Có một cơ thể và khuôn mặt đẹp là điều mà mọi phụ nữ luôn ao ước. Nắm được xu hướng này, nhiều thẩm mỹ viện mọc lên như nấm với đủ loại hình dịch vụ làm đẹp như hút mỡ, sửa ngực, nâng cằm, gọt mũi…Bên cạnh những phương pháp làm đẹp tiên tiến thì cũng có không ít phương pháp làm đẹp gây ra rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Một trong số những phương pháp thẩm mỹ để lại nhiều tác dụng phụ và di chứng cho phụ nữ là bơm silicon lỏng để làm đẹp các bộ phận cơ thể. Phương pháp này có ưu điểm là tiến hành nhanh chóng, giá rẻ và cơ thể thay đổi tức thì. Thế nhưng ít ai biết được nó lại ẩn chứa những hậu quả cực kỳ khủng khiếp trong nhiều năm sau đó.

2
Sau nhiều năm, nhiều phụ nữ chịu biến dạng khuôn mặt vì silicon lỏng.

Bơm chỗ nào, hỏng chỗ đó

Hơn 20 năm trước, thấy mũi mình bị gãy, gương mặt thiếu sức sống, chị T.O.H. (57 tuổi, quê TP.HCM) cảm thấy không đủ tự tin để đối diện với mọi người xung quanh. Chị tìm đến các thẩm mỹ viện lớn với ý định sửa mũi thì thất vọng khi nghe giá phẫu thuật trên trời, không thể kham nổi. Nghe mọi người kháo nhau về một loại chất gọi là silicon lỏng giúp mũi cao nhanh hơn phẫu thuật, lại không tốn quá nhiều chi phí, chị H. mừng lắm, nhưng cũng nửa tin nửa ngờ.

Đến một thẩm mỹ viện tại Q.1, tôi hỏi các nhân viên bơm silicon vào người có an toàn không. Họ bảo muốn thì bơm thôi chứ không biết. Do quá ham muốn một chiếc mũi đẹp nên tôi đánh liều làm đại. Họ bơm cho tôi 3cc silicon vào mũi, chia làm ba lần” – chị H. kể.

Những ngày đầu, chị H. cực kỳ mãn nguyện khi có chiếc mũi như ý, hãnh diện khoe với với bạn bè xung quanh. Mãi đến lúc gần 40 tuổi, chị H. bắt đầu cảm thấy mũi như có kiến bò bên trong, đồng thời chuyển sang màu xanh sẫm như bị bầm, bứt rứt rất khó chịu. Tần suất bị “hành” tăng theo từng ngày, chị H. đến các trung tâm làm đẹp để khám thì rùng mình nghe tin silicon đã làm mũi mình bị viêm và có hiện tượng co rút. Suốt gần 20 năm nay, chị H. phải tốn trên dưới 100 triệu đồng để chữa bệnh, phẫu thuật và đặt lại sóng mũi nhưng chiếc mũi giờ đây đã biến dạng, phù lên một khối nhỏ, không thể quay trở về hình dạng ban đầu.

“Giờ đây mỗi lần soi gương, thấy màu xanh bên trong mũi là tôi lại giật mình. 5 lần đi rút silicon ra khỏi người rồi nhưng vẫn không hết” – chị H. cho biết.

Không may mắn như chị H. khi mũi chỉ bị “xấu” chút ít, cô H.T (66 tuổi) phải gánh chịu hậu quả nặng nề vì khuôn mặt biến dạng hoàn toàn, hai mắt kéo sâu hóp lại, vùng da hai bên má chảy xệ và lông mày rụng sạch, đau đớn khó tả. Chỉ vì nghe lời bạn bè giới thiệu, ham làm đẹp lại không tìm hiểu kỹ càng, người phụ nữ phải trả giá cho phút bồng bột của tuổi trẻ. Đến bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), các bác sĩ xác định cô H.T bơm rất nhiều silicon lỏng vào xung quanh mi và rải rác khắp mặt. Việc bệnh nhân chần chừ, để rất lâu không điều trị khiến tình trạng bệnh càng thêm nặng. Đến nay dù đã phẫu thuật nhiều lần và tình trạng sức khoẻ có cải thiện, bệnh nhân vẫn nhìn rất “dị hợm”. Điều này khiến cô H.T mặc cảm, hạn chế tiếp xúc với mọi người.

Cam chịu “kiếp silicon” suốt đời

Nhưng điển hình nhất và cũng nặng nề nhất với người phụ nữ là biến chứng của việc bơm silicon vào ngực. Trường hợp của bà H.N.D (79 tuổi) bị silicon hành hạ đến 40 năm vì sợ phẫu thuật sẽ gây đau đớn và biến dạng. Hậu quả là đến tháng 10-2014, hai bầu ngực bà D. bị chảy xệ, ngực trái co quắp lại và phần ti bị rút vào trong. Các bác sĩ buộc lòng phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú hai bên để lấy silicon lỏng ra ngoài.

Bơm silicon lỏng hơn chục năm trước, những phụ nữ này giờ đây đã khiếp sợ và hối hận vì hậu quả không ngờ
Nhiều biến chứng khôn lường khi tiêm silicon lỏng vào người.

Theo TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình Thẩm mỹ bệnh viện Trưng Vương cho biết, mỗi tuần bệnh viện đều có từ 1-2 ca bệnh liên quan đến việc bơm silicon lỏng vào cơ thể. “Ngoài các bệnh nhân nữ, vẫn có một số trường hợp nam giới bơm silicon vào người như bơm mông, bơm của quý. Nhẹ thì uống thuốc giảm đau, theo dõi, nặng phải tiến hành phẫu thuật, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng” – TS.BS Khanh nói.

TS.BS Khanh chia sẻ, một khi đã bơm silicon lỏng vào người thì sẽ không bao giờ lấy ra hết hoàn toàn khỏi cơ thể. Do đó, bệnh nhân gần như phải theo dõi và điều trị suốt đời nếu silicon tồn dư tạo ra biến chứng. “Có ca tôi phải làm đi làm lại đến 17 lần” – TS.BS Khanh nói.

Đáng chú ý, dù silicon lỏng đã bị nghiêm cấm sử dụng để bơm vào người từ những năm 1990 của thế kỷ trước tại Mỹ cũng như trên thế giới nhưng ở Việt Nam, tình trạng bơm silicon lỏng vẫn tràn lan. Do không còn silicon dùng trong y tế nên gần như tất cả các silicon bơm vào người ở thời điểm hiện tại là silicon công nghiệp.

5
Thay vì đẹp như mong muốn, nhiều chị em phải xấu hổ, mặc cảm vì nhan sắc và cơ thể bị huỷ hoại.

Theo người đứng đầu Khoa Bỏng - Tạo hình Thẩm mỹ bệnh viện Trưng Vương, tâm lý đám đông, ham rẻ, ít đau và nhận thức kém là nguyên nhân chính để thực trạng báo động này vẫn tiếp tục diễn ra.

Các bác sĩ khuyên mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ nên tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi tiến hành làm đẹp. Tránh đến các cơ sở thẩm mỹ không an toàn (không có kiểm định chất lượng, sử dụng vật liệu không an toàn, con người không đảm bảo) nếu không muốn tự huỷ hoại cơ thể và sức khoẻ của mình. Nếu muốn làm đẹp hãy sáng suốt lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, thẩm mỹ được cấp phép đàng hoàng để tránh hậu quả đáng tiếc.

 
Silicon dùng trong thẩm mỹ thường tồn tại ở hai dạng lỏng và dẻo, nhưng silicon lỏng được ưa chuộng nhiều hơn bởi đặc tính trơ lì, dễ tạo hình theo ý muốn. "Silicon khi bơm vào có thể sẽ gây vón cục hay tạo ra nhiều khối áp xe tại vùng bơm, có thể gây nhiễm trùng, hoại tử tại vùng tiêm. Chúng tôi đã gặp những trường hợp bệnh nhân tử vong do thuyên tắc mạch máu phổi, một trong những biến chứng có thể gây tử vong khi tiêm silicon lỏng. Tất cả các trường hợp tiêm silicon lỏng về lâu dài sẽ làm da bị chảy xệ, biến dạng, một số trường hợp thậm chí có thể gây nên hiện tượng “cao su hoá” da và tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư" – ThS.BS Đinh Phương Đông, Phó Khoa Bỏng - Tạo hình Thẩm mỹ bệnh viện Trưng Vương cho biết.