Theo Science Alert, các nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney và Đại học New South Wales (Úc) đã lần theo manh mối từ việc chứng sa sút trí tuệ (mất trí nhớ) giai đoạn đầu thường bị nhầm lẫn với trầm cảm.
Họ đã đánh giá 121 bệnh nhân mắc các dạng sa sút trí tuệ khác nhau và phân loại được 87 người bị sa sút trí tuệ trán - thái dương (FTD), một dạng khởi phát sớm ở tuổi 40-65, tấn công vào tính cách, cảm xúc, khả năng đọc - hiểu, ngôn ngữ và giao tiếp của người bệnh.
Mất hết mọi khoái cảm, hứng thú, thờ ơ với cuộc sống... vào tuổi trung niên có thể là dấu hiệu sớm của nhóm bệnh sa sút trí tuệ - mất trí nhớ (Ảnh minh họa từ Internet)
Đối chiếu với 34 tình nguyện viên mắc bệnh Alzheimer và 51 người lớn tuổi khỏe mạnh khác, các tác giả nhận ra rằng người bị FTD ít trải qua niềm vui hơn nhiều so với thời gian trước khi mắc bệnh.
Kết quả kiểm tra bản đồ mật độ mô của bệnh nhân FTD cho thấy sự mất mát của các tế bào ở một số khu vực của vỏ não phía thùy trán và khu vực nhân vỏ hến. Những vùng này liên quan đến hệ thống khoái cảm của não. Các mất mát này xảy ra ngay từ khi FTD mới bắt đầu, nên người bệnh sẽ bỗng dưng mất hết khoái cảm.
Chức năng của vùng não khoái cảm chính là giúp cho con người cảm thấy vui, hạnh phúc khi nhận được các "phần thưởng" từ cuộc sống như thức ăn ngon, tình dục và sự âu yếm, thưởng thức những điều yêu thích, đạt được thành tựu…
Do đó, công trình vừa công bố trên tạp chí Brain nhấn mạnh nếu một người bỗng dưng cảm thấy trầm uất, thờ ơ trước cuộc sống, đó cũng có thể là dấu hiệu sớm của sa sút trí tuệ.
Việc xác định được các dấu hiệu sớm trong nhóm bệnh này là rất quan trọng để bắt đầu các biện pháp can thiệp có mục tiêu nhằm cải thiện chất lượng sống, giảm tốc độ suy giảm của não bộ. Mất trí nhớ hay sa sút trí tuệ là nhóm bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp hàng thứ 5 trong các nguyên nhân gây tử vong sớm hàng đầu và đang có chiều hướng gia tăng.