Vị trí bàn đầu trong lớp là "điểm nóng" mà nhiều bạn học sinh thường muốn tránh. Lý do là bởi ngồi đây dường như dễ bị "soi" hơn, dễ bị gọi đứng lên trả lời câu hỏi hơn. Vậy nên đối với nhiều người, việc ngồi cuối lớp sẽ giúp họ thoải mái hơn để làm những việc mà mình muốn.
Mới đây, mạng xã hội đang xôn xao về một bức ảnh lớp học nhìn lúc đầu có vẻ hết sức bình thường. Thế nhưng, điều đáng chú ý lại nằm ở khoảng trống "mênh mông" ngăn cách giữa bàn giáo viên và chỗ học sinh ngồi. Sự đối lập này đã nhanh chóng thu hút sự đồng cảm của nhiều "cựu" học sinh, sinh viên.
Bức ảnh chụp từ góc nhìn của giáo viên đã hé lộ một sự thật hài hước mà đau lòng: cả lớp học rộng rãi, thoáng mát, thế mà bốn dãy bàn đầu lại vắng tanh như chùa Bà Đanh. Phải chăng các bạn sinh viên đang thực hành bài học về "giãn cách xã hội" một cách nghiêm túc quá mức?
Chủ nhân của bức ảnh, đồng thời là giáo viên của lớp học hôm ấy, cũng chỉ biết cười trừ, chạnh lòng chia sẻ: "Đúng là khoảng cách xa nhất là khoảng cách từ bàn giáo viên tới chỗ học sinh ngồi".
Một số bình luận thú vị của dân mạng dưới bức ảnh:
- Mọi khoảng cách đều bị rút ngắn khi cô gọi lên bảng kiểm tra bài cũ.
- Đã từng ngồi bàn đầu và có những trải nghiệm như thế này: Em bàn đầu – cho cô mượn vở, em bàn đầu – không nói chuyện, em bàn đầu – lau bảng giúp thầy…Từng ấy năm, "em bàn đầu" thành tên của tôi luôn.
- Đúng là dù có là thời nào thì học sinh cũng sợ ngồi bàn đầu nhỉ, vị trí "đắc địa" vậy cơ mà.
- Chắc có một mình mình lạ đời thích ngồi đầu, hơi áp lực thật nhưng mà được buôn chuyện với thầy cô vui lắm.
- Này chắc tuỳ môn. Chứ xưa mình đi học có mấy môn mà giảng viên xịn, cứ tới tiết học đó là chen chật cứng thậm chí còn đứng cả hành lang để học vì bên trong hết chỗ luôn.
Nhiều bạn học sinh thường cảm thấy ái ngại khi được sắp xếp ngồi bàn đầu. Vị trí này, đối với họ, chẳng khác nào "tử địa" vì luôn nằm trong tầm ngắm của thầy cô. Cảm giác bị "soi" liên tục khiến các bạn thấy căng thẳng và lo lắng, cùng với đó là việc dễ bị gọi lên bảng bất chợt cũng khiến áp lực tăng lên gấp bội. Thậm chí, nhiều bạn còn cho rằng bàn đầu giống như "chân sai vặt" của thầy cô. Chính những áp lực tâm lý này đã khiến không ít bạn e ngại và tránh né vị trí ngồi đầu lớp, lo sợ rằng mình sẽ không thể tập trung học tập một cách hiệu quả.
Nhưng thực tế, dù ngồi đầu hay ngồi cuối thì điều quan trọng nhất vẫn nằm ở ý thức học tập của mỗi người. Nếu bạn chăm chỉ học tập thì ngồi ở vị trí nào cũng đều có thể ghi điểm tuyệt đối.
Ngồi bàn đầu cũng mang lại rất nhiều lợi ích chứ không hề đáng sợ như nhiều người vẫn tưởng. Thứ nhất, bạn có thể nghe được bài giảng và quan sát bảng rõ hơn, từ đó nắm bắt được trọn vẹn nội dung bài học. Thứ hai, việc ngồi gần thầy cô giúp bạn dễ dàng đặt câu hỏi khi gặp khó khăn, đồng thời nhận được sự quan tâm và hướng dẫn tận tình hơn. Hơn nữa, bạn cũng sẽ tránh được sự xao nhãng, ít bị phân tán bởi các yếu tố bên ngoài lớp học, nhờ đó tập trung cao độ và hiểu bài giảng hơn. Cuối cùng, việc luôn chủ động và chăm chỉ sẽ tạo ấn tượng tốt với thầy cô, từ đó thúc đẩy bạn cố gắng hơn trong học tập. Có thể nói, ngồi bàn đầu không chỉ giúp bạn tiếp thu kiến thức hiệu quả mà còn rèn luyện được nhiều đức tính tốt đẹp.
Còn bạn thì sao, bạn có thuộc "team bàn đầu" không?
(Tổng hợp)