Nghệ thuật thêu tay với từng đường kim, mũi chỉ tỉ mỉ và tinh xảo, đó là một trong những nét văn hóa từ ngàn đời, thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Việt Nam. Vậy nên khi ngắm nhìn một bức tranh thêu tay, bất giác mỗi người đều mường tượng trong đầu hình ảnh một cô gái nhẹ nhàng, nền nã ngồi bên khung thêu, sáng tạo nên những tác phẩm tuyệt đẹp.

Bộ môn nghệ thuật gắn liền với những đường kim mũi chỉ, tưởng đâu chỉ hợp với phụ nữ, nào ngờ lại có một chàng trai trẻ đam mê đến vậy. Vốn là một người yêu thích hội họa, Nhật Khiêm từng chọn công việc thiết kế áo phông với mức lương 7 triệu, ngày làm 8 tiếng để trang trải cuộc sống.

Chàng trai dũng cảm bước ra khỏi "vùng an toàn", theo đuổi đam mê với đường kim mũi chỉ

Tuy nhiên, đam mê hội họa và sáng tạo đã thôi thúc Nhật Khiêm dũng cảm bước ra khỏi "vùng an toàn" của mình. Anh chàng quyết định nghỉ việc bàn giấy 8 tiếng/ngày, để theo đuổi một công việc sáng tạo và tự do hơn. Nhật Khiêm bắt đầu học thêu từ tháng 3/2022, tính đến nay anh chàng đã có hơn 2 năm theo đuổi đam mê với đường kim, mũi chỉ.

Với hơn 2 năm tuổi nghề, quãng thời gian không dài đối với một người làm nghệ thuật, tuy nhiên khi ngắm nhìn những tác phẩm thêu của Nhật Khiêm, không ít người phải trầm trồ thán phục.

Những bức tranh thêu do anh chàng thực hiện, từ phong cách, màu sắc đến những đường thêu đều vô cùng tinh xảo. Là tranh thêu nhưng bố cục, màu sắc... tất cả đều sống động như một bức ảnh chụp. Nếu không nhìn kỹ, và không tìm hiểu, chẳng ai có thể ngờ đây là những tác phẩm được thực hiện qua đôi bàn tay của một chàng trai mới học thêu hơn 2 năm.

Cận cảnh chi tiết từng đường thêu của bức tranh.

Tự nhận chân tay thô kệch, từng phải tập thêu 8-12 tiếng/ngày, đến mức phồng rộp cả đầu ngón tay

Là con trai, lại theo đuổi bộ môn thêu thùa đặc trưng của phụ nữ, những ngày đầu tiên bắt tay vào học thêu, Nhật Khiêm gặp không ít khó khăn.

Thêu tay - Ảnh 4.

Tập thêu nhiều giờ liền, có những lúc đầu ngón tay của Nhật Khiêm phồng rộp hết cả.

Nhật Khiêm chia sẻ, bản thân không quan tâm hay bị áp lực đến những suy nghĩ "định kiến" của người ngoài như: "Đàn ông con trai lại đi thêu thùa may vá", "đàn ông không ra ngoài đi làm kiếm tiền, lại cứ ngồi lỳ ở nhà"... Tuy nhiên điều mà anh chàng cảm thấy khó khăn trong những ngày đầu học thêu đó là đôi bàn tay thô cứng của mình, bởi nhìn chung đôi tay của phụ nữ lúc nào lúc mềm mại và khéo léo hơn của đàn ông.

Thêu tay - Ảnh 5.

Nhật Khiêm, chàng trai Gen Z theo đuổi nghệ thuật thêu tay.

"Thời gian đầu, tay chân cũng hơi cứng và lực tay mạnh nên mũi thêu sẽ hơi xấu và dễ nhăn vải, mình từng dành 8 - 12 tiếng/ngày để tập thêu, điều chỉnh lại lực tay sao cho nhẹ nhàng hơn. Mình cũng khắc phục bằng cách xem các video trên mạng để học hỏi, quan sát và cảm nhận mũi thêu để các nét uyển chuyển, ít gây tổn thương tới bề mặt vải và đôi tay của mình" - Nhật Khiêm tâm sự.

Nói về những tác phẩm thêu tay của mình, Nhật Khiêm chia sẻ: "Công đoạn khó nhất là chọn màu chỉ, vì nếu chọn sai thì tranh nhìn sẽ bị 'cứng', màu sẽ không hài hòa và có thể bị phô và 'gắt'.

Công đoạn mất thời gian nhất là đi nét thêu, vì có những hình nét chuyển động liên tục để tạo khối và đường nét cho bức tranh. Có những hình chỉ tả cành cây, mặc dù nhỏ thôi nhưng để tạo khối, gợi chi tiết và độ cong của cành cây thì có thể mất hết một ngày để thêu, nếu nhiều thì 2 - 3 ngày chỉ để thử nghiệm và hoàn thiện cành cây đó.

Chưa kể chỉ sai một mũi kim thôi là cũng ảnh hưởng đến các nét thêu trước đó. Nói chung công việc thêu thùa này, đòi hỏi sự tập trung, tỉ mỉ và kiên nhẫn rất nhiều".

Nhật Khiêm chia sẻ, một trong số những bức tranh thêu dùng nhiều màu nhất mà anh chàng từng thực hiện, chính là bức chim Setophaga Americana. Bức tranh dùng hơn 80 màu chỉ khác nhau. Khối lượng chỉ không quá nhiều vì anh chàng đã tính toán cẩn thận để cả mặt sau có ít chỉ thừa nhất có thể. "Bức tranh đó, mình thêu trong khoảng 10 ngày, mình thường chọn màu thêu theo cảm nhận và thêm một chút tính toán để khi lên tranh nhìn hài hòa và đa dạng màu sắc hơn. Bức tranh đó, mình bán với giá hơn 5 triệu cho một chị khách ở Hà Nội" - Nhật Khiêm chia sẻ.

Mặt trước - mặt sau của bức tranh thêu.

Ngoài tranh trên vải, Nhật Khiêm còn học hỏi và thử nghiệm thêu trên nhiều chất liệu đặc biệt khác. Một trong những tác phẩm thêu được mọi người quan tâm và hỏi mua nhiều nhất, chính là những bức tranh thêu trên lá cây khô.

Một tác phẩm thêu trên xương lá của Nhật Khiêm.

"Thêu trên lá thì khó hơn trên vải nhiều, do lá khô giòn, không xử lý hay xịt keo được. Lá dễ mục, gãy, rách nên rất khó thêu vì không thể căng trên khung và phải cầm một tay để tay kia thêu.

Thêu trên lá quan trọng là phải đâm thẳng kim, rút chỉ cẩn thận để không làm ảnh hưởng tới bề mặt lá, cần phải đâm thẳng kim và giữ đầu ngón tay quanh khu vực đâm kim để bề mặt lá 'chắc chắn' hơn. Khi rút chỉ cũng cần quan sát, lúc gần hết phải rút cẩn thận và hơi lỏng tay một chút, để mũi thêu sau nếu có rút mạnh cũng ít tổn thương tới lá. Chọn kim phù hợp với lượng chỉ thêu cũng là một lưu ý, vì nếu kim to quá thì lá rất dễ rách" - Nhật Khiêm chia sẻ về các bước thực hiện tranh thêu trên lá khô.

Thêu tay - Ảnh 7.

Nói về đam mê thêu và dự định tương lai của mình, Nhật Khiêm khiêm tốn chia sẻ: "Mình cũng có dự định mở lớp dạy thêu và workshop nhưng cảm thấy mình vẫn còn nhiều thứ cần phải học để có thêm kinh nghiệm, cũng như kiến thức chuyên môn hơn nữa để việc chỉ dạy và truyền đạt tới mọi người được tốt hơn.

Mình cũng hi vọng những bức tranh thêu do mình thực hiện sẽ giúp mọi người có cái nhìn mới mẻ, hiện đại và cũng thêm yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống này hơn".

Thêu tay - Ảnh 8.

Cận cảnh góc làm việc tại nhà của Nhật Khiêm.

Ảnh: Nhân vật cung cấp