Thèm được vợ “than”!
Vợ chồng anh Tùng cưới nhau đã hơn chục năm nay. Họ có một mái ấm nhìn chung khá êm đềm và hạnh phúc với hai con, một trai một gái. Kinh tế khá và không xảy ra xích mích như vợ chồng nhà người ta.
Chị Trang khá đẹp, đi ra ngoài được nhiều người ngưỡng mộ lại sống ôn hòa và chưa từng làm mất lòng ai. Chính anh Tùng cũng phải công nhận điều đó. Gia đình bên chồng cũng yêu quý con dâu ra mặt. Vậy mà anh Tùng vẫn cứ nhăn nhở, than thở về vợ. Thế nên ai cũng cho là anh “được voi đòi tiên”.
Nhưng không phải anh không có lý bởi vì trong cuộc nói chuyện gượng ép giữa hai vợ chồng, kiểu gì chị Trang cũng kết lại: “Tùy anh định liệu, em thấy anh làm gì cũng đúng cả”.
Ban đầu, anh Tùng nghe vậy nên nghĩ vợ là người nhường nhịn, khiêm tốn. Thấy bạn bè khen, anh cũng thấy mát mặt và tự hào về vợ lắm. Nhưng nghe nhiều thành ra anh lại đâm ngán lên tận cổ. Thậm chí anh thấy sợ vì lần nào cũng là những lời “ba phải” tương tự như “tùy anh”, “thế à”, “vậy ư” của người chung chăn gối với mình.
Đi làm về, anh Tùng hào hứng khoe với vợ vì mới được thăng chức trưởng phòng kỹ thuật, vậy mà vợ chỉ ngước mắt lên nói gọn lõn: “Thật à”? Thế là anh chưng hửng.
Có lần anh Tùng bàn với vợ cho con vào học trường “điểm”, chị Trang gật đầu: “Cũng được đấy” và chấm hết. Chồng lại một lần nữa hụt hẫng và thất vọng.
Tháng trước, anh Tùng lại hỏi vợ đi nghỉ mát ở Hạ Long hay Đồ Sơn thì chị Trang khoát tay: “Anh chọn đi, ở đâu cũng được”. Không nghe được lời nào cho ra hồn nên nhiều lúc anh Tùng chả buồn hỏi ý kiến vợ nữa lại đỡ bực bội.
Hôm anh nhờ vợ chọn giúp cái áo sơ mi, chị thản nhiên: “Em có biết gì về thời trang đâu mà anh hỏi?”. Anh Tùng bực mình: “Có lẽ anh ra hỏi hai đứa con có khi còn hơn em”. Chị Trang không nói gì.
Trên cơ quan, nghe anh em la vợ mắc bệnh “than”, khó tính, anh Tùng chỉ biết lắng nghe. Anh đã bắt đầu thấy ngán ngẩm những lúc vợ nói “sao cũng được”, “sao cũng đúng” lắm rồi.
Anh ước ao được một lần vợ giận hờn, một lần vợ nông nổi, một lần vợ ghen tuông, một lần vợ không “ba phải” nữa. Anh muốn được nghe vợ than thở chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà. Nếu bày tỏ điều đó với vợ thì chị Trang lại cho là chồng có vấn đề nên mới thích như thế. Anh Tùng tần ngần tự hỏi có phải mình vô lý lắm không?
Chính anh cũng không biết là vợ thích hay ghét gì cả, thái độ lúc nào cũng “chung chung” và “ba phải”. Anh cũng đã quá quen thuộc với gương mặt khổ sở của vợ khi nói “vậy à” gọn lõn như người trên trời rơi xuống rồi.
Chồng làm sai điều gì, vợ cũng không hề phản ứng. Nếu anh Tùng có quay ra hỏi vợ làm vậy có được không, chị Trang chỉ trả lời: “Chắc là được”.
Và đến lúc anh Tùng thèm được nghe vợ than thở chứ không phải là nụ cười trừ kia.
“Bội thực” với vợ dịu dàng!
Bạn bè đến nhà chơi, ai cũng khen anh Nam tốt số mới lấy được người vợ dịu dàng và nhẫn nhịn như chị Phương làm vợ. Anh Nam nhăn mặt: “Cứ ở trong chăn mới biết có rận hay không?”
Tính anh Nam không khắt khe, tỉ mẫn. Anh cũng không đòi hỏi vợ phải kiếm nhiều tiền. Cuộc sống của anh chị không có gì đặc biệt. Vợ chồng sáng đi làm, chiều về đón con, đi chợ, nấu cơm. Cứ tưởng vậy là ổn nhưng anh Nam vẫn ôm đầu “ngán” vợ lên tận cổ.
Nhiều lúc anh không hiểu ý vợ như thế nào nữa. Lời nào của chị Phương cũng nhỏ nhẹ, dịu dàng quá cỡ. Về sống với nhau đã lâu mà anh Nam chưa từng thấy vợ cáu gắt hay kêu ca. Chồng có làm sai điều gì cũng bảo “không sao”.
Rõ ràng chồng vừa say mềm, nôn ói ra nhà, quát mắng vợ con mà chị Phương vẫn không “nhếch mép”. Rồi có dạo anh Nam đi uống rượu liên miên, bỏ cả cơm nhà đến hai tuần lận mà vợ vẫn làm thinh như không có chuyện gì.
Anh Nam bắt đầu thấy sợ sự im lặng và những lời nói tưởng “ngọt như mía lùi” của vợ. Nhiều lúc anh còn thấy chóng mặt khi vợ nói, vợ cười cho đến vợ rớt nước mắt đều dịu dàng như nhau, cứ như cùng một khuôn vậy.
Có lần anh Nam hỏi thẳng vợ: “Em ngố đến mức ấy à? Em không thấy giận anh thật sao?” Chị Phương cúi mặt xuống thỏ thẻ: “Em có biết giận ai đâu?”
Chính vì thế, mỗi lần anh Nam to tiếng, chị Phương chỉ khóc lấy lệ. Tự nhiên anh trở thành người ăn hiếp, nạt nộ vợ. Nhìn gương mặt khổ sở của vợ, anh Nam chỉ biết vò đầu bứt tai và thấy ngột ngạt vô cùng. Cũng có lúc anh sợ không dám nhìn thẳng vào bản mặt dịu dàng, lạnh tanh của vợ nữa.
Chồng làm sai điều gì, chị Phương cũng mặc kệ chứ không hề phản ứng. Ngày còn yêu nhau, anh Nam cũng phải công nhận là chị Phương dịu dàng. Nhưng rồi lấy nhau, anh mới thấy mặt trái của nó.
Ở bên vợ mà anh Nam có cảm giác như đang sống với “khúc gỗ di động” vậy. Chính anh cũng thấy vợ trở nên thiếu hấp dẫn chỉ vì sự dịu dàng thái quá của mình.
Có lẽ vì quá “bội thực” với những lời nói nhỏ nhẹ, chịu đựng của vợ, anh Nam đâm ra thèm cảm giác được nhìn thấy vợ cáu gắt một chút. Đã có lúc anh nghĩ mình đang sống với “cục thịt” chỉ biết nói lời dịu dàng mà không thể cho chồng được ý kiến nào cho “ra ngô ra khoai”.
Anh Nam thích đi làm về sẽ được vợ la lối chuyện cẩu thả, lười biếng, rằng tất bẩn bốc mùi, rằng bày biện lung tung, rằng tàn thuốc lá vương vãi khắp nhà… Anh cũng mong vợ sẽ giận hờn một chút khi chồng đi làm về muộn. Những điều đó tưởng như bình thường nhưng với anh lại xa xôi quá.
Nhiều đêm anh Nam quay mặt vào tường suy nghĩ. Phải chăng anh đang đòi hỏi những điều điên rồ ở vợ? Nhưng quả thực, anh thấy sức sống của gia đình quả là nhạt nhòa, yếu ớt và thiếu gia vị trầm trọng.
Anh Nam cũng chưa từng nghĩ sẽ bỏ vợ con. Nhưng là đàn ông, khi chán cơm nhà, anh cũng thèm phở. Trong một chuyến đi công tác, anh đã “phải lòng” một cô gái cá tính, vui nhộn và nhất là có thể cho anh sức sống, khác hẳn với sự yên bình, êm đềm, nhạt nhẽo đến đáng sợ khi ở nhà.
Còn chị Phương đau khổ đi tìm lý do tại sao chồng nỡ phụ bạc mình? Xinh đẹp, dịu dàng và luôn biết nhường nhịn chồng như chị thì có còn gì thiếu xót nữa đâu?
Chị ngẩn ngơ đọc những nét chữ rõ ràng của chồng trong lá đơn ly hôn: “Tôi không thể chịu đựng thêm được sự dịu dàng của vợ nữa. Vì dịu dàng quá mà tôi ngỡ là giả tạo…”!