Bệnh nhân là công dân Anh đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17. Sau khi có trường hợp bệnh nhân số 17 dương tính với virus Sars-CoV-2. Sở Y tế Đà Nẵng đã lập tức chỉ đạo các đơn vị tiến hành điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến bệnh nhân số 17 trên bàn TP, trong đó có bệnh nhân số 22.

Ngày 08/3, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) là dương tính với virus Sars-CoV-2. Kết quả xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT-PCR của Viện Pasteur Nha Trang vẫn dương tính với virus Sars-CoV-2.

Bệnh nhân vào điều trị tại BV Đà Nẵng và được xét nghiệm 03 lần vào các ngày 19/3, 23/3, 25/3 đều cho kết quả âm tính với virus Sars-CoV-2.

Sau đó bệnh nhân được ra viện và được tiếp tục cách ly tập trung 14 ngày tại khách sạn Sam Grand. Sáng 10/4, bệnh nhân thứ 22 có trạng thái sức khỏe bình thường, đủ điều kiện hoàn thành cách ly y tế theo dõi sau khi xuất viện. Bệnh nhân được khách sạn thuê xe ô tô chở đến Sân bay Quốc tế Đà Nẵng và TP.HCM để về nước.

BS Trương Hữu Khanh: Hai khả năng khiến bệnh nhân số 22 tái dương tính - Ảnh 1.

Bệnh nhân Covid-19 không thể tái nhiễm ngay

Những thông tin tái nhiễm của Bệnh nhân số 22 nhanh chóng được nhiều cơ quan báo chí đưa tin, cộng đồng thêm lo lắng. Trao đổi với PV, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng bệnh nhân này không tái nhiễm mà có thể đặt ra hai giả thiết trả lời vì sao bệnh nhân này dương tính sau khi đã có 3 lần xét nghiệm âm tính và ra viện 15 ngày.

Thứ nhất, bệnh nhân trở thành người lành mang trùng.

Thứ hai, bệnh nhân có kết quả dương tính có thể do kỹ thuật xét nghiệm.

Trường hợp là người lành mang trùng

Ở trường hợp thứ nhất, bác sĩ Khanh cho biết với tỷ lệ người khỏi bệnh trở thành người lành mang trùng ở các bệnh do virus đều có thể xảy ra với tỷ lệ nhỏ trong các bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân này rơi vào tỷ lệ đặc biệt.

Trước đó, tại Trung Quốc đã có nghiên cứu chỉ ra ở những người sau khi phục hồi được xét nghiệm chất dịch từ mũi và họng cho thấy vẫn có dấu vết của virus Sars-CoV-2.

BS Trương Hữu Khanh: Hai khả năng khiến bệnh nhân số 22 tái dương tính - Ảnh 2.

Phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm

Với trường hợp bệnh nhân này, bác sĩ Khanh cho biết họ vẫn có nguy cơ lây cho cộng đồng tuỳ vào tải lượng virus trong cơ thể của họ. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu chỉ ra virus Sars-CoV-2 khả năng lây nhiễm cho người khác nhiều nhất là khi người bệnh nhiều nhất từ ngày thứ 5 khi phát bệnh và từ từ giảm dần về sau.

Bác sĩ Khanh lưu ý những trường hợp trở thành người lành mang bệnh sau khi nhiễm virus chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng cũng cần có thời gian để nghiên cứu thêm lý giải vì sao có tình trạng này. Virus Sars-CoV-2 vẫn là virus quá mới và người ta vẫn đang cố gắng tìm hiểu về nó.

Trường hợp các bệnh nhân đã khỏi khác (hiện tại 161 bệnh nhân còn lại) có nguy cơ dương tính lại không, bác sĩ Khanh cho biết cần nghiên cứu làm rõ thêm. Tuy nhiên những người xung quanh cũng không nên quá lo lắng chỉ cần thực hiện đúng ba biện pháp đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giãn cách xã hội. Không nên kỳ thị những người đã khỏi bệnh.

Trường hợp do kỹ thuật xét nghiệm

Trường hợp thứ hai: kỹ thuật xét nghiệm là test kháng nguyên hay test kháng thể.

Test PCR là phải ngoáy sâu vào đáy mũi họng và dùng kỹ thuật phân tử để phóng đại, nhân lên nhiều lần, để tìm ra vật chất di truyền đặc hiệu là ARN của virus gây bệnh. Nếu có mặt của virus là có nhiều khả năng bị bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc nặng. Khi làm PCR dương tính khi còn vật liệu di truyền của virus vẫn có thể dương tính nhưng khi đó nồng độ virus sẽ thấp và lúc này khả năng lây lan cho người khác cũng thấp hơn.

Test kháng thể là lấy máu, tìm xem đã có kháng thể IgM đặc hiệu chống lại virus. Những người mang virus nào đó sau thời gian bị cấp tính thì cơ thể sẽ sinh ra kháng thể. Nếu test cho ra dương tính thì khẳng định người đó đã từng nhiễm virus gây bệnh Covid-19.

Nên bác sĩ Khanh cho rằng trường hợp này không rõ bệnh nhân được xét nghiệm bằng phương pháp nào.

Về khả năng tái nhiễm của bệnh nhân Covid-19 bác sĩ Khanh cho biết, những người đã khỏi bệnh thường họ có miễn dịch của virus này ít nhất là 6 tháng và có thể kéo dài tới 2 năm hoặc suốt đời không lo mắc bệnh lại. Chính vì thế việc khả năng lây nhiễm trong 1 mùa dịch cũng rất hiếm.

Cùng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Tổng thư ký hội truyền nhiễm Việt Nam chia sẻ không rõ trường hợp bệnh nhân số 22 này xét nghiệm lại ở sân bay Tân Sơn Nhất bằng kỹ thuật gì. Nếu trường hợp phát hiện kháng thể dương tính là bình thường vì sau khi bị bệnh cơ thể sẽ sinh ra kháng thể. Nếu xét nghiệm ngoáy họng làm kỹ thuật Real Time-PCR dương tính là do vật liệu di truyền của vi rút vẫn còn nhưng trường hợp này nồng đồng thấp thì khả năng lây lan cho người khác là rất hiếm.

Các nghiên cứu cho thấy khả năng lây truyền nhiều nhất là 5 ngày đầu khi phát bệnh và sau 2 tuần sự lây truyền sẽ giảm dù xét nghiệm vẫn còn dương tính với virus Sars-CoV-2.