1. Phương thức giao tiếp
Bạn cần phải dừng ngay việc la hét trẻ từ một căn phòng khác. Bởi nếu không đến bên để nói chuyện với trẻ, trẻ sẽ nghĩ rằng vấn đề không nghiêm trọng đến mức chúng phải "nhấc mông" chạy lại nghe bạn nói.
Hoàng tử Anh luôn ngồi ngang tầm mắt, giao tiếp bằng mắt với con trai.
Việc bạn cần làm đầu tiên vào lúc này chính là đến bên cạnh, ngồi xuống vừa tầm mắt để nói chuyện trẻ.
Một số trẻ biết rằng cha mẹ không có khả năng theo dõi trẻ có làm việc cha mẹ giao cho ngay lần đầu tiên hay không, do đó, trẻ thường đợi đến khi cha mẹ nhắc đến lần thứ 3, thứ 4 mới chịu làm. Vì vậy, để giúp trẻ nghe lời hơn, bạn nên “cài đặt” trẻ trong chế độ làm việc ngay khi được giao. Hãy theo dõi trẻ và yêu cầu trẻ làm việc đó ngay lập tức.
2. Giữ yên lặng
La hét là phản ứng tâm lý bình thường của mọi đứa trẻ khi gặp vấn đề làm chúng cảm thấy khó chịu hay bực bội. Thế nhưng, nếu vào lúc này bạn cũng hét lên với trẻ thì tình trạng chỉ càng tồi tệ hơn mà thôi. Chắc chắn trẻ sẽ hét to hơn bạn.
Cách tốt nhất bạn nên làm lúc này là giữ yên lặng. Nếu bạn ở gần, hãy ôm trẻ vào lòng và vỗ về trẻ. Hãy để trẻ khóc thỏa thích, nhưng bạn yên tâm rằng khi thấy bạn điềm tĩnh và im lặng thì trẻ sẽ nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và ngừng la hét.
3. Diễn đạt bằng những câu đơn giản, dễ hiểu, càng ngắn càng tốt
Trong cuốn sách “Làm thế nào để trẻ lắng nghe và học cách lắng nghe trẻ nói”, Adele Faber và Elaine Mazlish đã đưa ra những ví dụ rất cụ thể: “Sau bữa ăn tối, tôi nói “Chén”, lúc đó các con nhìn tôi như thể tôi là người ngoài hành tinh. Nhưng một giây sau, bọn trẻ đã tự động mang chén đĩa bỏ vào bồn rửa. Và một tháng sau thì không cần tôi phải nói, các con tôi tự động làm việc đó”. Còn khi các con cô la hét “Mẹ lấy cho con” thì cô chỉ hờ hững: “Nice word” (Hãy nói lịch sự!) thì kết quả cô nhận được là “Mẹ có thể lấy chúng giúp con được không?”.
Cha mẹ càng nói nhiều, càng la mắng thì trẻ càng chống đối.
Vì vậy, nếu bạn càng nói nhiều, càng nói dài dòng thì trẻ lại càng hiểu rất ít. Thế nên hãy chọn lọc những từ đơn giản nhưng quan trọng và cần thiết để nói với trẻ.
4. Cung cấp cho trẻ sự lựa chọn
Có rất nhiều việc là công việc bắt buộc phải làm, nhưng điều đó không có nghĩa là không có sự lựa chọn trong đó. Ví dụ trẻ cần phải thay đồ để đi ra ngoài chơi thì việc thay quần áo là việc bắt buộc trẻ phải làm. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể cho trẻ lựa chọn: “Con thích mặc áo màu đỏ hay màu xanh?”; “Con thích mang giày nào?”… Việc bạn hỏi ý kiến sẽ cung cấp cho trẻ một cảm giác rằng trẻ có quyền quyết định, do đó rất hợp tác với cha mẹ.
5. Cung cấp những chỉ dẫn cho trẻ
Cha mẹ có thể cung cấp thông tin cho trẻ thông qua việc chơi cùng con, đồng thời điều này cũng làm trẻ tin tưởng và nghe lời cha mẹ hơn.
Nếu con bạn không cho xe đồ chơi chạy trong đường riêng thì thay vì la mắng, bạn hãy ngồi xuống và cùng chơi với trẻ, dụ dỗ trẻ khám phá xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu cho xe chạy đúng theo làn đường của xe. Đây là cách để bạn cung cấp thông tin cho trẻ. Đồng thời điều này cũng làm trẻ tin tưởng bạn hơn nên việc trẻ nghe lời bạn là điều đương nhiên.
6. Đưa ra yêu cầu rõ ràng
Nếu bạn nói với con của bạn là “Con cần phải đánh răng” thì câu nói này được trẻ hiểu là mình không cần phải làm bất cứ điều gì. Vậy là, cuộc phản kháng bắt đầu bằng một tiếng la váng trời “con không đánh răng đâu”. Nhưng nếu bạn nói với trẻ rằng “Mẹ cần đánh răng cho con” thì đây là một câu rất rõ ràng và trẻ sẽ hợp tác với bạn.
Nói rõ yêu cầu, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu là cách để cha mẹ nhanh chóng đạt được những gì mà mình mong muốn.
Hoặc bạn có thể sử dụng mệnh đề hậu quả. Ví dụ khi bạn đưa con đến nhà một ai đó chơi, và con bạn giành đồ chơi với con người ta, bạn có thể nói: “Con trả đồ chơi lại cho bạn, hoặc là chúng ta sẽ về nhà ngay lập tức”. Câu này sẽ giúp trẻ hiểu là nếu mình không trả lại đồ chơi là mẹ sẽ cho mình về nhà. Trẻ rất khôn ngoan nên sẽ hiểu đâu là điều có lợi cho mình.
7. Cha mẹ là tấm gương cho trẻ noi theo
Để con bạn trở thành người có kỹ năng lắng nghe tích cực thì chính bạn phải trở thành một người như thế. Điều đó có nghĩa là bạn phải tập trung tâm trí khi nói chuyện với trẻ bằng cách ngồi xuống ngang tầm và giao tiếp bằng mắt với trẻ. Bạn không nên cố gắng ngắt lời để phản bác những suy nghĩ hay ý tưởng của chúng là không hợp lý. Bên cạnh đó, bạn nên giúp trẻ gọi tên các cảm xúc mà trẻ đang gặp phải, từ đó tìm cách cùng trẻ giải quyết những cảm xúc đó.
Nguồn: Fatherly