Trong vòng 25 năm qua, thế giới đã có thêm nhiều người có cơ hội tiếp xúc với nguồn nước sạch nhưng sự chênh lệch giữa các vùng miền vẫn chênh lệch rất đáng kể.
Theo đó, trên toàn cầu hiện có 663 triệu người không có nước uống. Đây được coi là sự bất công nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ em bởi đây đối tượng bị ảnh hưởng chính bởi bệnh tật gây ra với 1 trẻ tử vong mỗi phút.
Các số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, các nước nghèo ở châu Phi là những quốc gia ít được sử dụng nước đầy đủ nhất.
Tiêu biểu như ở Nigeria, một gia đình 5 người chỉ được dùng 60 lít nước mỗi ngày. Nơi đây có tới 8 triệu người thiếu nước sạch. Trong khi đó, theo Cơ quan bảo vệ môi trường tại Mỹ, một gia đình 3 người tiêu thụ trung bình 1.000 lít nước chỉ trong 24 giờ.
Việc dân số phát triển quá nhanh đang khiến Ấn Độ trở thành quốc gia khó khăn trong vấn đề nước sạch. Nước này đang nặng gánh khi phải xử lý các vấn đề về nước sinh hoạt. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước đang đưa quốc gia Nam Á này bước lên ngưỡng báo động đỏ về nước sinh hoạt.
Ở đây, một gia đình 7 người chỉ dùng 220 lít nước mỗi ngày khiến cho các loại bệnh như tiêu chảy, ngộ độc tăng nhanh chóng mặt. Theo thống kê, có khoảng 1.600 người chết mỗi ngày do tiêu chảy.
Một gia đình ở khu vực Nadia cho biết, ngoài tự đào giếng bơm tay ở nhà, cô con dâu còn phải đi gánh nước xa 40 lần mỗi ngày để đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho cả nhà. Tuy vậy, nước ở đây rất nhiều tạp chất, phát ra mùi hôi thối và gây bệnh da liễu thường xuyên.
Ở Myanmar, vào mùa mưa các hộ dân thường lấy nước sinh hoạt từ giếng, ao. Những nguồn này tuy dồi dào nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật rất cao.
Còn vào mùa hè, những nơi này hoàn toàn khô cạn, và lượng nước được tiêu thụ trong gia đình 4 người chỉ dừng ở mức 100 lít mỗi ngày.