Sáng nay, Bộ Y tế thông báo thêm 10 ca nhiễm COVID-19, như vậy sau 10 ngày Đà Nẵng đã có 205 ca mắc bệnh và có 12 nhân viên y tế bị lây chéo bệnh này.
Có 3 nguyên nhân khiến dịch ở đây nguy hiểm:
Thứ nhất là dịch đã lây lan trong cộng đồng. Theo các chuyên gia, dịch bệnh tại Đà Nẵng xuất hiện từ tháng 7 đến nay đã trải qua 4-5 chu kì lây nhiễm. Tại Đà Nẵng khả năng có nhiều nguồn lây khác nhau do đó việc truy vết F0 là không khả thi. Hiện tại nguy cơ lây nhiễm ngoài cộng đồng là khá cao.
Thứ hai dịch bệnh ở Đà Nẵng lại rơi vào nhóm bệnh nhân có nguy cơ biến chứng COVID-19 cao nhất đó là nhiều tuổi, nhiều bệnh nền cùng lúc như suy thận nặng, suy tim, đái tháo đường, nhóm bệnh nhân nằm ở khoa Ung bướu, nhóm bệnh nhân khoa Hồi sức tích cực...
Những bệnh nhân này nếu không mắc COVID-19 đã phải sống nhờ máy móc điều trị. Nếu bị lây nhiễm thì nguy cơ tử vong lại tăng lên rất nhiều. Việc điều trị cho bệnh nhân này sẽ khó khăn hơn ở giai đoạn trước rất nhiều.
Thứ ba, dịch ở Đà Nẵng đã tác động tới nhân viên y tế. Đến hết 3/8 đã có 12 nhân viên y tế mắc COVID-19 lây chéo từ người bệnh. Trong giai đoạn trước, Việt Nam chỉ có 2 nhân viên y tế lây chéo từ người bệnh.
Bác sĩ Cấp cho biết dịch lần này đã tác động đến lực lượng y tế. Nếu không được kiểm soát tốt thì việc y, bác sĩ bị nhiễm bệnh ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng nặng nề đến công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Bác sĩ Cấp cho biết trước mắt sẽ có 2 chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gồm bác sĩ Cấp và một bác sĩ khoa Hồi sức tích cực sẽ vào Đà Nẵng để đánh giá tình hình, từ đó sẽ có phương án điều chuyển nhân lực phù hợp vào hỗ trợ.