Cổ tử cung là phần dưới cùng của tử cung. Nó sẽ mở ra khi người phụ nữ sinh con thông qua một quá trình làm mềm và rút ngắn gọi là giãn mở cổ tử cung hay gọi nôm na là quá trình chuyển dạ. Trong quá trình này, cổ tử cung sẽ giãn rộng ra để có thể đưa em bé đi ra qua đường âm đạo. Và mức giãn mở rộng tối đa của nó là khoảng 10cm để việc sinh nở được dễ dàng hơn.

Mới đây một hình ảnh minh họa về điều này đã gây sốt mạng xã hội. Cụ thể, hình ảnh cho thấy một bảng gỗ với 6 vòng tròn được khắc trên đó. Mỗi vòng tròn ghi chú rõ có đường kính bao nhiêu cm. Vòng tròn lớn nhất rộng 10 cm, khá là lớn và được so với kích cỡ đầu của em bé khi chui ra ngoài. 

10cm đó là độ lớn mà tử cung của người phụ nữ giãn nở trước khi được các bác sĩ và y tá khuyến khích rặn đẻ trong quá trình sinh nở. Thêm nữa, 10 cm là thời điểm bắt đầu có thể rặn, không phải là phép đo cuối cùng. Cổ tử cung vẫn có thể tiếp tục mở rộng để có chỗ cho đầu của trẻ sơ sinh.

Bức ảnh khiến hội chị em sinh thường muốn "khóc thét", vừa ám ảnh vừa cảm thấy quá kì diệu - Ảnh 1.

Không ít những người mẹ xem xong hình ảnh này đều vô cùng bất ngờ, vừa ám ảnh vừa cảm thấy quá đỗi kì diệu. Để chào đón con ra đời, mẹ đã phải nỗ lực và cố gắng thế nào, bất chấp việc thay đổi từ thể chất tới tinh thần. Tuy vậy, thành quả ngọt ngào nhất chính là mẹ tròn con vuông.

"Nghĩ lại giai đoạn đi đẻ mà rùng mình, thật sự rất đau, lúc nằm chờ đẻ thường mình chỉ muốn được đổi phương pháp mổ ngay vì đau quá", "Đúng là không thể hình dung được cổ tử cung lại giãn nở từng này, đáng sợ quá rồi", "Không biết động lực nào mà mình đẻ những 4 lần các mẹ ạ", "Nhìn mà thương những người mẹ, người vợ, quá là kì diệu, chúng ta cần biết ơn sự hy sinh ấy"... là loạt bình luận bên dưới bức ảnh. 

Một số bức ảnh giúp mẹ hình dung về độ giãn nở tử cung lúc sinh con.

Các giai đoạn chuyển dạ và sự giãn nở của cổ tử cung

Khi bạn bắt đầu có những cơn co thắt, có nghĩa là cổ tử cung bắt đầu giãn mở và bạn sắp sửa lâm bồn. Quá trình này thường diễn ra theo 3 giai đoạn:

1. Chuyển dạ sớm (cổ tử cung mở 1 − 3cm)

Trong giai đoạn chuyển dạ này, bạn sẽ cảm thấy các cơn co thắt tử cung. Chúng có thể vẫn còn nhẹ và không thường xuyên. Lúc này, cổ tử cung của bạn đang tập trung vào việc làm mềm, rút ngắn và bắt đầu mở nhẹ.

Đây được xem là giai đoạn chuyển dạ dài nhất. Vì vậy, bạn cứ tiếp tục các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, lắc lư hoặc nghỉ ngơi giữa những cơn co thắt. Bạn cũng có thể thấy một chút dịch tiết âm đạo có màu hơi hồng.

Đặc điểm của giai đoạn chuyển dạ sớm:

- Chuyển dạ sớm sẽ kéo dài khoảng 8 - 12 giờ.

- Cổ tử cung của bạn sẽ làm mềm và giãn ra đến 3cm.

- Các cơn co thắt sẽ kéo dài khoảng 30 - 45 giây/cơn, và bạn được nghỉ ngơi từ 5 - 30 phút giữa các cơn co thắt.

- Các cơn co thắt thường nhẹ và không đều nhưng ngày càng mạnh hơn và thường xuyên hơn.

- Bạn có thể cảm thấy như đau ở lưng dưới, đau bụng như khi đến kỳ kinh nguyệt và cảm thấy bị thắt chặt ở vùng xương chậu.

- Bạn có thể bị vỡ ối bởi điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

2. Chuyển dạ tích cực (cổ tử cung mở 3 − 7cm)

Đây là thời điểm các cơn co thắt sẽ trở nên mạnh hơn, theo quy luật và có thể dự đoán được. Lúc này, cổ tử cung của bạn đang hoàn thành quá trình làm mềm, rút ngắn và tiếp tục mở dần ra. Bạn hãy nhớ thường xuyên thay đổi vị trí đứng - ngồi - nằm, uống nước, đi bộ (nếu có thể) và đi vệ sinh khi cần. Không có gì lạ khi bạn thấy có một chút máu bởi nó là một phần của giai đoạn chuyển dạ tích cực.

Đặc điểm của giai đoạn chuyển dạ tích cực:

- Giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng từ 3 - 5 giờ.

- Cổ tử cung sẽ giãn ra từ 3 - 7cm.

- Các cơn co thắt trong giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng 45 - 60 giây một cơn, và có 3 - 5 phút nghỉ ngơi ở giữa hiệp.

- Bạn sẽ cảm thấy các cơn co thắt ngày càng mạnh và lâu hơn.

- Đây là thời điểm thích hợp để bạn và gia đình đi đến bệnh viện.

3. Chuyển dạ chuyển tiếp (cổ tử cung mở 7 − 10cm)

Đây là giai đoạn mà các cơn co thắt trở nên mạnh nhất và kéo dài lâu nhất. Tại thời điểm này, cổ tử cung của bạn hoàn thành quá trình rút ngắn và mở rộng hoàn toàn, có nghĩa là 10cm.

Giai đoạn chuyển tiếp là giai đoạn thách thức nhất, nhưng cũng là giai đoạn ngắn nhất của quá trình sinh nở. Bạn có thể cảm nhận được áp lực nơi trực tràng bởi em bé đã đến rất gần vị trí cửa mình của mẹ.

Đặc điểm của giai đoạn chuyển dạ chuyển tiếp:

- Quá trình này sẽ kéo dài khoảng 30 phút cho đến 2 giờ.

- Cổ tử cung của bạn sẽ giãn từ 8cm đến 10cm.

- Mỗi cơn co thắt trong giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng 60 - 90 giây, và có thời gian nghỉ 30 giây - 2 phút ở giữa mỗi đợt co thắt.

- Các cơn co thắt dài, mạnh, dữ dội và có thể chồng lên nhau.

- Đây là giai đoạn khó khăn nhất nhưng cũng là giai đoạn ngắn nhất.

Khi 3 giai đoạn chuyển dạ kết thúc cũng có nghĩa là bạn đã vượt cạn thành công. Lúc này, các bác sĩ sẽ cho bạn được da kề da với con của mình, còn bạn thì đã có thể thở phào nhẹ nhõm.