Theo báo cáo giám sát của Cục Y tế dự phòng, diễn biến tình hình dịch bệnh MERS-CoV, tính đến ngày 15/6/2015 (sau 26 ngày xuất hiện ca bệnh đầu tiên) Hàn Quốc đã ghi nhận 150 trường hợp mắc bệnh/16 trường hợp tử vong. Bộ Y tế nhận định nguy cơ lây lan dịch bệnh vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Hàn Quốc và các quốc gia Trung Đông.
Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh MERS-CoV. Rút kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV tại Hàn Quốc, thực hiện Công điện số 790/CĐ-TTg ngày 03/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai các hoạt động sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh MERS-CoV nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam và sẵn sàng cho các tình huống nguy cấp, các cán bộ y tế ở đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh thường trực 24/24 giờ, duy trì hoạt động đường dây nóng. Các bệnh viện phải thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác thông tin đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, bệnh viện thực hiện cách ly, tổ chức phân luồng và khám bệnh hợp lý, đặc biệt đối với các trường hợp viêm đường hô hấp và có yếu tố dịch tễ liên quan đến MERS-CoV đúng quy định.
Trước đấy ,nhằm đảm bảo công tác giám sát dịch bệnh, theo dõi quản lý những người nhập cảnh từ vùng có dịch bệnh vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố triển khai phòng chống dịch bệnh MERS-CoV đối với công dân nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, các địa phương cần phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, công trường xây dựng tăng cường tuyên truyền đối với công dân Hàn Quốc và các vùng Trung Đông đang lao động, làm việc về các biện pháp phòng chống dịch bệnh MERS-CoV thông qua các hoạt động tổ chức công đoàn cơ sở, các cuộc họp chuyên đề, chương trình phát thanh, tờ rơi, áp phích…
Yêu cầu những người trở về từ vùng dịch bệnh phải chủ động khai báo y tế tại cửa khẩu và tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu xuất hiện các dấu hiệu ho, sốt, viêm đường hô hấp phải thông báo ngay cho cơ sở y tế hoặc số điện thoại đường dây nóng.
Chính quyền địa phương, đặc biệt là các xã, phường, thị trấn tích cực tuyên truyền phòng chống MERS-CoV, thống kê lập danh sách các hộ gia đình có người thân sinh sống, học tập, làm việc tại Hàn Quốc và công dân Hàn Quốc đến làm ăn và sinh sống trên địa bàn để có kế hoạch tiếp cận, tư vấn, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh MERS-CoV.
Đồng thời, Sở Thông tin – Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng chủ động đưa tin kịp thời về tình hình dịch bệnh MERS-CoV để người dân không hoang mang, lo lắng, tránh kỳ thị với công dân Hàn Quốc và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc MERS-CoV. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Hàn Quốc và các quốc gia Trung Đông, đặc biệt có nhiều công dân Hàn Quốc đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam.