Nhảy việc, chuyển hướng sự nghiệp chưa bao giờ là điều đơn giản. Đặc biệt khi bạn lựa chọn thay đổi từ vị trí tốt để đến với một con đường mạo hiểm, chắc chắn chính bản thân cũng phải đánh đổi khá nhiều. Có đôi lúc thất bại, đắng cay là điều khó tránh khỏi, nhưng chẳng thiếu trường hợp con người ta tìm đúng định hướng và ngày một phát triển mạnh mẽ.
Câu chuyện của Nguyễn Thanh Huy dưới đây là một ví dụ cho sự thành công vì dám thay đổi, dám vượt lên hai chữ "ổn định". Chàng trai sinh năm 1995 đến từ vùng biển Khánh Hòa này hiện là ông chủ của cửa hàng tôm hùm nức tiếng Sài Gòn, từng được nhiều food vlogger nổi tiếng review trên YouTube.
Màn nhảy việc đầy may rủi ngày 26 Tết và hành trình "thoát xác" khỏi vùng an toàn bản thân
Chào Huy, bạn có thể chia sẻ về quãng thời gian đấu tranh tâm lý và nghỉ việc của mình được không?
Mình từng làm việc tại bộ phận lễ tân trong phòng chờ thương gia Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Thời điểm đó là 2 năm trước, mình thực sự cảm thấy chán nản với công việc ấy dù mức lương lên tới 1000 USD/tháng (khoảng 23 triệu đồng).
Nguyên nhân lớn nhất khiến Huy nghỉ việc ở sân bay là vì tính chất lặp đi lặp lại mỗi ngày, kể cả có tiếp tục "cố đấm ăn xôi" thì cũng khó phát triển và khai phá năng lực bản thân về sau này.
Mặt khác, như mọi người đều biết thì giờ giấc làm việc ở sân bay khắc nghiệt, đi sớm về khuya là chuyện thường. Sau ca làm chỉ muốn ngủ thôi chứ chẳng thể đi chơi, thư giãn đầu óc.
Huy có hối hận về quyết định nghỉ việc đầy may rủi của mình không? Gia đình bạn nghĩ sao về việc này?
Giờ nghĩ lại mới thấy quyết định "dứt áo ra đi" vào ngày 26 ấy quả là táo bạo nhưng không có gì khiến Huy hối hận. Mình tin là ngoài công việc ở sân bay thì có nhiều cơ hội việc làm khác cũng tốt, thậm chí còn tiềm năng hơn. Bản thân Huy cũng hiểu rõ năng lực của mình đến đâu và biết chắc chắn sẽ xin được việc thời gian tới.
Hú hồn lắm, kiểu nghỉ đúng lúc những ngày cuối năm Âm lịch, chưa có định hướng tương lai rõ ràng, bốc đồng nhất là quyết nghỉ thì phải nghỉ luôn, cơ mà chưa dám kể cho ai, đặc biệt là gia đình.
Đến tận lúc mình chuyển hướng kinh doanh, mở quán riêng thì bố mẹ mới biết. Lúc đầu khá giận nhưng sau cũng nguôi ngoai và ủng hộ. Thậm chí, ba mẹ còn thấy vui bởi sau khi mình nghỉ việc ở sân bay và chuyển hướng kinh doanh thì Huy có nhiều thời gian về quê thăm gia đình hơn.
Kinh doanh tôm hùm: Nghe sang chảnh, kén người mua nhưng lại là "mỏ vàng" để phát triển
Vì sao Huy chọn kinh doanh tôm hùm mà không phải là loại sản phẩm nào khác? Phải chăng có mối cơ duyên nào thú vị ẩn đằng sau?
À đúng là như thế, thực ra gia đình mình có truyền thống bán tôm hùm đấy! Nhưng nói thật, vì tuổi thơ gắn với ký ức tôm hùm không có gì tốt đẹp mấy nên mình cũng chẳng nghĩ bản thân sẽ bén duyên với loại hải sản này.
Huy kể cho bạn nghe, hồi còn nhỏ sáng nào cũng 4h dậy làm mồi cho tôm ăn, rồi lăn tôm, dầm mưa dãi nắng ra biển. Da mình đen sì, thậm chí tóc chẳng nhuộm vẫn vàng hoe vì cháy nắng. Chưa hết đâu, đến chiều còn "đập lồng" (dùng búa, ván để làm sạch hàu, san hô khỏi lồng tôm hùm bông). Hôi không chịu được ấy!
Đỉnh điểm là tối tối chạy ghe ra coi tôm, giống một mình chơi vơi giữa biển khơi. Dẫu gió mưa bão bùng cũng phải chịu, ướt nhẹp cả người nằm co ro rồi sáng lại dậy xách cặp đi học. Chính những khổ sở như thế khiến mình thề với lòng sẽ chẳng nối nghiệp gia đình nữa!
Ấy thế mà quanh đi quẩn lại vẫn là tôm hùm mới tài!
Thanh Huy nghĩ tôm hùm mình bán sẽ trụ vững ở đất Sài Gòn chứ?
Mình để ý thấy nhiều nét ăn uống thú vị của người Sài Gòn, chẳng hạn như họ thích ăn tôm hùm nói riêng và hải sản nói chung.
Tuy nhiên tâm lý chung mọi người thường cho rằng muốn ăn tôm hùm phải đến khách sạn, nhà hàng sang chảnh, nhưng chẳng phải ai cũng có tiền, thậm chí có tiền cũng ngại (sợ bị quê ấy). Hoặc như mọi người không biết nguồn tin cậy, không biết mua, chọn tôm hùm sao cho ngon, thậm chí còn không biết luôn cách chế biến, ăn kèm với gì, cách pha nước chấm...
Vì sao cửa hàng của Huy chỉ bán mỗi tôm hùm luộc mà không phải nhiều món chế biến khác lạ? Phải chăng đó là độc tôn của cửa hàng?
Nói như vậy cũng không sai, vì mình là dân địa phương miền biển nên biết rõ hương vị của tôm hùm sẽ bị mất đi ít nhiều nếu chế biến xào hay hấp cách thủy. Chỉ có luộc hoặc nướng thì mới giữ nguyên vẹn độ ngon, ngọt và dai thơm...
Theo bạn, quán Huy Tôm Hùm sẽ có khác biệt gì trên thị trường? Quá trình bạn khởi nghiệp có khó khăn lắm không?
Bản thân Huy nghĩ mình có nhiều lợi thế so với đối thủ. Thứ nhất là nhà Huy nuôi tôm 20 năm nay rồi, như đã kể thì Huy cũng tiếp xúc với giống hải sản này từ lúc bé xíu. Hồi trước mình từng bán tôm hùm online "cây nhà lá vườn", cộng thêm hiểu sản phẩm, thị trường nên mình nghĩ đó cũng là lợi thế.
Đặc biệt, bên mình còn có kiểu "tôm hùm take away" (bạn gái mình gợi ý), tức là khách đến và mang đồ ăn đi, Huy để ý chưa ai làm được ở Sài Gòn, do đó quán mình sẽ dẫn đầu.. Suốt 4 năm học ở Sài Gòn, mình cũng dắt túi kha khá kinh nghiệm mảng dịch vụ.
Ban đầu lập nghiệp cũng khó khăn lắm vì dòng vốn có hạn. Tiền thuê tiệm khá đắt đỏ, tầm 30% tổng ngân sách nên cái gì mình tự làm được thì mình làm, bạn bè cũng trợ giúp một phần.
Thu nhập từ công việc bán tôm hùm ổn không Huy?
Ban đầu, nhờ gia đình, bạn bè ủng hộ mà mình bán hết hàng, sau đó là khoảng thời gian bỗng chững lại, Huy khá lo lắng. Nhưng may sao vài food vlogger đã đến quán ăn thử và review tốt, bỗng chốc "tiếng lành đồn xa" và thương hiệu quán cũng nổi lên nhiều.
Trung bình mỗi ngày, cửa hàng Huy bán ra 30 - 40kg tôm hùm. Tất nhiên sẽ có những ngày nhiều hơn và ít hơn. Trong đó, tôm sống là 750.000 đồng/kg, tôm ngộp là 560.000 đồng/kg. Vì vậy có ngày mình thu về được khoảng 50 triệu đồng.
Vài lời tâm huyết của "hot boy" tôm hùm Thanh Huy gửi tới những ai kỳ vọng vào kinh doanh hải sản
Cuối cùng, Thanh Huy có muốn nhắn gửi gì tới những người đang muốn kinh doanh hải sản nói chung và tôm hùm nói riêng không?
Kinh doanh hải sản theo mình nghĩ là vô cùng khó khăn vì thị trường khốc liệt vô cùng. Cửa hàng hải sản bây giờ mọc lên như nấm sau mưa. Và nó không còn chui vào hẻm hóc như xưa nữa. Bây giờ rất nhiều cửa hàng hải sản được mở ra ở mặt tiền đường, ngã 3 ngã 4 toàn những vị trí đắc địa. Chưa kể, hải sản là sản phẩm đòi hỏi người kinh doanh phải có kinh nghiệm nuôi và bảo quản thật tốt.
Nếu thiếu kiến thức, hậu quả rất khôn lường. Hải sản không thể tồn kho lâu ngày vì sẽ làm yếu hải sản, làm giảm chất lượng. Có thể hao hụt sản phẩm rất nhiều. Huy sẽ đưa ra một chút lời khuyên như sau:
Thứ nhất: Để làm tốt bất cứ việc gì, yếu tố đầu tiên là “đam mê”. Bởi vì chỉ có thật sự đam mê bạn mới làm cho mình cố gắng mỗi ngày. Chỉ có đam mê mới làm bạn không gục ngã trước khó khăn. Đam mê sẽ khiến bạn tự tìm tòi học hỏi để phát triển bản thân và sản phẩm của bạn.
Thứ hai: Để khởi sự công việc kinh doanh hải sản thì bạn cần phải có bản sắc riêng của mình. Đừng làm theo kiểu truyền thống hay làm giống người khác nữa. Hãy tạo ra nét độc đáo, mới lạ trong mô hình kinh doanh hải sản của mình.
Thứ ba: Hãy tập trung vào chất lượng. Tạo ra giá trị và mọi thứ sẽ tự đến. Khách hàng sẽ tự tìm đến bạn.
Thứ tư: Đưa ra chiến lược thật cụ thể - Bán hải sản gì? - Phân khúc khách hàng ra sao? - Lựa chọn địa điểm kinh doanh phù hợp - Cộng sự, nhân viên của bạn thế nào? - Chiến lược marketing ra sao?
Thứ năm: Hãy tự đặt và trả lời những câu hỏi để tránh khỏi những rủi ro không đáng có. Càng đưa ra được nhiều câu hỏi bạn càng hiểu thị trường, càng đỡ mắc sai lầm và bạn cũng sẽ hiểu rõ những thứ mà mình sắp đối mặt. Càng trả lời được nhiều câu hỏi thì chứng tỏ bạn có cách khắc phục và xử lý những khó khăn sắp tới của mình.
Cuối cùng: Tồn hàng là yếu tố lớn nhất của kinh doanh hải sản. Hãy kiếm đầu ra cho sản phẩm của bạn. Càng nhiều càng tốt. Hãy triển khai nhiều kênh bán hàng để bán được nhiều sản phẩm mỗi ngày. Hãy kiếm cách giải quyết vấn đề tồn kho.
Chúc Nguyễn Thanh Huy sẽ ngày càng thành công hơn với con đường kinh doanh của mình!
Cảm ơn bạn vì buổi phỏng vấn hết sức ý nghĩa này!