bằng nhiều biện pháp đồng bộ khác, thì chúng ta tham mưu đúng thời điểm để Chính phủ quyết định mở cửa.
Cùng với một SEA Games an toàn, chật cứng khán giả, chúng ta tạo ra hiệu ứng rất tuyệt vời để bạn bè quốc tế nhìn vào Việt Nam như một đất nước cực kỳ an toàn, thân thiện, mến khách, không có lý gì không xách ba lô đến Việt Nam du lịch. Và tỉ lệ khách du lịch đã bắt đầu tăng lên.
BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN HÙNG:
Công việc của Bộ chúng tôi hiện nay rất nhiều, tuy nhiên để hiệu quả nhất thì phải làm theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, việc nào trước, việc nào sau.
Về văn hóa, vừa qua chúng tôi đã xây dựng trình và Chính phủ đã chính thức ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Đây là dấu mốc rất quan trọng vì nó nằm trong lộ trình cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Trách nhiệm của Ngành là phải cụ thể hóa chiến lược và hướng dẫn UBND các cấp triển khai. Năm 2022 chúng tôi chọn chủ đề "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ". Ngày 14/3, sự kiện này được phát động tại quê hương của Bác Hồ - Danh nhân văn hóa thế giới – đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất cao trên toàn bộ các tỉnh thành cả nước.
Tôi xin mượn câu nói rất hình ảnh của Thủ tướng trước đây, nay là Chủ tịch nước, để ví von Ngành Văn hóa, Thể Thao, Du lịch là cỗ xe tam mã. Phát huy được sức mạnh của cỗ xe tam mã này, thì tốc độ sẽ băng băng.
Chúng tôi xác định, trong cỗ xe tam mã đó, văn hóa luôn là gốc, là cái dây cương. Thể thao giúp cho con người khỏe mạnh thể chất, từ đó tinh thần phấn chấn, tự tin. Du lịch luôn bắt đầu từ sản phẩm văn hóa và quay trở lại làm giàu văn hóa, quảng bá văn hóa và đóng góp cho kinh tế.
Chúng tôi cũng đã bàn với Tổng liên đoàn lao động và các Hiệp hội để triển khai chương trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân. Tôi đã có nhiều cuộc hội kiến với chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn. Các anh chị ấy nói với tôi là đời họ đã có rất nhiều thành công khác nhau, nhưng nếu một ngày nào đó được ghi nhận là doanh nhân văn hóa thì họ sẽ rất hạnh phúc. Là người làm văn hóa, tôi thấu hiểu những mong mỏi rất có chiều sâu văn hóa này.
Về thể thao, một nhiệm vụ hết sức nặng nề là chúng tôi phải xây dựng Chiến lược thể thao Việt Nam đến năm 2030 và và tầm nhìn đến 2050. Sự thành công của SEA Games 31 đã tạo đà rất thuận lợi cho công cuộc này.
Nhưng cái khó nhất là chúng ta phải tiếp cận nó với góc nhìn mới, cách làm mới trên cơ sở đánh giá chuẩn xác hiện trạng thể thao Việt Nam.
Chúng ta cần đi ngược lại với cái cách mà trước đây đã tiếp cận. Trước đây ta chọn những bộ môn thể thao chinh phục SEA Games, sau đó ta mới hướng đến Đại hội thể thao châu Á rồi cuối cùng là Olympic. Nay ta kiên quyết và dũng cảm chọn lọc đầu tư các bộ môn của Olympic, từ đó mới định hình nó để đưa trở ngược lại về Châu Á và khu vực.
Muốn phát triển thể thao đỉnh cao thì phải đi bằng hai chân. Vừa đầu tư trọng điểm thể thao thành tích cao vừa chú trọng thể thao quần chúng để phát hiện nhân tài. Nhưng nếu chúng ta không đẩy mạnh xã hội hóa thể thao và tạo cơ hội kinh tế thể thao phát triển, thì rất khó có thể đi tốt bằng cả hai chân.
Đây là bài toán cực lớn, vì kinh tế thể thao đã được đề cập đây đó trong một số văn bản, nhưng việc thể chế hóa nó như thế nào thì chưa được nghiên cứu bài bản, khoa học. Hiện tôi đã giao cho Viện nghiên cứu và cả hệ thống, nỗ lực xây dựng để trình các cơ quan thẩm quyền cho thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nếu việc này thành công, sẽ tạo cú hích rất lớn để thể thao nước nhà mang về những vinh quang to lớn hơn cho đất nước.
Rất may là có nhiều tín hiệu đáng mừng. Như tôi được biết Bộ Công an sắp tới đây sẽ có học viện bóng đá. Quân đội thì đã có Viettel rồi. Chúng ta đều biết "lò" đào tạo thể thao của công an và quân đội sản sinh rất nhiều VĐV tuyệt vời cho bắn súng, bơi lội, võ thuật... Càng nhiều "lò" đào tạo như thế ra đời, Việt Nam sẽ càng khẳng định vị thế trên trường thể thao thế giới...
BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN HÙNG:
Tôi xin được cảm ơn và chúc mừng tất cả những người làm SEA Games đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hàng ngàn VĐV, HLV, chuyên viên tập luyện trong điều kiện dịch bệnh, eo hẹp nhiều thứ, suốt mấy năm không được ra nước ngoài tập huấn, thi đấu cọ sát, mà họ vẫn vượt lên mạnh mẽ phá kỷ lục bảng tổng sắp HCV, phá nhiều kỷ lục SEA Games, dẫn đầu thành tích các môn Olympic như vậy, là rất phi thường. Họ đã thực sự chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Chúng ta cảm ơn họ!
Điều cảm cảm ơn thứ hai chính là sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các bộ, ngành, của tất cả các địa phương chung sức chung lòng. Thiếu điều này, SEA Games không thể thành công.
Ở SEA Games 31, chúng ta đã kích hoạt đúng vào ý thức và niềm tự hào dân tộc của người Việt Nam, chính vì thế chúng ta mới làm được những điều hơn cả kỳ vọng. Tất cả các khán đài luôn luôn đầy ắp khán giả. Trong số khán giả đó có bố mẹ, vợ con, anh chị, bạn bè của các VĐV, HLV. Chính điều này đã tiếp lửa ghê gớm cho khát vọng chinh phục của đoàn thể thao Việt Nam. Chúng ta cảm ơn họ!
Một điều khiến tôi ấn tượng là 3.000 sinh viên là tình nguyện viên. Các em tuổi còn rất trẻ nhưng cũng đã hết mình hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ, rất nhiều em để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Chúng ta cảm ơn họ!
Sự công minh của đội ngũ trọng tài chính là một trong những điểm nhấn tự hào tại SEA Games 31. Thủ tướng đã chỉ đạo chúng ta không chạy theo chủ nghĩa thành tích mà phải hướng đến các môn thể thao thành tích cao. Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định: Việt Nam kiên quyết không dùng quyền của nước chủ nhà để chọn những môn mình có lợi thế huy chương nhưng lại không phải các môn cơ bản ở Asiad và Olympic. Chúng ta cần đi tiên phong trong hướng đi đúng đắn này.
Để thực hiện tinh thần Fair Play, công bằng, minh bạch đó, Việt Nam quyết mời toàn bộ trọng tài quốc tế cầm cân nảy mực cho đại hội, chứ không phải trọng tài Việt Nam. Bởi phía trên trọng tài quốc tế còn có các hội đồng giám sát và các liên đoàn thể thao quốc tế, nên rất yên tâm.
Tôi là Trưởng ban tổ chức, mà không hề gặp riêng bất cứ một trọng tài nào cả, chỉ gặp chung để quán triệt sâu sắc tới họ tinh thần công bằng và tinh thần thể thao cao thượng. Việt Nam gương mẫu trong việc không năn nỉ, xin xỏ, gây sức ép với bất kỳ trọng tài nào. Cuối cùng thì đội ngũ trọng tài đã làm xuất sắc công việc của họ, khiến bạn bè quốc tế đều tâm phục khẩu phục. Chúng ta cảm ơn họ!
Một cái được mà tôi cần phải nói, nếu không nói sẽ là thiếu sót. Đó là chúng ta đã thành công rất mỹ mãn về truyền thông. Việc quyết định sớm về việc thành lập các trung tâm báo chí quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp. Các cơ quan báo chí trong nước thì hoàn thành tuyệt vời chức năng thông tin của mình.
Phải nói thật là cơ sở vật chất kỹ thuật mình sao bằng được những nước như Singapore. Rồi tiểu tiết một số thứ chúng ta chưa hoàn hảo được, vì nhiều việc phải làm quá. Nhưng anh em báo chí mình tác nghiệp vẫn rất chuyên nghiệp, lịch sự, nhân văn. Tôi đã từng chứng kiến các phóng viên Việt Nam đưa máy tính cho phóng viên nước bạn mượn, thậm chí nhường vị trí ngồi cho bạn. Khi cơ quan truyền thông cảm được lối hành xử văn minh, văn hóa ấy, họ sẽ truyền tải cho hàng triệu độc giả thêm yêu Việt Nam. Cho đến giờ này chưa có ai chê trách chúng ta cả. Chúng ta cảm ơn họ!
Trong phát biểu tổng kết, tôi nói thế này, những ánh mắt, những nụ cười thân thiết đã rút ngắn đi khoảng cách của ngôi vị, vì tất cả họ đều là người chiến thắng, họ đã vượt qua chính mình. Chúng ta cảm ơn bạn bè quốc tế đã chung tay, ủng hộ để tất cả có một kỳ SEA Games nồng ấm, trọn vẹn.
Và cuối cùng, tôi cũng xin được thông cảm, lượng thứ vì biết rằng không thể tránh khỏi những điều chưa hoàn hảo ở đâu đó, có khi nằm ngoài ý chí chủ quan. Chắc chắn chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để nâng tầm. Tôi luôn tin rằng sức mạnh Việt Nam có thể làm được những điều tuyệt vời thậm chí hơn cả mong đợi ở tất cả các lĩnh vực...
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện rất thú vị này!