Bộ Công an đang nghiên cứu, xác định thực trạng sử dụng "bóng cười" và các chất hướng thần mới. Khi có đủ căn cứ Bộ sẽ đề xuất Chính phủ đưa "bóng cười" vào danh mục các chất ma túy và tiền chất để có hình thức xử lý.

Hiện nay chưa có quốc gia nào đưa bóng cười vào danh mục chất ma túy. Bóng cười là loại bóng bay được bơm khí dinitơ oxit, có công thức hóa học là N2O.

Bóng cười nguy hiểm ra sao mà Bộ Công an nghiên cứu đưa vào danh mục chất ma túy? - Ảnh 1.

Bóng cười là loại bóng bay được bơm khí dinitơ oxit, có công thức hóa học là N2O.

N2O không nằm trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018 của Chính phủ mà là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương. Cụ thể, N2O thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu – Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết: Việc sử dụng khí cười nhiều lần và trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra tình trạng buồn nôn, rối loạn chuyển hóa cơ thể.

Cũng theo vị bác sĩ này, việc hít khí N2O trong bóng cười trực tiếp và trong thời gian dài sẽ giảm lượng khí oxy đến não hoặc các bộ phận cơ thể khác.

"Điều này có thể lý giải tại sao người hít bóng cười thường mệt mỏi, ngủ mê man hoặc bị co rút chân tay sau khi chơi" - BS Thu nói.

BS. Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì các loại ma tuý, hầu hết đều sử dụng phối hợp bóng cười và các loại ma tuý thế hệ mới.

Đa số các bệnh nhân nhập viện khi cơ thể có cảm giác tê bì, đi không vững, phấn khích, ức chế thần kinh...

Lý do các bạn trẻ không dùng trực tiếp mà phải bơm khí vào bóng cười được chính những người từng dùng loại sản phẩm này lý giải: Vì N2O là khí lạnh, đóng băng được, nếu dùng trực tiếp thì rất lạnh, người dùng sợ bị bỏng, cơ thể không chịu được.

Theo BS. Nguyên, sau khi hít khí N2O, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Tuy nhiên, khí N2O khi vào cơ thể, gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch.

"Khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin" - BS Nguyên nói và cho hay đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường.

Tuy nhiên, xu hướng sẽ tăng liều dần và sẽ gây nguy cơ ngộ độc.

"Trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu ôxy. Nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp"- BS. Nguyên phân tích.

BS cũng đưa ra lời cảnh báo, hiện nay có những người vừa chơi bóng cười vừa chơi kết hợp với một số loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần, như vụ việc xảy ra tại Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội khiến 7 người chết tháng 9/2018, vô cùng nguy hiểm và có thể để lại những hệ lụy về sau.