Bữa cơm tối của gia đình tỷ phú

Lý Gia Thành có một quy tắc: dù có bận đến đâu, cả nhà cũng phải ăn cơm cùng nhau vào mỗi tối thứ hai hàng tuần.

Họ từng chia sẻ khung cảnh bữa cơm gia đình ấy trên một chương trình truyền hình, giúp hình ảnh gia đình tỷ phú trở nên gần gũi hơn trong mắt mọi người. Qua chương trình đó, chúng ta có thể thấy mỗi chi tiết nhỏ trên bàn ăn đều cho thấy phẩm chất con người.

Quả thực, thái độ của mỗi người đối với người thân cũng chính là mặt chân thực nhất của họ.

Trong bữa cơm, Lý Gia Thành và các con thoải mái trò chuyện, chia sẻ với nhau. Người cha sẽ luôn quan tâm lắng nghe cũng như cho các con lời khuyên. Có lẽ đấy chính là cách Lý Gia Thành dạy ra hai người con trai xuất sắc đến vậy.

Bên cạnh đó, cũng như khung cảnh bữa ăn nhà giàu chúng ta hay thấy trên phim truyền hình, thi thoảng người làm sẽ vào phòng ăn phục vụ họ. Mỗi lần như thế, cha con Lý Gia Thành đều vô cùng lịch sự, luôn miệng nói cảm ơn.

Bản chất con người được thể hiện rất rõ trong bữa ăn

Có rất nhiều điều một đứa trẻ có thể được dạy trên bàn ăn.

Ai đó đã nói, cách đàn ông chưa kết hôn đối xử với người phục vụ chính là cách họ đối xử với vợ mình sau này. Mặc dù câu nói đó có hơi cực đoan, nhưng ở một góc độ khác, ý nghĩa của nó cũng không hoàn toàn sai. Quả thực, lối hành xử của bạn với nhân viên phục vụ sẽ cho thấy tố chất, cách bạn được dạy dỗ và cả EQ của bạn. Điều này đúng trong cả các bữa ăn xã giao và những bữa cơm vui vẻ thoái mái bên người thân, bạn bè.

Ví dụ khi muốn giục lên món, chỉ chăm chăm mắng mỏ giục giã nhân viên có khi còn khiến tốc độ của họ chậm hơn. Người có EQ cao sẽ biết hỏi một cách lịch sự, nói những lời dễ chịu hoặc thậm chí là khen ngợi cổ vũ nhân viên mấy câu. Người nghe vui vẻ thì cũng sẽ muốn mang đồ cho bạn nhanh hơn, giục nhà bếp giúp bạn. Còn nếu thực sự không thể nhanh hơn được thì bạn cũng chẳng mất gì.

Cổ vũ và khen ngợi luôn có tác dụng tích cực với tất cả mọi người. Hành xử thân thiện còn giúp mọi người thấy được khả năng xử lý khi gặp tình huống căng thẳng của bạn.

Ngoài ra, trên mâm cơm cũng có nhiều điều cần để ý. Ví dụ như bạn nên để ý đến cảm nhận của người khác, chọn địa điểm thuận tiện nhất cho mọi người, nghĩ xem các món ăn có hợp khẩu vị mọi người không, cần sắp xếp chỗ ngồi như thế nào… 

Một người bạn làm giáo viên dạy phép tắc trên bàn ăn của tôi từng kể, từ nhỏ mẹ cô ấy đã dạy rằng, khi mời khách về nhà ăn cơm thì chủ nhà cần chú ý phối hợp với tốc độ ăn của khách. Khách chưa dùng bữa xong chủ nhà cũng không được đặt đũa xuống, bởi vì một khi chủ nhà kết thúc bữa ăn, khách sẽ ngại và không ăn tiếp nữa.

Bữa cơm gia đình của tỷ phú Châu Á Lý Gia Thành: Mỗi tiểu tiết đều ẩn chứa sự thật về con người bạn - Ảnh 2.

Sự chu đáo và tinh tế luôn ẩn trong từng chi tiết

Chuyện thị phi xung quanh những gia đình giàu có, các vấn đề, khó khăn hay bi kịch của "con nhà giàu" luôn khiến mọi người quan tâm. Đôi lúc người ta đặt ra câu hỏi tại sao các nhà tài phiệt tưởng như vô lo vô nghĩ lại có nhiều vấn đề đến thế? Trong khi đó, tỷ phú Châu Á đã dạy con như thế nào để con ông có thể trở thành những "siêu nhân" trong lĩnh vực của mình?

Thực ra lối dạy con của Lý Gia Thành, nguồn gốc của thành công cực kỳ đơn giản: hãy luôn để tâm và dành thời gian cho các con.

Và sau này khi có cháu rồi, ông lại nghe con kể chuyện dạy cháu và dặn con không được chiều quá để cháu hư. Phải cho bọn trẻ biết cái gì là đúng, cái gì là sai.

Lúc trước Lý Gia Thành dùng 99% thời gian tiếp xúc để dạy các con cách làm người. Sau này khi bọn trẻ đã khôn lớn, ông sẽ nói cả chuyện làm ăn với chúng. Ông dành 1/3 thời gian để bàn chuyện làm ăn, 2/3 thời gian còn lại vẫn tập trung dạy con đạo lý làm người.

Cuộc sống của gia đình tỷ phú từ khi các con ông còn nhỏ cũng không hề xa hoa, khác biệt, mà thực ra rất đơn giản. Con trai Lý Gia Thành nói anh cảm thấy rất may mắn. Cuộc sống gia đình họ đơn giản hơn mọi người nghĩ rất nhiều, nhưng đơn giản không có nghĩa là khổ, đơn giản là hạnh phúc.

"Đối với mỗi con người, dù sự nghiệp có thành công đến đâu, cũng không thể bù đắp được nỗi nuối tiếc từ thất bại trong việc giáo dục con cái." – Lý Gia Thành.