Astrid Wilson đi làm răng một năm trước, và chịu đựng các cơn bỏng lưỡi từ đó. Ảnh: DailyMail.
"Tôi cảm thấy như thể mình vừa uống cà phê sôi hoặc thức ăn nóng khiến phần lưỡi trước bỏng rát. Đó là chưa kể cảm giác như có kim loại trong miệng, và cảm giác này đôi khi có thể kéo dài hàng giờ hoặc vài ngày, và nặng lên nếu tôi nói nhiều".

Bà kết luận rằng mình bị dị ứng với palladi, chất dùng trong cầu răng giả.

"Bác sĩ của tôi dường như không hiểu lắm, và không hề cho tôi thử xét nghiệm phản ứng dị ứng với palladi, vì thế ông ấy kê cho tôi thuốc sát trùng, chẳng hiệu quả gì cả", bà kể lại trên DailyMail.

Khi tư vấn một bác sĩ khác, bà được khẳng định mắc hội chứng bỏng miệng - một hội chứng được xem là ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ mãn kinh, thường do người bệnh bị suy nhược, đồng thời đề nghị bà đến gặp nhà tâm lý.

Nhưng Astrid Wilson, người Anh, vẫn khăng khăng bà mắc chứng này liên quan đến vụ làm răng. "Một bác sĩ nha khoa bảo rằng có thể tôi bị phản ứng dị ứng với nikel, nếu nó được trộn với palladi. Tôi thật tức giận vì đã bỏ ra ngần ấy tiền để chuốc lấy cơn đau này. Bạn bè tôi được làm cầu răng giả bằng vàng, nhưng tôi thì không được lựa chọn ấy".

Trường hợp của Wilson không phải là hiếm, rất nhiều người mắc hội chứng bỏng (lưỡi, miệng, hàm ếch, cổ họng hoặc má) tin rằng có mối liên quan giữa tình trạng này với các kim loại được dùng trong nha khoa hiện nay.
Nhiều vật liệu kim loại dùng trong làm cầu răng giả, hoặc làm răng giả đang bị gây tranh cãi là có thể gây dị ứng. Ảnh: royzmandental.com


Chẳng hạn, nikel được biết đến là gây nhiều phản ứng bất lợi ở một vài bệnh nhân, và thủy ngân (dùng trong trám răng) thì giải phóng các hơi độc. Palladi có thể trở thành chất độc khi trộn chung với các kim loại khác ở trong miệng và đã bị cấm dùng trong nha khoa ở Thụy Sĩ, nhưng vẫn được dùng ở nhiều quốc gia khác.

Giáo sư Damien Walmsley, một cố vấn khoa học của Hiệp hội nha khoa Anh, viện dẫn một nghiên cứu gần đây đến phản ứng dị ứng palladi, cho biết, trong số 910 bệnh nhân được tìm hiểu, 110 người có phản ứng dương tính khi test với palladi, và 13,2% trong số họ bị chẩn đoán hội chứng bỏng miệng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy palladi hoặc các kim loại khác có thể gây hội chứng bỏng miệng, và theo ông, một số bệnh nhân mắc bệnh do tâm lý, nên bệnh sẽ tự lui sau vài tháng.

Bác sĩ nha khoa Adeline Wright, từ bệnh viện Lund Osler ở Knightsbridge (Anh), không bao giờ dùng cho bệnh nhân các vật liệu bằng kim loại, mà chỉ dùng plastic hoặc sứ, vì những nghi ngờ gây dị ứng.

"Với những người bị hội chứng bỏng miệng, chúng tôi sẽ xét nghiệm máu, kiểm tra kim loại trong cầu răng, và thường đề nghị bổ sung kẽm. Giải pháp cuối cùng là tháo cầu răng đó ra", bà nói.

Đã thử qua mọi giải pháp, với bà Wilson, tháo cầu răng có lẽ là lựa chọn xa xỉ cuối cùng.

Theo T. An
Vnexpress