Chiến tranh luôn là điều mà không ai mong muốn, bởi nó đem đến cho người ta sự chia ly, loạn lạc, đói khát và chết chóc. Bên cạnh những tác phẩm văn học, những bộ phim tài liệu về chiến tranh, thì những nhiếp ảnh gia chiến trường cũng góp phần không hề nhỏ vào việc giúp cho mọi người trên thế giới hiểu được sự khốc liệt và tàn bạo của những cuộc giao tranh. Những khoảnh khắc kinh hoàng và chân thực đó khiến cho người xem dù không tận mắt chứng kiến nhưng cũng bị ám ảnh đến mãi về sau.
Một trong những bức ảnh thời chiến nổi tiếng nhất là Ngày thứ bảy đẫm máu, một bức ảnh đen trắng được xuất bản tại Trung Quốc vào tháng 10/1937 đã khiến người xem không khỏi xúc động và bị ám ảnh. Bức ảnh sau đó đã được phát hành trên các trang báo nước ngoài và trên các chuyến bay của Pan American World Airlines, và chỉ trong vòng một tháng đã tiếp cận được 136 triệu người trên toàn thế giới.
Bức ảnh chụp một em bé với thân thể cháy sém và đang ngồi khóc trên đống đổ nát ở nhà ga Nam Hải. Tác giả bức ảnh nổi tiếng này là một nhiếp ảnh gia của Hearst Corporation H. S. "Newsreel" Wong, còn được gọi là Wong Hai-Sheng hoặc Wang Xiaoting, đã chụp lại ngay sau khi máy bay của phát xít Nhật ném bom xuống nhà ga vào ngày 28/8/1937.
Wong là một nhiếp ảnh gia Trung Quốc sở hữu một cửa hàng máy ảnh ở Thượng Hải. Ông đã chứng kiến và chụp lại rất nhiều những khung cảnh đáng sợ của các cuộc dội bom, không kích mà quân đội Nhật đã gây ra ở Thượng Hải. Vào 4 giờ chiều ngày 28/8/1937, ông đang đứng trên sân thượng một tòa nhà gần đó khi thấy 16 máy bay IJN bao vây và ném bom xuống nhà ga Nam Hải. Ngay sau đó, Wong đã lái xe đến nhà ga đổ nát và lưu lại rất nhiều những khoảnh khắc hoang tàn, đổ nát tại đó. Trong những bức ảnh đã được công bố của ông, bức ảnh "Ngày thứ bảy đẫm máu" đã trở nên vô cùng nổi tiếng.
Ông chia sẻ trên một tạp chí rằng: "Đó là một cảnh tượng vô cùng khủng khiếp. Mọi người vẫn đang cố gắng đứng dậy sau vụ ném bom. Người chết và bị thương nằm rải rác khắp trên đường ray và sân ga. Tôi nhận thấy rằng đôi giày của tôi đang ướt đẫm máu. Tôi đi bộ khắp nơi, quan sát và chụp lại rất nhiều cảnh tượng kinh hoàng. Sau đó, tôi thấy một người đàn ông bế một em bé từ đường ray lên bục ngồi rồi quay lại để cứu một đứa trẻ bị thương nặng khác. Cạnh đó là một người phụ nữ đã chết. Tôi nhanh chóng chụp lại cảnh đứa bé ngồi trên bục thì thấy có tiếng máy bay quay trở lại. Tôi chạy về phía đứa bé, định bế nó đến nơi an toàn nhưng người cha đã kịp chạy đến trước. Máy bay lúc này đã ở trên đầu, tuy nhiên rất may rằng không có quả bom nào được thả xuống nữa."
Bức ảnh đã kích thích một làn sóng phẫn nộ chống lại bạo lực và chiến tranh của Nhật tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều người đã cáo buộc bức ảnh là giả mạo và Wong chính là người đã sắp đặt, dàn cảnh cho bức ảnh nổi tiếng này. Tạp chí Life sau đó đã đăng thêm một bức ảnh đứa bé được nằm trên cáng và đang được sơ cứu để phản đối lại luận điểm trên.
Hình ảnh này sau đó được độc giả trên tạp chí Life bình chọn là một trong "10 bức ảnh của năm 1937". Vào năm 1944, những bức hình của Wong về vụ ném bom đã được sử dụng trong bộ phim Frank Capra The Battle of China. Nhà báo Harold Isaacs đã gọi đây là hình ảnh mang tính biểu tượng và là một trong những bức ảnh tuyên truyền thành công nhất mọi thời đại.
(Tổng hợp)