Cống hiến trọn đời cho nền giáo dục nước nhà, GS.TSKH, Nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Sính đã truyền nguồn cảm hứng, say mê nghiên cứu khoa học cho nhiều thế hệ học trò.
GS - TSKH Hoàng Xuân Sính sinh năm 1933 ở làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội (nay là P. Yên Hòa, Q.Cầu Giấy). Sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 ở Trường THPT Chu Văn An, bà sang Pháp du học tại Trường ĐH Toulouse. Cô gái làng Cót đã làm cho cả nước Pháp kinh ngạc khi thi đỗ Thạc sĩ vào năm 26 tuổi. Bằng Thạc sĩ thời đó ở Pháp chỉ có con cháu 2 dòng họ danh giá Marie Curie và Langevin mới có dám thi thố và có cơ may. Việc Hoàng Xuân Sính lấy được bằng Thạc sĩ là vinh dự không chỉ dành cho người Việt, người Đông Dương mà còn cho cả Đại học Toulousse trứ danh.
Sau đó, bà tiếp tục là nữ Tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam khi bảo vệ thành công luận án trước Hội đồng khoa học thế giới tại Pháp, với sự hướng dẫn của nhà toán học nổi tiếng thế kỉ XX là Giáo sư Alexander Grothendieck và trở thành nữ Giáo sư - Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam. Đồng thời bà cũng là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ quốc gia về Toán học tại đây.
Đứng giữa ngã ba đường, một bên là tiếp tục học tập và nghiên cứu tại nước ngoài, một bên là trở về Việt Nam, người phụ nữ ấy không ngần ngại lựa chọn về phụng sự đất nước. "Đi nước ngoài là để học lấy kiến thức. Cần phải trở về xây dựng đất nước, bằng bất cứ giá nào", bà tâm niệm.
Bà Sính là nữ Giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam; đại biểu Quốc hội khóa VII (năm 2004); Phó chủ tịch Đoàn chủ tịch MTTQ Việt Nam khóa VI (năm 2004), Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (nhiệm kỳ 1987 - 1992) là Nhà giáo Nhân dân và tác giả nhiều cuốn sách giáo khoa toán phổ thông và đại học.
Ngoài việc nghiên cứu và giảng dạy Toán học, GS Hoàng Xuân Sính còn là người góp phần chủ yếu vào việc đề xuất hình thành Giải thưởng Kovalevskaya trao tặng cho các nhà khoa học nữ xuất sắc ở Việt Nam.
Bà cũng xuất bản nhiều đầu sách quen thuộc với các thế hệ Việt Nam như Đại số đại cương, Bài tập Đại số tuyến tính...
Người suốt đời gắn bó với giáo dục
Năm 1959, bà về nước và giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chính bà là người sáng lập trường đại học dân lập đầu tiên của Việt Nam - trường Đại học Thăng Long.
Được biết, GS Hoàng Xuân Sính đã trực tiếp thảo bức thư gửi Bộ GD&ĐT cho mở thí điểm mô hình trường ngoài công lập và ký tên 5 nhà Toán học. Tất nhiên không ai trả lời. Vì vậy GS. Hoàng Xuân Sính quyết định liều đến "gõ cửa" Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. "Tôi chỉ nói với cố Tổng Bí thư là chỉ xin mở trường chứ không xin tiền. Rồi tôi đến xin Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó đang là Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (Phó Thủ tướng) phụ trách khoa học, giáo dục. Tôi nghĩ thế là tôi đã làm xong bổn phận của mình" - Bà Sính cho hay.
Nhưng bất ngờ, sau khi có ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tháng 12/1988, Ban Khoa giáo Trung ương (bây giờ là Ban Tuyên giáo TW) mời bà đến nói chuyện. Sau đó lại đến Bộ GD&ĐT nghe bà trao đổi về ý tưởng trường đại học ngoài công lập.
Ngày 15/12/1988 trường chính thức ra đời với tên Trung tâm ĐH Thăng Long. Ra Tết năm 1989, sau khi xin được một ít tiền của người em Việt Kiểu về ăn tết, GS. Hoàng Xuân Sính đã tổ chức lễ khai giảng đầu tiên của trường ĐH Thăng Long tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, khách mời có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc đó là bà Nguyễn Thị Tâm Đan, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là GS. Trần Hồng Quân…
Ở tuổi ngoài 90, GS Hoàng Xuân Sính vẫn giữ thói quen dậy sớm, tập thể dục, đọc báo tiếng Việt, tiếng Pháp để nắm bắt tin tức, xu hướng đào tạo trong nước và thế giới. Đặc biệt, bà vẫn tới Trường ĐH Thăng Long để điều hành việc giảng dạy, đào tạo… và giúp đỡ các nghiên cứu sinh.
Bà thường khuyên con, cháu rằng, phải sống lương thiện và có trách nhiệm với công việc, gia đình, xã hội. Không nhất thiết phải làm "ông nọ, bà kia" nhưng nhất định làm việc có trách nhiệm, phải nghĩ đến người khác, phải đặt mình vào vị trí của người khác.
Đặc biệt, GS Sính luôn lưu tâm, nhắc cháu mình phải học ngoại ngữ. Bởi học ngoại ngữ không chỉ giúp chúng ta tự tin giao tiếp mà còn giúp tiếp cận được với nguồn tri thức bao la của nhân loại.