Tuổi trẻ tươi sáng, đầy màu sắc, đó là thời kỳ vàng son của sự trưởng thành của một con người, đó cũng là một quá trình cần thiết của sự tìm tòi và thử nghiệm không ngừng, không ngừng mắc sai lầm, không ngừng thất bại nhưng cũng không ngừng cải tiến. 

Ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp như vậy, có 1 đứa trẻ không thể tận hưởng niềm vui, thay vào đó lại phải đưa ra một lựa chọn đau lòng khiến cuộc đời tàn lụi. Đó là câu chuyện của Khả Nguyệt (tên nhân vật đã được thay đổi) - một nữ sinh 14 tuổi ở Thượng Hải (Trung Quốc).

Cách đây không lâu, Khả Nguyệt đã chọn kết thúc cuộc sống của mình. Lý do nào khiến cô bé đưa ra lựa chọn này? Khả Nguyệt từng để lại một lá thư tuyệt mệnh dài ba trang, đọc xong có lẽ chúng ta sẽ tìm được câu trả lời.

Bức thư tuyệt mệnh của nữ sinh 14 tuổi khiến hàng triệu cha mẹ rúng động: "Nếu có kiếp sau, mong rằng chúng ta đừng gặp nhau nữa" - Ảnh 1.

Khả Nguyệt đã chọn kết thúc cuộc sống của mình

Một bông hoa tươi tắn tàn lụi dần vì kỳ vọng quá mức

Khả Nguyệt là học sinh cấp 2, được cô giáo nhận xét trầm tính, lễ phép và học giỏi. Trong mắt mọi người, em cũng là "con của người ta". Nhưng em kiên quyết lựa chọn rời khỏi thế giới này, và lý do đằng sau nó thật đáng sợ.

"Con rất vinh dự được gặp hai người trong cuộc hành trình chỉ có một lần trong đời này. Nếu có kiếp sau, chúng ta không nên gặp lại nữa". Đây là câu đầu tiên trong lá thư tuyệt mệnh, rõ ràng là gửi cho cha mẹ. Điều gì khiến cô bé “vô cảm” với bố mẹ ruột đến vậy?

Được biết, cha mẹ đã đặt ra những yêu cầu rất cao đối với Khả Nguyệt từ khi còn nhỏ. Khả Nguyệt phải là người giỏi nhất trong học tập cũng như các khía cạnh khác. "Nếu con không vào top 10 của lớp, cha mẹ sẽ không yêu con". Đây chính là cảm nhận trực tiếp nhất của Khả Nguyệt về “tình thương”của bố mẹ.

"Một cái tát vào mặt đau nhất, sau đó là mu bàn tay, sau đó là cánh tay, cuối cùng là đùi", câu khác trong bức thư của Khả Nguyệt. Có vẻ như cô bé không chỉ phải chịu những yêu cầu gần như khắc nghiệt từ cha mẹ mà còn phải chịu những hình phạt bạo lực về thể xác.

Trong thư tuyệt mệnh, Khả Nguyệt thậm chí còn trấn an bố mẹ rằng cô sẽ không chết ở nhà và biến ngôi nhà thành ngôi nhà ma ám; cô bé còn nhờ bố mẹ giúp trả lại số sách đã mượn và không đối xử với anh trai như cách đối xử với chính mình... Tình yêu và sự thấu hiểu đó lặng lẽ trôi qua giữa những dòng chữ của bức thư tuyệt mệnh này, điều này chỉ khiến người ta càng đau lòng hơn.

Không ai trong chúng ta muốn chứng kiến chuyện như thế này xảy ra, nhưng thật không may, cô gái nhỏ này không phải là trường hợp hiếm hoi. Ngày nay, trong thanh thiếu niên, xu hướng trầm cảm dẫn đến hành vi tự sát ngày càng gia tăng.

Trên đời này có cha mẹ nào không yêu thương con mình không? Có lẽ sẽ có. Nhưng đại đa số cha mẹ đều yêu thương con cái, song nhiều người cũng yêu con theo cách của họ chứ ít khi đặt vào vị trí con cái mình. Họ nhân danh tình yêu mà đủ kiểu khiển trách, mắng mỏ con, thậm chí sử dụng cả đòn roi. Nếu là tình yêu thì tại sao lại tạo ra những trạng thái đau đớn đến vậy?

Những phẩm chất cần thiết để làm cha mẹ

Cha mẹ là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của con cái. Nhưng trên thực tế, có bao nhiêu phụ huynh chủ động nghiêm túc học tập để trở thành giáo viên giỏi cho con mình? Họ chỉ giáo dục con cái theo những cái gọi là truyền thống, như yêu cầu khắt khe, chỉ phê bình mà không khen ngợi, đánh mắng nếu trẻ không vâng lời, v.v.

Đây không phải là giáo dục trẻ mà giống như kỷ luật tù nhân hơn. Giáo dục gia đình thực sự là một khoa học có hệ thống, có ý tưởng và phương pháp. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải có ý thức học tập, sử dụng các quan niệm và phương pháp giáo dục khoa học để thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với con cái, mang đến cho con một tuổi thơ khỏe mạnh, tốt đẹp hơn.

Tôn trọng là điều kiện tiên quyết của tình yêu

Ở những gia đình có mối quan hệ cha mẹ con cái không tốt, cha mẹ thường thiếu sự tôn trọng cần thiết đối với con cái, thường chú trọng vào việc ra lệnh và phục tùng, thiếu sự giao tiếp, trao đổi bình đẳng. Cha mẹ cho rằng con còn quá nhỏ, chưa nhạy bén nên chỉ cần bảo con phải làm gì. Trẻ em không được phép đặt câu hỏi chứ đừng nói đến việc bác bỏ. Trong môi trường bất bình đẳng và thiếu tôn trọng như vậy, nhiều ý tưởng, cách thể hiện của trẻ đã bị dập tắt.

Dù tâm trí của trẻ chưa đủ trưởng thành nhưng chính vì điều này mà đây là cơ hội tốt để cha mẹ thực sự hiểu được suy nghĩ thực sự của con mình. Và chỉ khi thực sự hiểu được suy nghĩ của trẻ, chúng ta mới có thể tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và giải pháp đúng đắn.

Không có cha mẹ nào luôn đúng và không có con cái nào luôn sai, chỉ có tôn trọng trẻ thì cha mẹ mới có được sự tôn trọng, thấu hiểu và hợp tác của chúng. Lúc này, đứa trẻ sẽ trở thành một người tự tin, tự chủ và độc lập trong tương lai chứ không phải là một công cụ ngoan ngoãn, phục tùng và phụ thuộc.

Nhiều bậc cha mẹ phải đau đầu vì con ở tuổi vị thành niên nổi loạn, thậm chí họ còn cho rằng đây là giai đoạn trưởng thành tất yếu của mỗi đứa trẻ, nhưng thực tế không phải vậy. Nhiều trẻ em không bộc lộ hành vi nổi loạn sau khi đến tuổi thiếu niên vì cha mẹ chúng đã dành cho con đủ sự tôn trọng từ khi còn nhỏ. Trẻ em có thể giao tiếp với cha mẹ một cách bình đẳng và bày tỏ suy nghĩ của mình như mọi khi. Cha mẹ cho con nhiều lời khuyên hơn là ra lệnh.

Ngược lại, nếu một đứa trẻ từ nhỏ không nhận được đủ sự tôn trọng thì dù có bị đối xử sai trái thì nó cũng sẽ không thể phản kháng được. Khi đến tuổi thiếu niên, trẻ dần dần hình thành quan điểm của riêng mình về mọi việc, có khả năng bác bỏ những quan điểm sai trái lâu đời của cha mẹ, kiểu hành vi nổi loạn này sẽ tự nhiên xảy ra.

Thay vì tỏ vẻ trịch thượng và ra lệnh cho con cái, tốt hơn hết bạn nên suy nghĩ kỹ làm thế nào để giao tiếp tốt với con và giải quyết những vấn đề hiện tại. Khi tức giận hãy ra ngoài 5 phút. Đợi tâm trạng của bố mẹ và đứa trẻ ổn định lại, hãy quay lại nói chuyện với con một cách nhẹ nhàng. Lúc này, trẻ đã dễ nghe lời mẹ hơn, dễ đạt được sự đồng thuận.

Nhiều người nói rằng họ cảm thấy không thể thay đổi tính khí thất thường của mình, sở dĩ như vậy là do bạn đã đặt trước những gợi ý tâm lý cho bản thân, nghĩ rằng "mình không thể thay đổi được". Hãy cố gắng nỗ lực, bạn sẽ thấy rằng việc kiểm soát cảm xúc không khó như mình nghĩ.

Dạy bằng hành động có ý nghĩa hơn lời nói

Trước đây có một bản tin: Một đứa trẻ lén lấy trộm của bà nội 200 ngàn đồng để chơi game, sau khi bố mẹ cậu bé biết được, họ quyết định cho con dùng thời gian cuối tuần đi nhặt phế liệu kiếm tiền trả lại cho bà nội. Vào cuối tuần, bố mẹ sẽ cùng con nhặt và bán chúng cho các vựa tái chế. Đây là cách làm của những bậc cha mẹ có tầm nhìn xa và khôn ngoan.

Người lớn vì sao lại thích nói đạo lý với con cái? Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng chủ yếu, vẫn là vì chúng ta lười. Nói thì đơn giản, có miệng là nói được. Nhưng chúng ta lại xem nhẹ một thực tế: Nói thì dễ, làm mới khó. Để thực sự cho trẻ hiểu cách làm một việc gì đó, cha mẹ cần tự làm và hướng dẫn trẻ bằng các hành động. Ngay cả khi bạn nói với con mình 100 lần cũng không hiệu quả hơn việc để chúng tự trải qua thất bại và rút ra bài học.

Có một câu nói như này: Những lý luận trống rỗng sẽ không bao giờ có thể chạm đến trái tim của một đứa trẻ. Một sự giáo dục tốt cần có hành động từ chính cha mẹ. Nếu chỉ biết nói, rõ ràng sẽ không đủ sức thuyết phục, chỉ cần bản thân bạn làm tốt điều đó, bạn tự nhiên sẽ hình thành nên một môi trường tạo ra ảnh hưởng tốt đến con.