Trước sự việc nhiều bà mẹ mù quáng tìm mọi cách tăng cân cho con, kể cả tự ý mua “thuốc tăng cân” từ facebook, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng sợ cho trẻ, chúng tôi đã có buổi nói chuyện với bác sĩ Trí Đoàn - Trưởng khoa Nhi - Phòng Khám Quốc tế Victoria Healthcare (tác giả bài viết ấn tượng về những truyền thuyết “vụn vặt” trong việc chăm sóc trẻ) về việc sử dụng thuốc tăng cân, thuốc kích thích ăn ngon cho trẻ.
 
Hi vọng những thông tin bác sĩ cung cấp sẽ khiến bố mẹ có cái nhìn toàn diện hơn về sự tăng trưởng của trẻ và yên tâm hơn với sự phát triển của con mình.
 
- Theo bác sĩ, bố mẹ có nên cho con uống thuốc tăng cân? 

BS Trí Đoàn: Thực ra không có thuốc nào là thuốc tăng cân hết. Những tác dụng làm tăng cân khi uống thuốc là tác dụng phụ của thuốc. Ví dụ như uống thuốc loại corticoid thì có thể có tác dụng phụ làm giữ nước và muối làm tăng cân và mập phì giả tạo, ngoài ra corticoid cũng có tác dụng phụ làm ăn nhiều hơn.

- Trên thị trường, có rất nhiều loại thuốc kích thích ăn ngon, bố mẹ có nên cho bé dùng không? Trong trường hợp nào thì nên dùng?

BS Trí Đoàn: Vì lý do nêu trên nên các phụ huynh không dùng bất kỳ loại thuốc nào để kích thích ăn ngon. Trên thị trường có bán rất nhiều loại thuốc, hay gọi là thuốc bổ mà đa số đều chứa các vitamin. Những vitamin đó không giúp bé ăn ngon hơn, cũng không giúp bé tăng cân. Những thuốc đó đa phần chỉ giúp làm ba mẹ của bé bớt căng thẳng (làm yên tâm ba mẹ hay ông bà của bé).

Bs Trí Đoàn: Trẻ ăn theo nhu cầu, không lo suy dinh dưỡng! 1

- Vậy với những trường hợp con còi, con suy dinh dưỡng, con dưới chuẩn chiều cao và cân nặng, cha mẹ có thể làm gì để tăng chiều cao, cân nặng cho con?

BS Trí Đoàn: Bé được gọi là suy dinh dưỡng khi nó đói mà không được cung cấp đồ ăn cho ăn. Vì vậy suy dinh dưỡng hay còi xảy ra khi gia đình đó quá nghèo đến mức không có tiền mua đồ ăn để ăn, hoặc gia đình đó đủ tiền nhưng do thiên tai hay chiến tranh nên cũng không thể mua đồ ăn để trẻ ăn khi đói. Còn đa số các bé ở Viêt Nam đều bị ở trong tình trạng ngược lại, không đói mà bị ép ăn.

- Ý bác sĩ là trẻ em tự biết mình thiếu chất gì, nếu cơ thể thiếu thì các sẽ đòi ăn món đó, và nếu bé được ăn khi đói thì sẽ không lo suy dinh dưỡng? Như một nghiên cứu mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từng nhắc đến: Khi cho một nhóm trẻ vào vào một cái nhà kính, đặt sẵn đủ thứ thức ăn và đồ chơi, rồi ở ngoài quan sát (bên trong không thể nhìn ra). Mỗi trẻ biết tự chọn món ăn mình thích, cơ thể thiếu thứ gì thì tự tìm tới món đó. Người ta cân đo các bé và thấy trẻ phát triển hoàn toàn bình thường!

BS Trí Đoàn: Đúng như vậy! Chúng ta nên nhớ rằng nhu cầu ăn của mỗi bé khác nhau, bé này khác bé khác, và ngay với một bé, các giai đoạn khác nhau cũng có nhu cầu ăn khác nhau. Nếu tạo điều kiện cho bé thì bé sẽ chọn ăn món mà bé thấy cần. Ba mẹ cung cấp cho bé các món ăn, còn bé sẽ quyết định bé cần bao nhiêu và khi nào cần.

Khi bé cơ thể bé đòi hỏi cần ăn mà không được cung cấp đầy đủ, cơ thể bé sẽ bị thiếu chất và dẫn đến suy dinh dưỡng.

- Thế nhưng có một thực tế là rất nhiều bố mẹ chăm lo ăn uống cho con ăn, bé chắc chắn được ăn khi đói, nhưng đi khám, vẫn bị đánh giá là suy dinh dưỡng.

BS Trí Đoàn: Đánh giá suy dinh dưỡng hay không thì phải dựa trên nhiều mặt, tức là đánh giá xem sự tăng trưởng chiều cao, vòng đầu, cân nặng THEO THỜI GIAN, chứ không phải đánh giá dựa vào 1 THỜI ĐIỂM. Và quan trọng hơn, phải đánh giá xem đứa bé có lanh lợi chơi đùa vui vẻ hay không cũng như sự phát triển trí não của bé mới có thể kết luận bé có suy dinh dưỡng hay không. Do đó, nếu chỉ dựa trên cân nặng hay chiều cao đơn thuần mà bảo 1 đứa bé suy dinh dưỡng thì tôi e rằng hơi thiếu sót!

Nếu chiều cao vẫn đi lên đều đều và bé chơi đùa vui vẻ lanh lợi thì đó là 1 bé bình thường, không suy dinh dưỡng. Vì vậy, cha mẹ chỉ cần bảo đảm cung cấp thức ăn cho trẻ ăn khi nó đói, và đừng lôi con ra cân cân, đo đo hoài để rồi lo lắng một cách không cần thiết. Bé sẽ dần dần lớn lên theo đúng gene di truyền của bé.

Xin cảm ơn bác sĩ!