Nhiều ngày qua, cụm từ hoa hậu và cái tên Huỳnh Trần Ý Nhi - người mới đăng quang Miss World Vietnam 2023 - trở thành những chủ đề được bàn tán sôi nổi bậc nhất trên mạng xã hội. Từ một cô gái trẻ ghi điểm với hành động công khai bạn trai ngay trong đêm nhận vương miện, người đẹp quê Bình Định trở thành tâm điểm bị chỉ trích và thu hút hàng trăm nghìn người tham gia nhóm tẩy chay.
Việt Nam có bao nhiêu cuộc thi hoa hậu? Không nhiều người có thể trả lời chính xác con số cụ thể nhưng đều đoán được là: Rất nhiều! Kể từ khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP về nghệ thuật biểu diễn ra đời (có hiệu lực từ 1/2/2021), việc cấp phép cuộc thi nhan sắc trong nước trở nên dễ dàng hơn. Điều này dẫn đến việc nở rộ các thương hiệu sắc đẹp mới như Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam... Tính riêng năm ngoái, đã có 25 cuộc thi hoa hậu được cấp phép, trong đó có 8 cuộc được điều chỉnh thời gian từ năm 2021 chuyển sang do ảnh hưởng dịch Covid-19 và 3 cuộc đã xin hủy.
Thực trạng này cho thấy hoa hậu vẫn là chủ đề hợp thị hiếu của đông đảo công chúng. Tuy nhiên, nó cũng dẫn đến nhiều mặt trái. Một số ý kiến cho rằng danh xưng hoa hậu đang ngày một mất uy tín, tăng về lượng nhưng giảm về chất. Nếu ngày trước, cả năm Việt Nam chỉ cho ra đời đôi ba hoa hậu, bây giờ con số đó là hàng chục, chưa kể đến ngôi á hậu và các giải phụ.
Cuộc khủng hoảng đã được dự báo từ lâu
Nếu theo dõi trên truyền thông những năm gần đây, công chúng dễ dàng bắt gặp hàng loạt bài viết, bản tin cảnh báo về tình trạng “khủng hoảng thừa” hoa hậu. Trong khi, những người đẹp thực sự có thành tích nổi bật, để lại dấu ấn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đa phần công chúng chỉ biết đến một hoa hậu khi xuất hiện tin thắng cuộc trên báo chí, sau đó đa phần những cái tên đó nhanh chóng rơi vào quên lãng. Sau khi đăng quang, hoa hậu làm những gì, đóng góp gì cho cộng đồng? Không nhiều người có câu trả lời cho những thắc mắc đó. Trong khi đó, thông tin về việc hoa hậu khoe đường cong, diện đồ hiệu lại xuất hiện dày đặc.
Số lượng các cuộc thi tăng lên nhanh chóng dẫn đến việc giảm chất lượng khâu tổ chức hay chính các thí sinh là điều khó tránh. Không ít người đẹp có những phát ngôn không đúng mực và để lộ sự thiếu hụt về kiến thức xã hội. Trước Ý Nhi, những hoa hậu như Lê Âu Ngân Anh, Thùy Dung cũng từng bị chỉ trích gay gắt vì “vạ miệng”. Ngay sau Ý Nhi, đến lượt Á hậu Đào Hiền cũng phải lên tiếng xin lỗi khán giả vì mắc lỗi y hệt.
Đó là chưa kể nhiều ồn ào xung quanh vấn đề đạo đức, lối sống của một số người đẹp. Nhiều người đặt câu hỏi có cần tổ chức nhiều các cuộc thi nhan sắc như thế không. Vai trò của họ trong xã hội hiện nay là gì? Họ có phải là những cô gái xinh đẹp được lựa chọn kỹ càng, đảm bảo tài sắc vẹn toàn để thực hiện những dự án nhân văn hướng đến cộng đồng. Hay đơn thuần các cuộc thi hoa hậu hiện nay chỉ là một chương trình gameshow tìm kiếm những cô gái đẹp, trở thành bàn đạp giúp họ gia nhập làng giải trí.
Trường hợp của Ý Nhi có thể coi như giọt nước tràn ly khi uy tín của danh xưng này đã không còn danh giá như xưa. Việc tân Miss World Vietnam sở hữu nhóm anti hơn 600.000 thành viên không chỉ là cuộc khủng hoảng của cá nhân cô, ban tổ chức cuộc thi mà là cả làng hoa hậu Việt.
Không nên xem nhẹ hay thần thành hóa hoa hậu
Từ trường hợp của Ý Nhi, nhiều ý kiến cho rằng hãy coi hoa hậu là một gameshow mới đúng với bản chất của chính các cuộc thi hiện nay. Hoa hậu vốn không phải đại diện cho vẻ đẹp hay trí tuệ của phụ nữ Việt Nam. Họ đơn thuần là người chiến thắng một cuộc thi đa phần do các công ty tư nhân tổ chức. Những thí sinh giành suất đi quốc tế cũng dựa trên việc các đơn vị này sở hữu bản quyền cuộc thi đó tại Việt Nam, chứ không phải đại diện quốc gia đi tranh tài như những giải đấu thể thao, trí tuệ.
Việc biết bao cuộc thi hoa hậu ra đời chỉ là nhu cầu giải trí tất yếu của công chúng. Có cung tất yếu sẽ có cầu. Ban tổ chức cũng không hề vi phạm pháp luật khi liên tiếp tạo ra những sân chơi mới cho các cô gái thi tài. Chương trình nào không đủ hấp dẫn, sẽ tự động đào thải theo quy luật thị trường.
Dù sao, việc đánh đồng các cuộc thi hoa hậu với gameshow bình thường là điều rất khó. Từ lâu, nhiều người đã mặc định coi danh xưng Hoa hậu mang theo rất nhiều giá trị biểu tượng. Các cuộc thi nhan sắc, về cơ bản, là cơ hội giúp những cô gái trẻ trở nên tự tin hơn, truyền cảm hứng để họ nhận ra tiềm năng của bản thân và từ đó lan tỏa những điều tích cực cho xã hội.
Khán giả có quyền kỳ vọng hoa hậu là người không chỉ đẹp về ngoại hình mà còn phải hội tụ đủ cả tri thức, đạo đức. Giống như những người của công chúng khác, họ cần có trách nhiệm với lời nói, hành động của mình. Đừng biến các cuộc thi hoa hậu trở thành những cỗ máy đào tạo ra những cô gái chỉ đơn thuần đẹp về ngoại hình, tập trung hoạt động thương mại, trả quyền lợi nhà tài trợ mà quên đi trách nhiệm với xã hội.
Các cuộc thi Hoa hậu về cơ bản vẫn hợp với thị hiếu của khán giả trong nước. Nhiều thí sinh của chúng ta từng nhiều lần tiến sâu tại các cuộc thi quốc tế nhờ sự ủng hộ mãnh liệt đó. Tuy nhiên, ban tổ chức các cuộc thi nếu chỉ chạy theo yếu tố thương mại, lợi dụng tình cảm của công chúng với những người đẹp thì nguy cơ đánh mất sự hậu thuẫn đó trong tương lai là rất cao.