Trước khi triển khai chương trình GDPT mới , kỳ thi Tốt nghiệp THPT dù được phân cấp, phân quyền về các địa phương nhưng Bộ GD&ĐT vẫn chịu trách nhiệm ra đề, ban hành quy chế thi và thanh kiểm tra các khâu tổ chức thi, chấm thi nhằm đảm bảo được chất lượng chung.

Từ năm 2025, học sinh lớp 12 sẽ là lứa đầu tiên thi theo chương trình mới và đương nhiên, phương án thi cũng mới. Thay vì cùng lúc thi tốt nghiệp nhiều môn, trong đổi mới phương án thi lần này Bộ GD&ĐT đã rút gọn số môn thi xuống còn 4, trong đó Toán, Ngữ văn là môn bắt buộc và học sinh được lựa chọn 2 môn trong số các môn còn lại theo năng lực của bản thân.

Trước khi “chốt” phương án thi này, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến giáo viên, các nhà trường và nhận được sự đồng tình với lý do, học sinh được giảm tải.

Bốc thăm môn thứ 3 vào lớp 10: Có nên 'trói' học sinh bằng thi cử? - Ảnh 1.

Phương án cho học sinh bốc thăm môn thi thứ 3 để tuyển sinh lớp 10 từ năm 2025, Bộ GD&ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến gây nhiều tranh cãi. (ảnh: Như Ý)

Với chương trình bậc phổ thông, tuyển sinh đầu cấp lớp 1, 6 theo tuyến, các trường học không được tổ chức kiểm tra, đánh giá để tuyển đầu vào. Tuy nhiên, với định hướng phân luồng, hướng nghiệp khi học sinh học hết bậc THCS, các địa phương bắt buộc phải có phương án tuyển sinh lớp 10 THPT.

Từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT trao quyền cho các tỉnh , thành phố quyết định từ phương thức, đề thi, chấm thi… dẫn đến tình trạng mỗi nơi một kiểu, không đồng đều. Có nơi hết THCS lên THPT gần 100%, có nơi học sinh trầy trật học, thi vượt cấp gắt gao, áp lực vì chỉ có 60% em vào công lập bậc THPT.

Với phương án thi tuyển lớp 10 cho chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT hiện đã lấy ý kiến các địa phương, trường học về việc sẽ thống nhất khung chung đó là tổ chức 3 môn thi gồm Toán, Văn và một môn thi thứ 3 trong số các môn còn lại. Các địa phương vẫn chịu trách nhiệm ra đề thi, tổ chức thi tuyển.

Nhiều ý kiến cho rằng, với một kỳ thi không nên bốc thăm, vốn dĩ có tính may rủi mà thay vào đó cần định hình các môn học có tính chất quan trọng làm trụ cột kiến thức, các môn bồi đắp giá trị khác như: kỹ năng, đạo đức, pháp luật... từ đó mới xây dựng phương án thi đảm bảo mục tiêu cần đạt.

Nhiều học sinh chưa biết học để làm gì?

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, giảm tải thi cử cho học sinh là rất cần thiết tuy nhiên trên thực tế dù có nói nhiều, học sinh vẫn chưa tự giác học tập để phát triển bản thân. Đa số học sinh, phụ huynh hiện vẫn có quan điểm, tư tưởng là học để đạt điểm số cao, thi đạt chứng chỉ, có bằng cấp, không phải học trang bị kiến thức.

TS Tùng Lâm ủng hộ phương án "treo" trên đầu học sinh một môn thi thứ 3 của Bộ GD&ĐT là cần thiết trong bối cảnh hiện nay bởi lẽ thực tế nhiều năm qua, học sinh sẽ chỉ học những môn để thi, ngó lơ những môn khác. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng học sinh khi lên bậc THPT, các em thiếu kiến thức nền tảng ở các môn Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để có thể lựa chọn các môn chuyên sâu cho tổ hợp xét tuyển ĐH. Hay nói một cách khác, đây là phương án để thầy không bỏ dạy, trò không bỏ học.

"Khi nào, trường học quản lý chặt chẽ, sát sao từ việc dạy từng tiết học, từng bài kiểm tra trên lớp thì có thể bỏ qua phần thi cử. Như ở nhiều quốc gia, họ không cần tổ chức kỳ thi để tuyển sinh ĐH mà căn cứ kết quả học tập các môn tuy nhiên ở đó họ đánh giá được chất lượng học thật. Còn ở mình, nhiều thầy cô "cấy" điểm, làm đẹp học bạ cho học sinh nên khó có thể tin cậy được", TS Lâm nói.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ, với chương trình mới khi lên THPT, điểm mới là học sinh được chọn môn học theo tổ hợp phù hợp năng lực bản thân. Tuy nhiên, nếu không có nền tảng kiến thức các môn khối tự nhiên vững vàng, học sinh sẽ chọn phương án an toàn ở các môn xã hội học thuộc. Nhà trường phải xem học sinh mạnh môn nào để tư vấn ghép các môn tổ hợp nhưng ít em chọn cùng lúc các môn cùng tổ hợp Khoa học tự nhiên hay tổ hợp Toán, Hóa, Sinh vì khó.

Với kỳ thi tuyển sinh lớp 10, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cũng băn khoăn nên tính đến chuyện đưa ngoại ngữ trở thành môn thi nhằm thúc đẩy việc học ở học sinh. Tuy nhiên, khi đưa thêm ngoại ngữ thành môn bắt buộc và chỉ có 3 môn thi, sẽ tạo lỗ hổng lớn đối với kiến thức nền tảng các môn tự nhiên, xã hội. Trường hợp thêm phương án thi 3 môn cố định Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn thi thứ 4 cũng có thể vấp phải ý kiến dư luận thi quá nhiều môn, gây áp lực cho học sinh. "Do đó, phương án thi 3 môn và 1 môn bốc thăm như dự kiến là hợp lý tuy nhiên Bộ GD&ĐT nên giới hạn số môn nằm trong danh mục bốc thăm", bà Quỳnh nói.