"Chị đã nghĩ đến việc đóng cửa văn phòng, thế nhưng mọi người nói rằng: Chị không có quyền làm điều ấy! Vì Như chưa hề có cuộc chia ly là một điều gì đó rất nhân đạo, rất chính thể trong xã hội này", đó là những khởi nguồn trong cuộc trò chuyện dài hơi giữa chúng tôi với Nhà báo - Biên tập viên Thu Uyên người cầm trịch chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly".
Sau 14 năm hoạt động, Như chưa hề có cuộc chia ly phải tuyên bố "đóng cửa". Để tiếp tục duy trì chương trình, vấn đề mà Biên tập viên Thu Uyên đặt ra không chỉ dừng lại ở kinh phí, ở nhà tài trợ. Mà còn là dựa vào sức bền của toàn bộ ekip, tinh thần nhân đạo của xã hội. Đặc biệt là người đã "giữ lửa" cho chương trình.
"NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC CHIA LY" ĐÃ VƯỢT QUA THỜI GIAN BI ĐÁT, NHƯNG VẪN ĐỐI MẶT VỚI CHUYỆN "NGỪNG PHÁT SÓNG"!
Mỗi một năm Như chưa hề có cuộc chia ly lại rực rỡ thêm một phần, chị đánh giá chất lượng chương trình trong những năm vừa qua như thế nào?
Nếu nói về chất lượng chị luôn luôn nghĩ rằng mỗi một năm Như chưa hề có cuộc chia ly lại rực rỡ thêm, bọn chị không thể đánh giá điều gì khác ngoài kết quả làm việc của mình.
Nói nghiêm túc là càng ngày nó càng rực rỡ, càng nhiều kinh nghiệm và những gì mình làm ra khiến mình hài lòng hơn.
Đại dịch ập đến, không có kinh phí duy trì, 2020 được xem là năm sóng gió nhất của Như chưa hề có cuộc chia ly, khoảng thời gian ấy đã diễn ra như thế nào, thưa chị?
Chị nhớ là vào tháng 6 năm 2020: Rất bi đát! Và phải thừa nhận một điều rằng tất cả đều kiên cường. Vấn đề của Như chưa hề có cuộc chia ly là không có nguồn tiền. Bởi vì tất cả đều là hoạt động nhân đạo, không thu tiền, không thu phí, không có một nguồn thu nào khác ngoài tài trợ.
Tháng 6, tất cả mọi người đều nghĩ rằng có lẽ phải đóng cửa, chuyển sang chế độ "underground" mọi hoạt động diễn ra âm thầm và tự do. Một số đồng nghiệp của chị, anh Nguyễn Quang Thiều cùng với nhiều bạn bè khác sau khi nghe tin đã phản đối rất dữ dội: "Không được. Không thể dừng Như chưa hề có cuộc chia ly được!". Mọi người không cho chị cái quyền đấy, quyền được đóng cửa một chương trình chính thể, đại diện cho sự nhân văn của xã hội.
Và khi ấy xã hội bắt đầu nghe thấy và hiểu Như chưa hề có cuộc chia ly không được đảm bảo về ngân sách từ Chính phủ, từ Đài truyền hình hoặc từ một tổ chức nào đó cụ thể. Mọi người bắt đầu quyên góp, cũng chính nhờ vào điều đó mà Như chưa hề có cuộc chia ly chuyển đổi được hình ảnh. Trở về đúng bản chất của nó: Không phải là chương trình truyền hình mà là một hoạt động xã hội, đúng nghĩa!
Nói như vậy nghĩa là hơn 10 năm qua, chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly bị hiểu nhầm về bản chất chị nhỉ?
Phải phân tích thế này, quy trình sản xuất Như chưa hề có cuộc chia ly dài hơn quy trình sản xuất một chương trình truyền hình thông thường. Từ giai đoạn tiếp nhận, xử lý thông tin, sang giai đoạn tìm kiếm, sàng lọc thông tin, tiếp đến là kết nối, sau đó là tiền kỳ, phát sóng. Đó là chưa kể, sau khi phát sóng còn phải trải qua giai đoạn hậu đoàn tụ, xử lý các thông tin liên quan và quay ngược trở về phần thông tin ban đầu,... Trước khi nó đến được với khán giả nó đã có một quá trình.
Mọi người đều nghĩ Như chưa hề có cuộc chia ly là chương trình truyền hình vì ngày xưa chị là biên tập viên đài truyền hình, chị áp dụng những quy tắc của truyền hình vào đó. Và mặc định sau này ai cũng cho rằng đó là một chương trình truyền hình có nguồn đầu tư sản xuất, mãi cho đến khi nguồn tài trợ cạn kiệt, mọi người bắt đầu góp tay vào cùng ủng hộ thì nó mới trở về đúng ý nghĩa thật: Là một hoạt động của xã hội!
Không có ngân sách, vậy làm cách nào để ekip chương trình vượt qua giai đoạn khó khăn ấy chị nhỉ?
Giai đoạn tháng Giêng năm 2020, mục tiêu của cả ekip là: Phải cố làm sao để sống được! Còn được bao nhiêu sức thì sản xuất bấy nhiêu, không có bất kỳ một nguồn tiền nào. Đến 30/6, chị quyết định đóng cửa văn phòng và khích lệ mọi người hoạt động online tại nhà trên tâm lý làm việc thiện, chứ chẳng còn tiền để trả lương cho nhau nữa. Mãi đến vài tháng sau đó, khi được cộng đồng giúp đỡ, mọi hoạt động mới có thể trở lại. Giai đoạn ấy chỉ có nội bộ hiểu và sát cánh bên nhau, quyết định với nhau rằng là: Phải làm tốt nhất có thể!
7 NĂM NUNG NẤU Ý TƯỞNG Ở VTV, HƠN 14 NĂM CẦM TRỊCH NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC CHIA LY, "CHƯA BAO GIỜ THẤY MỆT MỎI VÀ QUÁ SỨC NHƯ BÂY GIỜ"
Cộng đồng chung tay giúp đỡ và đóng góp vào Như chưa hề có cuộc chia ly. Đó là một tín hiệu tốt, chị nghĩ sao về điều này?
Phải nói đến cả hai mặt của vấn đề này. Thứ nhất đội ngũ của chương trình đều rất vui mừng. Bởi vì mọi người cho phép nó được trở về đúng bản chất của nó - một hoạt động xã hội. Trước kia người ta không hình dung được, hiện tại thì gần như đại đa số những ai theo dõi đều có thể hiểu hoạt động của chương trình ra sao, mục đích như thế nào.
Còn mặt khác về phần cá nhân thì chị thấy mình mệt mỏi, mình đang quá sức đấy! Chị nhớ có lần mình dẫn chương trình, đến phần kết thúc, có một khán giả rất là tinh ý. Bạn ấy bảo rằng là: "Nghe giọng của chị Uyên khác khác ngày trước", bạn ấy đã nhắn với chị rằng: "Chị phải thật khỏe mạnh".
Với chị Thu Uyên, Như chưa hề có cuộc chia ly là cả một sự nghiệp!
Chị sẽ truyền lại vai trò "người cầm trịch" của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly?
Một ngày nào đấy em à!
Mệt, nhưng chị vẫn phải gánh vác cho đến lúc nó ổn định và có một nền tảng cho các bạn trẻ hoạt động, sau đó chị sẽ buông. Và chắc chắn thế hệ sau, các bạn sẽ phải hiểu rằng khi viết một câu chuyện trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, không chỉ đơn giản là thuật lại tình huống mà đó là một điều gì đấy rất kết nối, nó gắn liền với giai đoạn lịch sử, nó có tình huống về văn hóa xã hội thậm chí cả về kinh tế.
Nói một chút về khoảng thời gian chị bắt đầu với Như chưa hề có cuộc chia ly chị nhé. Chị có nhớ số đầu tiên phát sóng vào thời gian cụ thể nào không?
Chắc chắn là không quên được. Ngày 1 tháng 12 năm 2007. Từ thời điểm đề xuất đến thời điểm chương trình chính thức phát sóng là 7 năm!
7 Năm? Đó là một con số gây bất ngờ! Nghĩa là chị phải bắt đầu từ năm 2000 nhỉ?
Đúng vậy. Chị nhớ vào năm 1999, 2000, mảng quốc tế chị nắm đang ở giai đoạn đỉnh cao, đó là một trong những niềm tự hào của chị. VTV thời điểm này liên tục cải tổ, đó là một điều gì đấy rất hay. Đến năm 2000, khi về các vùng quê công tác, chị nhận ra đất nước mình có nhiều mất mát, thất lạc, ly tán quá nhiều. Lúc ấy chị đề xuất một hoạt động tìm kiếm, giúp đoàn tụ gia đình nhưng lại không được thực hiện. Bởi vì "tìm kiếm" không phải là chức năng và nhiệm vụ của đài truyền hình.
Tạm gác ý định đấy đến năm 2003, khi bắt đầu có chủ trương xã hội hóa, Đài có thể cộng tác với một đơn vị bên ngoài để làm những phần việc Đài không có chức năng. Khi ấy chị lại tiếp tục đề nghị về Như chưa hề có cuộc chia ly lần nữa, cuối cùng cũng được làm, trước khi phát sóng số đầu tiên, chị có một năm chuẩn bị và gắn bó với nó cho đến tận bây giờ!
Theo chị, điều gì đã khiến Như chưa hề có cuộc chia ly - chương trình tìm kiếm người thân thành công và được đông đảo công chúng quan tâm?
Thứ nhất, Như chưa hề có cuộc chia ly thành công là vì ở Việt Nam đây là chương trình tìm kiếm người mất tích đầu tiên, ngay cả trên thế giới rất ít quốc gia nào có chương trình tương tự. Thế nhưng chúng ta không tự hào về điều đó, vì chương trình càng thành công càng chứng tỏ người Việt có sự mất mát rất lớn về tinh thần.
Thành công thứ hai của chương trình chính là ở đội ngũ, tinh thần của mọi người có với nhau. Ít ai biết ở Như chưa hề có cuộc chia ly, tất cả mọi người đều hưởng một mức lương rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Trong khi các bạn ấy đều có cơ hội ra ngoài và hưởng một mức lương cao hơn nhưng các bạn ấy vẫn chọn Như chưa hề có cuộc chia ly.
Gia đình, người thân các nhân vật đi xe thiếu tiền hoặc có vấn đề gì cần hỗ trợ các bạn đều sẵn sàng bỏ tiền túi. Thậm chí, vào thời điểm chị định đóng cửa văn phòng vì hết kinh phí, các bạn đều chờ, dùng thời gian tạm ngừng phát sóng chương trình để học tập, thư giãn, làm một điều gì đấy cho bản thân, chờ cơ hội mỉm cười với Như chưa hề có cuộc chia ly. Chị nghĩ để tập hợp được một đội ngũ như thế này đã là thành công thứ hai và phải nói nó cũng là thành công quyết định của chương trình.
BIÊN TẬP VIÊN LẤY NHIỀU NƯỚC MẮT CỦA KHÁN GIẢ XEM ĐÀI VTV: GIỮ DUY NHẤT 1 CHỨC VỤ, CHƯA BAO GIỜ ĐƯỢC THĂNG TIẾN!
Trong hơn 14 năm chứng kiến hàng nghìn cuộc đoàn tụ với không ít nước mắt. Cảm xúc của chị khi cầm trịch chương trình có giống nhau?
Từng cuộc hội ngộ là một cảm xúc khác nhau em ạ!
Nếu có 1800 cuộc đoàn tụ thì sẽ 1800 cảm xúc hoàn toàn khác. Chị không so sánh cuộc đoàn tụ này với cuộc đoàn tụ khác. Khi một cuộc đoàn tụ diễn ra thì nó hoàn toàn độc lập với số phận không chỉ của hai người mà liên quan đến cả họ hàng ruột thịt, người sinh dưỡng, người nuôi dưỡng, hơn hết nó còn được đặt trong bối cảnh của đất nước lúc bấy giờ. Đó là một tổ hợp rất hùng vĩ của các cảm xúc, với chị sau này vẫn thế.
Có người nói là chị là biên tập viên 'lấy nhiều nước mắt nhất' của khán giả xem đài VTV, chị nghĩ sao về điều này?
Nói chị lấy nhiều nước mắt nhất có thể đúng đấy. Nhưng không biết phải nói như thế nào vì lĩnh vực chị làm và những câu chuyện bên trong lĩnh vực ấy nó như thế. Nó mang câu chuyện và những hành trình rất thật.
Chỉ đi duy nhất một con đường, làm cách nào để các số phát sóng của Như chưa hề có cuộc chia ly luôn được "giữ lửa" thưa chị?
Bọn chị đã quen ngay từ số phát sóng đầu, luôn trong trạng thái hồi hộp. Hơn hết những trường hợp đoàn tụ đều không được sắp xếp trước, họ không biết mặt người thân của mình.
Trong mỗi số phát sóng của Như chưa hề có cuộc chia ly, đều có những mẩu phóng sự được phát cùng. Đó là một cách chứng minh của chương trình, chứng minh về hành trình mà chương trình đã thực hiện, thậm chí nó còn mang tính xác thực khẳng định rằng: Chương trình đã giúp những người thất lạc người thân tìm lại đúng người thân của họ!
Tên của chị Thu Uyên thường xuất hiện cùng với Như chưa hề có cuộc chia ly, vậy điều đó có đồng nghĩa khi nói rằng thời gian thăng tiến nhất trong sự nghiệp của chị gắn liền với chương trình?
Chị thấy cuộc đời mình là chuỗi các hoạt động liên tiếp nhau theo cách mình yêu thích chứ không đánh giá nó là thăng tiến hay không!
Chị chưa bao giờ được thăng tiến cả. Người ta thường nói là lên chức này chức kia, những cái đấy không có chị. Từ lúc vào Đài khoảng 3 năm thì chị bắt đầu là Phó phòng cho đến lúc về hưu vẫn là Phó phòng.
Chị nhớ khoảng thời gian công tác ở VTV chứ? Điều gì khiến chị tâm đắc nhất trong suốt quá trình làm việc ở VTV?
Chị vốn là biên tập viên của VTV cho đến lúc nghỉ hưu vẫn là người của VTV. Chị rất nhớ chứ, đấy là cái lúc hay nhất trong tuổi trẻ của chị. Điều mà khiến chị thấy mình may mắn hơn rất nhiều người đó là chị vào đúng thời điểm VTV đang chuyển đổi, chuyển từ một VTV rất cơ bản cho đến khi "thời sự" được phát huy đúng ý nghĩa, giá trị của nó, phản ánh đúng những sự kiện đang diễn ra.
Chị nhớ đến anh Trần Bình Minh (nguyên Tổng Giám đốc Đài), cùng lứa lúc ấy thì có anh Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài), anh Vũ Văn Hiến (nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam),... những anh chị học ở Nga về, chị may mắn vào sau lứa của các anh chị ấy, có cơ hội để mình làm việc. Chị nghĩ nếu mình vào sớm hơn thời điểm ấy thì chẳng biết biết bao lâu chị sẽ bỏ nghề.
VIỆC Ở CHỖ LÀM CĂNG THẲNG NÊN CÔNG VIỆC CÁ NHÂN CŨNG PHẢI CĂNG THẲNG THEO ĐỂ… MỌI THỨ ĐƯỢC CÂN BẰNG!
Nếu được đánh giá tính cách của mình trong công việc thì chị sẽ đánh giá như thế nào?
Chắc chắn chị là người có trách nhiệm, rất có trách nhiệm. Chị hơi cầu toàn, rất ham học hỏi những thứ giúp công việc của mình tốt lên còn nếu đánh giá điều gì khác thì chắc thêm khoản chị khó tính, rất khó tính trong công việc.
Cáng đáng quá nhiều vai trò vậy lúc nào chị sẽ dành thời gian cho gia đình?
Mỗi ngày của chị cũng chỉ có 24 tiếng thôi. Vì đi làm khá căng thẳng nên buộc chị phải làm công việc nhà và những công việc cá nhân cũng phải căng thẳng tương tự để cân bằng sức khỏe.
Nghe khá đặc biệt chị ạ. Nhưng có một quy tắc làm việc nào cụ thể mà chị đặt ra cho mình không?
Chị không đặt ra cho mình một cái cũi nhưng chị thường nói với các bạn ở đây rằng làm gì thì cũng phải biết mục đích của việc làm ấy. Câu này không thừa mà ngược lại còn rất quan trọng. Hãy tự hỏi để biết mục đích của mình là gì? Mình làm cái này có phục vụ mục đích ấy không? Nếu không, tức là nó không để làm gì, không để làm gì thì mình không làm! Đơn giản là làm bất cứ điều gì cũng phải có mục đích!
Cảm ơn chị Thu Uyên về buổi trò chuyện. Chúc chị nhiều sức khoẻ và chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly sẽ luôn được khán giả yêu thương - ủng hộ!
CAMPAIGN MỘT Ổ BÁNH MÌ
Nói theo cách chúng tôi hiểu chiến dịch này là mỗi tháng Như chưa hề có cuộc chia ly chỉ mong mỗi bạn dành "MỘT Ổ BÁNH MÌ" tương đương 20.000 vào quỹ ủng hộ chương trình để nuôi dưỡng, xây dựng, duy trì các hoạt động nhân đạo mà Như chưa hề có cuộc chia ly đang thực hiện. Nếu được hỗ trợ, chương trình có thể tăng gấp 3 lần các hoạt động cũng như kết quả tìm kiếm; tăng cường độ lan tỏa các câu chuyện nhân văn; tổ chức cộng đồng 12.000+ tình nguyện viên, phát triển hợp tác quốc tế về tìm kiếm thân nhân;… vì một xã hội bớt ly tán, hòa hợp và vì những giá trị nhân văn cao đẹp như gia đình, nguồn cội, Tổ quốc.