Hãng tin Reuters đưa tin ngày 4/1, mới đây, các bác sĩ tại một bệnh viện ở thủ đô Sanaa của Yemen đã vô cùng sốc khi tiếp nhận một bệnh nhân là cậu bé Faid Samim (7 tuổi) được đưa đến trong tình trạng kiệt sức và gần như không còn khả năng sống sót.

Samim dù đã 7 tuổi nhưng chỉ nặng vỏn vẹn chưa đến 7kg (không bằng cân nặng trung bình của em bé 1 tuổi). Cơ thể mỏng manh của em chỉ bằng gần 1/4 chiếc chăn bệnh viện gấp lại. Hình ảnh đứa trẻ da bọc xương nằm co rúm người trên chiếc giường của bệnh viện khiến bất kỳ ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa. Câu chuyện phía sau đó lại càng thêm đau lòng...

Bức ảnh cậu bé 7 tuổi nặng chưa đầy 7kg gầy giơ xương nằm co ro trên giường gây sốc, sự thật phía sau càng khiến nhiều người xót xa - Ảnh 1.

Samim dù đã 7 tuổi nhưng chỉ nặng vỏn vẹn chưa đến 7kg (không bằng cân nặng trung bình của em bé 1 tuổi). Hình ảnh cậu bé da bọc xương nằm co rúm người trên chiếc giường của bệnh viện khiến bất kỳ ai nhìn thấy cũng không khỏi xót xa.

Theo truyền thông địa phương, cậu bé Samim bị bại não nhưng không nêu rõ lý do. Gia đình cậu bé đã phải dốc hết sức lực, hạ quyết tâm vượt qua quãng đường dài 170km từ tỉnh Al-Jawf tới thủ đô Sanaa, Yemen, đi qua nhiều trạm kiểm soát và những con đường gồ ghề vì bom đạn chiến tranh để đưa cậu bé tới gặp bác sĩ và cầu mong phép màu xảy ra.

Rageh Mohammed, bác sĩ giám sát của khoa suy dinh dưỡng bệnh viện Al-Sabeen cho biết: "Cậu bé gần như đã chết khi đến được bệnh viện, chúng tôi đã làm những gì cần thiết trong khả năng và may mắn là em ấy đã dần hồi phục. Cậu bé bị chứng bại não và suy dinh dưỡng nghiêm trọng".

Bức ảnh cậu bé 7 tuổi nặng chưa đầy 7kg gầy giơ xương nằm co ro trên giường gây sốc, sự thật phía sau càng khiến nhiều người xót xa - Ảnh 2.

Gia đình Samim cho biết họ không đủ khả năng mua thuốc hay điều trị cho em nên phải cậy nhờ vào các khoản quyên góp để đưa con trai đi khám chữa bệnh.

Bác sĩ Rageh Mohammed cho biết các trường hợp suy dinh dưỡng ở Yemen đang ngày càng tăng và các bậc cha mẹ nghèo khó buộc phải dựa vào lòng tốt của những người lạ hoặc viện trợ quốc tế để đưa con họ đi chữa trị.

Nạn đói chưa bao giờ được chính thức tuyên bố ở Yemen dù cho cuộc chiến tranh xung đột kéo dài 6 năm đã khiến 80% dân số nước này phải sống phụ thuộc vào các nguồn viện trợ. 

Những cảnh báo của Liên Hợp Quốc vào cuối năm 2018 về nạn đói sắp xảy ra đã thúc đẩy một đợt tăng viện trợ. Nhưng sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng kiều hối giảm, nạn châu chấu, lũ lụt và nguồn viện trợ giảm trong năm 2020 đang làm trầm trọng thêm nạn đói.

Nguồn: Reuters