Trường nằm trong ngôi làng ở lưng chừng núi, giữa những cánh rừng. Tại đây, trẻ em ngày ngày leo đồi để đến các không gian học tập trải rộng khắp trường. Các em được hít thở bầu không khí trong lành, và cũng được trải nghiệm sâu sắc đời sống xã hội, đời sống kinh tế thông qua các Dự án học tập thực tế của trường, tại các xưởng thực hành chuyên nghiệp - đại diện cho các nhóm ngành kinh tế cơ bản: Nông nghiệp, Công nghiệp và Thương mại. Trong các Dự án thực tế này, các em được hướng dẫn để tự nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm bền vững, rồi học cách kinh doanh với các sản phẩm đó.
Những đứa trẻ ở Maya còn được học cách quản lý tài chính cá nhân từ nhiều hoạt động nhỏ ở trường học, chẳng hạn như thông qua... các bữa ăn!
Tấm thẻ ăn tại Maya...
Maya có 2 nguồn thực phẩm chính, là 2 nông trại của Trường: Nông trại Tổ chim ở Thái Bình – nuôi trồng theo hướng hữu cơ đã được hơn 4 năm, và Nông trại Lá Mây ở Thạch Thất – trồng cây theo hướng vườn rừng được 2 năm.
Thực đơn hàng ngày của Maya gồm bữa sáng, bữa trưa, bữa nhẹ buổi chiều và đồ uống. Thực đơn sẽ được thay đổi theo mùa cùng với quan sát của Maya Canteen về món ăn yêu thích của học sinh, cũng như nông sản thu hoạch được tại nông trại.
Tôi (PV) có dịp đến thăm ngôi trường lưng chừng núi này vào buổi trưa một ngày tháng 9, khi mà các em học sinh mới tan lớp và đang ùa xuống canteen. Canteen của Maya rất rộng rãi và được chia làm 3 khu vực chính: Quầy đồ ăn, khu vực gọi đồ ăn và khu vực chỗ ngồi.
Tuy nhiên, điều khiến tôi ấn tượng nhất ở canteen là khu vực gọi đồ.
Maya Canteen bố trí 4 máy order tương tác lớn - giống như những cây gọi món tự động ở các quán đồ ăn nhanh hiện đại. Học sinh có thể xem thực đơn từng bữa trên máy order đó, táp màn hình để chọn món, và tự thanh toán cho bữa ăn bằng thẻ học sinh của mình. Trên mỗi tấm thẻ học sinh Maya đều có in QR code, thẻ học sinh này sẽ kiêm luôn chức năng của thẻ thanh toán và thẻ thư viện. Cha mẹ các em nạp tiền ăn vào thẻ này và theo dõi chi tiêu của các em qua app điện thoại. Còn các em sẽ tự quản lý chi tiêu hàng ngày của mình.
Tấm thẻ học sinh vì thế được các em sử dụng như một chiếc thẻ ATM, để thanh toán cho bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều hàng ngày. Thanh toán cho bất kỳ đồ ăn, thức uống nào mà các em chọn. Các em đôi khi cũng dùng thẻ học sinh của mình để “mời khách” - mời cha mẹ ông bà khi tới thăm trường, hoặc mời người bạn thân thiết của mình một chiếc bánh, hay món đồ uống ngon lành.
Việc chủ động chi tiêu mỗi ngày trong giới hạn tiền ăn hàng tháng mà cha mẹ nạp cho khiến các em phải cân nhắc thật kỹ việc chi tiêu của mình. Nên ăn gì, cân đối bữa ăn trong ngày như thế nào, mời bạn bè ra sao… để không hụt tiền ăn trong thẻ. Có em vì trót "hào phóng" đãi các bạn mấy chầu bánh ngọt và nước chanh mật ong mà tiền trong thẻ cạn sạch, trưa hôm sau đành phải "ghi nợ" canteen của trường và chờ bố mẹ thanh toán. Những em như vậy sẽ được thầy cô hướng dẫn, phân tích thêm về cân đối chi tiêu. Và một lần như vậy giúp em rút ra được “kinh nghiệm” quý báu cho việc quản lý tài chính cá nhân của mình.
Có em học sinh cấp 2 vui vẻ nói với giáo viên chủ nhiệm của mình: "Vừa rồi em tiêu hơi lố nên tiền trong thẻ bị hụt cô ạ. Tháng sau phải căn lại thôi, đau đầu phết!".
Thế đó, hào phóng với bạn quả là điều tuyệt vời, nhất là khi vẫn quản lý tốt được ngân sách của mình. Đây chính là bài toán chi tiêu, quản lý tài chính đầu đời mà các em được học.
Đúng là, sự học chẳng ở đâu xa, mà ở quanh, hiện hữu bên chúng ta hàng ngày....