Nên chọn loại nào
Bác sĩ Hiệp cho biết sốt là một phản ứng cấp tính dễ dàng gây ra biến chứng với trẻ em và người già nên khi có dấu hiệu sốt cần được hạ sốt ngay.
Thuốc hạ sốt được xem là thuốc không thể thiếu trong tủ thuốc gia đình và đây là thuốc tương đối an toàn và dễ dùng, có thể tự dùng tại nhà mà ít khi gây ra những phản ứng đặc biệt nghiêm trọng.
Có rất nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau và thông thường các bác sĩ thường khuyên nên chọn paracetamol (còn gọi là acetaminophen). Ngoài ra trên thị trường còn có một số loại thuốc hạ sốt nữa là aspirin hoặc ibuprofen.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hiệp hai loại thuốc này khó dùng hơn và có một số đối tượng chống chỉ định. Vì thế, tốt nhất mọi người nên chọn paracetamol.
Thuốc hạ sốt có nhiều loại nhưng thông thường an toàn hơn là sử dụng paracetamol
Ưu điểm của loại này: tác dụng nhanh, an toàn, ít có biến chứng, hiệu lực hạ sốt mạnh và dễ sử dụng.
Paracetamol có nhiều loại và thông thường các loại cũng như tác dụng được bác sĩ Hiệp chia sẻ dưới đây:
Thứ nhất: Loại paracetamol đơn thuần chỉ có tác dụng hạ sốt và kháng viêm nhẹ, có tác dụng hạ sốt rất mạnh, thích hợp dùng hạ sốt cho trẻ bị sốt do mọc răng, sốt phát ban, sốt virus.
Thứ hai: Loại có kết hợp với codein vừa có tác dụng hạ sốt, vừa có tác dụng chống đau đầu, thích hợp với người lớn bị sốt do bị nhiễm virus, sốt có kèm theo đau đầu, đau mỏi cơ khớp.
Thứ ba: Loại có kết hợp với chlorpheniramine: Loại này thích hợp với các loại sốt do cúm, do viêm họng, viêm đường hô hấp.
Theo bác sĩ Hiệp, với người lớn và người già có thể sử dụng paracetamol dạng gói bột, viên đạn.
Có thể sử dụng paracetamol đơn thuần và loại kết hợp với codein. Tùy từng trường hợp mà dùng cho thích hợp. Dạng này bào chế với hàm lượng 500mg.
Trong gia đình có trẻ nhỏ, có thể mua thuốc dạng gói bột có hương vị cam, chanh, dâu... (hoặc cao dán) và dạng viên đạn. Khi trẻ có thể uống được thì pha gói cho trẻ uống. Ở dạng này thuốc sẽ được hấp thu tốt hơn, đỡ phải dùng liều cao hơn. Còn nếu trẻ sốt li bì, không uống được, hay nôn trớ, bạn có thể dùng cao dán hoặc dùng viên đạn nhét hậu môn.
Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ cần phải dùng theo dạng hàm lượng chi tiết cụ thể. Dạng gói bột được bào chế dưới hai hàm lượng: 80mg dùng cho trẻ em có cân nặng từ 5-12kg, tức là từ khi sinh đến khoảng 1 tuổi. Dạng 250mg dùng cho trẻ từ 13-50kg, tức là trẻ từ 2 - 15 tuổi.
Dạng viên đạn được bào chế với 3 hàm lượng: 80mg, 150mg và 300mg. Dạng 80mg dùng cho trẻ từ 4-6kg, tức là trẻ từ 1-5 tháng tuổi. Dạng 150mg dùng cho trẻ có cân nặng từ 7-12kg, tức là từ 6 tháng đến 1 tuổi. Dạng viên đạn 300mg dùng cho trẻ từ 13-24kg, tức là trẻ từ 2-9 tuổi.
Khi nào nên sử dụng hạ sốt
Cách dùng rất đơn giản nhưng phải tuân theo các quy tắc chặt chẽ như sau: Khi trong gia đình có người sốt từ 39 độ C bạn đã có thể cho dùng thuốc hạ sốt. Với trẻ em khi sốt trên 38,5 độ C bạn nên dùng ngay vì tốc độ sốt của trẻ đến 39 độ C, 40 độ C là rất nhanh. Đây là hai ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm.
Thông thường, cách dùng đơn giản với cả người lớn và trẻ em. Với người lớn nên dùng liều 2-3 lần/ngày. Mỗi lần 1 viên. Với trẻ em nên dùng 3-4 lần/ngày. Mỗi lần dùng 1 gói hoặc một viên đạn. Không được dùng liên tiếp các liều trong vòng dưới 4 tiếng đồng hồ, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt.
Đo nhiệt độ để sử dụng thuốc hạ sốt
Một số trường hợp đặc biệt đó là thuốc không có tác dụng hạ sốt. Vậy làm thế nào để nhận ra điều này. Trước khi uống thuốc, bạn đo nhiệt độ 1 lần, đo bằng nhiệt kế thủy ngân, sau đó cho uống thuốc. Nếu sau 30 phút nhiệt độ không giảm có thể cho uống tiếp liều thứ 2. Nếu lần này sốt vẫn không hạ, cần cho đi viện ngay. Không dùng 1 ngày quá 6 liều quy định liên tiếp.
Các trường hợp cần phải cho đi viện: sốt kéo dài quá 3 ngày, sốt mà dùng thuốc không hạ sốt, sốt quá cao, 40-41 độ C (vừa phải cho dùng thuốc vừa cho đi viện ngay), sốt có dùng thuốc nhưng bị dị ứng.
Đặc biệt cần lưu ý không dùng thuốc nếu thấy dị ứng, không dùng thuốc với người bị bệnh viêm gan, trẻ em bị bệnh viêm gan vàng da do tắc mật. Với những trường hợp này khi bị sốt phải đưa đi bệnh viện và điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ.