Nghe chủ cửa hàng gội đầu "khoe" có thể tẩy vết tàn nhang bằng công nghệ laser, Nga (Khâm Thiên, Hà Nội) quyết đầu tư làm đẹp. Thế nhưng, tàn nhang chẳng thấy mất mà cả mảng da má lại bị bỏng.
Hiện nay, nhiều trung tâm thẩm mỹ tư nhân quảng cáo sử dụng máy laser làm đẹp nhưng thực ra lại dùng dao điện cao tần (đốt điện plasma) để thay thế nên có thể gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và an toàn sức khỏe cho người làm đẹp.
Chị Nguyễn Thị Hải (Tây Sơn, Hà Nội) phải nhập viện để "chữa cháy" vết sẹo do làm đẹp tại một trung tâm thẩm mỹ tư nhân ở đường Láng (Hà Nội). Theo chị Hải, trung tâm đó quảng cáo sẽ tẩy nốt ruồi và xóa vết xăm bằng máy laser cho chị. Nhưng, thay vì vết xóa được mờ, đẹp thì ba chiếc sẹo lại lồi lên ở hai chân mày và vết nốt ruồi cũ có độ rộng gấp ba lần. Sau này chị Hải tìm hiểu mới hay trung tâm này do một người mới vào nghề, thực hiện trên dao điện với tần số cao đã gây bỏng cho nhiều người đến làm đẹp, trong đó có chị.
Bác sĩ Nguyễn Thị Như Lan, trưởng phòng Thẩm mỹ, Viện Da liễu Quốc gia, cho biết, các máy laser rất đắt, thậm chí lên đến tiền tỷ nên không phải trung tâm thẩm mỹ nào cũng có thể đầu tư. Nhưng để "câu khách", các trung tâm này đã thay bằng máy đốt điện plasma hay còn gọi là dao điện.
Máy laser dùng sức nóng của ánh sáng được điều chỉnh qua hệ thống gương với đường kính 0,3-0,5 mm, có tính chất chọn lọc, độ chính xác cao nên nếu có để lại sẹo thì sẹo sẽ nông, sau đó mờ dần đến mất hẳn. Còn máy đốt điện plasma sử dụng nhiệt từ nguồn điện nên tỷ lệ bỏng cao, vết bỏng sẽ sâu và khó lành hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hóa, trưởng khoa Phẫu thuật laser, Viện Da liễu Quốc gia cũng cho rằng, sử dụng dao điện dễ gây bỏng diện rộng cho mảng da lành. Nhất là hiện nay, hầu hết các trung tâm không được đào tạo về chuyên môn, chủ yếu làm theo hướng dẫn sử dụng của cơ sở sản xuất máy nên khó đảm bảo về thẩm mỹ và an toàn cho người làm đẹp. "Trong chỉ định phẫu thuật, nốt ruồi to sẽ không đốt được mà phải cắt rồi khâu thẩm mỹ thì họ cứ đè ra đốt. Nếu đốt không cẩn thận, người làm đẹp bị xấu vì sẹo lồi, lõm to...", tiến sĩ Hóa nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, vết thương do máy đốt điện plasma gây ra có thể là vết bỏng, sẹo, lồi lõm, thâm và thường to hơn vết tổn thương ban đầu. "Ví dụ tổn thương đáng lẽ chỉ bằng đầu tăm thôi nhưng do để công suất cao, khi dí đầu kim vào da sẽ làm bỏng nhiệt nên lan tỏa rộng hơn vết cũ", bác sĩ giải thích.
Theo Khoa học & Đời sống