Hội đồng của giải Hamdan International Photography Award (HIPA) danh tiếng vừa công bố những bức hình được đoạt giải của năm 2019, trong đó giải nhất thuộc về nhiếp ảnh gia người Malaysia - Edwin Ong Wee Kee với số tiền lên tới 120,000 USD.
Đây là một bức hình chụp tại Việt Nam, với một người mẹ bị khuyết tật đang bế 2 người con của mình. Bức hình này lập tức dấy lên những tranh cãi kịch liệt trong cộng đồng mạng, vì đây không phải là một khoảnh khắc tự nhiên mà đã có sự dàn dựng.
Giải thưởng HIPA năm nay có chủ đề là 'Hi vọng', và bức hình này đã thể hiện được rất rõ điều đó. Ban giám khảo bình về ảnh: "Bức hình mang tính nhân văn rất cao, thể hiện được tình yêu của người mẹ Việt Nam dành cho con của mình. Bà bị khuyết tật, nhưng vẫn luôn có niềm hi vọng vào những người con, giúp chúng có thêm niềm tin vào cuộc sống."
Bức hình này được tác giả Kee quảng bá như một hình đời thường, tức không có sự dàn dựng.
Theo tờ PDNPulse: "Trong giải thưởng về nhiếp ảnh lớn nhất Thế giới, nhà nhiếp ảnh gia người Malaysia đã tạo ra một cú hit lớn với bức hình của mình trong một chuyến đi tới Việt Nam. Mặc dù là một bác sĩ ngành Đông y, nhưng ông Kee vẫn có niềm đam mê nhiếp ảnh mãnh liệt. Hình ảnh này được ông chụp trong một lúc dừng chân bên đường và không hề có sự dàn dựng."
Nhưng trong một hình ảnh hậu trường được đăng tải bởi Ab Rashid, thì ta có thể thấy được rõ ràng bức hình đoạt giải đã được lên kế hoạch, tạo dáng rất rõ ràng. Thậm chí trong khung hình còn có rất nhiều nhiếp ảnh gia khác cũng đang chụp chung chứ không chỉ có ông Kee.
Trang Picsofasia viết: "Ta có thể thấy được một nhóm nhiếp ảnh gia nước ngoài, đứng quanh ở một điểm, chụp cùng một chủ thể. Người đàn bà trong ảnh có vẻ cũng đang tạo dáng cho họ chụp, rất có thể là một người mẫu được trả tiền giúp cho các nhiếp ảnh gia này không phải đi tìm những khoảnh khắc chân thực."
Hơn 80% độc giả tại Petapixel cho rằng bức hình này không xứng đáng để nhận giải HIPA
Dù vậy cũng phải nói rằng, giải thưởng HIPA không phải là giải về nhiếp ảnh báo chí, nên hình trên không phạm bất cứ điều luật nào. Thế nhưng việc một hình ảnh đoạt giải thưởng nhiếp ảnh danh giá, với số tiền lên tới 120.000 USD là ảnh dàn dựng đã làm nhiều nhiếp ảnh gia tức giận. Đây không phải là ảnh đời thường, thì liệu ý nghĩa, giá trị nội dung của nó còn được nguyên vẹn?
Theo một nguồn tin giấu tên, ta biết được rằng người phụ nữ trong ảnh không phải là người mẫu được thuê mà là người dân tại vùng chụp hình, nhưng đã được các nhiếp ảnh gia người Malaysia giữ lại để tạo dáng cho họ chụp hình. Lời miêu tả này làm ta nhớ tới một bức hình được chia sẻ bởi A. M. Ahad vào tháng 1 năm ngoái, có cảnh rất nhiều người đang chụp một cậu bé đang nhoài người ra khỏi cửa sổ tàu hỏa để cầu nguyện.