Đây là loại bánh tét có màu sắc và mùi vị quyến rũ rất thích mắt và hấp dẫn người ăn bởi nhiều loại nhân ngon như lạp xưởng, tôm khô, lòng đỏ hột vịt muối, giò heo bắc thảo... Bánh tét lá cẩm là thứ bánh được người dân xứ gạo trắng nước trong Cần Thơ rất ưa dùng mỗi dịp Tết đến xuân về.
Bánh tét lá cẩm không dễ làm, phải là người có bàn tay khéo léo mới cho ra lò được mẻ bánh ngon. Đầu tiên là nếp, để có nếp ngon gói bánh phải lựa loại nếp không lộn gạo. Lá cẩm tươi, rửa sạch đem nấu và lược lấy nước làm màu bánh. Đậu xanh ngâm rửa rồi cho vào nồi nấu nhừ. Sau đó cho gạo trộn nước lá cẩm và nước cốt dừa đã chắt, nêm nếm muối, đường cho vừa miệng rồi xào trên bếp lửa khoảng 1 tiếng đồng hồ. Làm như vậy cho màu lá cẩm cũng như nước cốt dừa ngấm đầy hột nếp vừa chín khoảng 30%.
Được biết, khâu xào rất quan trọng. Xào dư nước thì bánh sẽ nhão nên phải xào đều tay, vừa lửa để bánh dẻo ngon. Rồi cột bánh bằng dây nylon hoặc dây lạt cho chắc, đem đun bằng củi từ 4-5 tiếng sau đó vớt bánh ra để nguội. Bánh tét lá cẩm được trẻ hóng ăn ngày Tết vì màu tím đẹp mắt, nhân bánh thơm ngon.
Bánh tét cốm dẹp
Rời Cần Thơ để xuôi về miền Đồng Tháp Mười lung linh nắng gió thưởng thức món bánh tét cốm dẹp của đồng bào người Khmer chân chất dịu dàng. Cốm dẹp là nếp ngon được gặt sớm 2 tuần trước mùa thu hoạch lúa nếp vào khoảng tháng 10 âm lịch. Sau đó, các chị, các mẹ người Khmer cho lúa nếp non vào chảo rang trên lửa nhỏ rồi dùng chày giã cho hạt nếp bong ra để thành cốm dẹp dành làm bánh tét ngày Tết.
Cốm dẹp làm bánh được ướp cùng đường cát và nước dừa khoảng 15 phút cho ngấm đều. Tiếp đến, người dân Khmer dùng đậu xanh đãi vỏ, nấu nhừ và tán nhuyễn với đường để làm nhân bánh cho bùi. Bánh tét cốm dẹp được nấu bằng củi từ 3-4 tiếng, sau đó vớt ra cho vào thùng nước lạnh để giữ bánh ăn dần trong mấy ngày tết. Bánh tét cốm dẹp ngon, dẻo, ăn không ngán nên thường được người Sài Gòn chọn làm món quà quê đem biếu người thân, bạn bè mỗi khi có dịp Tết về quê.
Bánh tét ngũ sắc
Đây là thứ bánh tét rực rỡ và nổi bật nhất trong các loại bánh tét ngày xuân. Bánh tét ngũ sắc tràn đầy sắc hương với 5 vị khác nhau thường được người miền Tây dùng để biếu nhau ngày Tết với ý niệm chúc một năm suôn sẻ vuông tròn.
Bánh tét ngũ sắc không gói từ gạo nếp mà được gói bằng xôi đã đồ chín. Đặc điểm của bánh tét ngũ sắc là khi cắt ra bánh sẽ chia rõ thành 5 sắc màu: xanh lá dứa, đỏ của gấc và trứng vịt muối, vàng của đỗ xanh và trắng của thịt mỡ. Rực rỡ như vậy nên bánh tét ngũ sắc là nỗi thòm thèm của nhiều trẻ em ngày Tết. Gói bánh tét ngũ sắc cần cuộn nhanh, giữ chắc tay để các nguyên liệu bám dính vào nhau cho ra thứ bánh ngũ vị xinh đẹp.
Bánh tét mật cật
Là tên gọi độc lạ của thứ bánh tét miền đảo Phú Quốc. Mật cật là loại cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc đầy trên dãy núi Hàm Ninh. Để có đòn bánh này, trước tiên người ta phơi lá mật cật hơi héo, rửa và lau lá bằng dầu cho mềm hơn. Nếp để gói bánh tét mật cật được lựa kỹ càng. Sau khi rửa sạch để ráo, nếp được nhuộm màu xanh ngọc bích bằng nước cốt lá ngót cùng nước cốt lá dứa.
Đậu xanh nấu nhừ cùng dây thịt mỡ làm nhân. Bánh tét nấu chín vừa dẻo chất nếp, vừa ngọt bùi hương đậu xanh, vừa thơm béo thịt mỡ, thơm hương đồng cỏ nội của lá dứa, lại có tính giải nhiệt, ngừa và trị được mụn nhọt nhờ nước cốt lá ngót.
Một điểm đặc biệt là bánh tét mật cật được gói thành đòn hình tam giác khá lạ mắt. Vì thế, có dịp ra Phú Quốc thì cứ mạnh dạn mua thử món bánh tét mật cật này về làm quà, thế nào cũng có người xui bạn ra mua tiếp về ăn.