Những nghiên cứu gần đây cho thấy, miễn dịch bảo vệ bệnh sởi ở các bà mẹ mang thai là thấp. Có một tỷ lệ lớn trẻ dưới 9 tháng tuổi sinh ra từ các bà mẹ này không có miễn dịch, hoặc miễn dịch từ mẹ truyền sang con không đủ bảo vệ trẻ phòng bệnh sởi.
Nghiên cứu tồn lưu miễn dịch với virus sởi ở trẻ 2-9 tháng tuổi tại một địa phương phía Bắc năm 2015 cho thấy: Tỷ lệ trẻ có kháng thể kháng sởi đủ bảo vệ chỉ đạt 13,1%, còn lại trẻ không được bảo vệ phòng bệnh sởi chiếm đến 86,9%.
Tiêm vắc-xin cho trẻ tại TP.HCM.
Tỷ lệ trẻ có kháng thể bảo vệ cao nhất ở nhóm trẻ 2 tháng tuổi (35,1%), đến nhóm 3-5 tháng tuổi (21,3%) và thấp nhất ở nhóm 6-9 thảng tuổi (0,5%). Tất cả trẻ từ 7-9 tháng tuổi không còn kháng thể bảo vệ.
Đại diện Bộ Y Tế cho biết, nhóm trẻ có mẹ đã từng mắc sởi có tỷ lệ bảo vệ 22,8%, cao gấp 2,5 lần so với nhóm có mẹ chưa từng mắc sởi và chưa tùng tiêm vắc-xin sởi. Nhóm có mẹ chưa từng mắc sởi nhưng đã từng tiêm vắc-xin sởi có tỷ lệ bảo vệ 11,5%, cao gấp 1,1 lần so với nhóm có mẹ chưa từng tiêm vắc-xin.
Nghiên cứu Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc-xin sởi MVVAC tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương nêu rõ loại vắc-xin này đạt yêu cầu an toàn trên trẻ 6-8 tháng tuổi. Tỷ lệ trẻ được bảo vệ phòng sởi trước tiêm ở mức rẩt thấp 7,6%, sau khi tiêm vắc xin sởi MVVAC tỷ lệ này tăng lên 88,3%.
Đại diện Bộ Y Tế và Bác sĩ Trương Hữu Khanh, BV Nhi Đồng 1 (bìa phải) trả lời thắc mắc của phóng viên xoay quanh việc tiêm vắc-xin Sởi, Rubella.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y Tế dự phòng, Bộ Y Tế cảnh báo tình hình dịch bệnh sởi có nhiều diễn biến phức tạp, đồng thời kết quả của một số nghiên cứu, đánh giá cho thấy miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở phụ nữ mang thai đang ở mức thấp.
Do đó, Bộ Y Tế khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động đến các cơ sở y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh Sởi và Rubella để chủ động phòng bệnh cho chính mình cũng như phòng bệnh Sởi, hội chứng Rubella bẩm sinh gây đa tật cho con.