Quán nằm trên đường Võ Thị Sáu, ngay ngã tư Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng. Nếu chạy Hai Bà Trưng xuống, chỉ cần rẽ phải là sẽ thấy ngay quán bún cá Châu Đốc, vì quán tuy nhỏ, nhưng chỉ cách góc ngã tư này có 2 căn nhà mà thôi. Bún cá Châu Đốc nổi tiếng là món ăn đậm đà nhiều vị. Để nấu được một tô bún cá ngon, người nấu phải thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ. Nước dùng của bún cá được nấu bằng nước luộc cá, cá sử dụng phải là loại cá lóc. Nghệ tươi băm nhuyễn, sả đập và mắm ruốc đã lọc được nước trong là những thành phần không thể thiếu để có một nồi bún cá Châu Đốc đúng điệu - vốn chinh phục dân miền Tây Nam Bộ bao nhiêu năm qua. 
 
Bún cá Châu Đốc thơm nức ngày chuyển mùa 1
Quán bún cá khá khiêm tốn chỉ có hai chiếc bàn con nhưng rất dễ tìm vì nằm ngay ngã tư lớn.
 
Bún cá ở quán có nước lèo cá rất ngọt, nghệ còn giữ được xác nhỏ li ti trong tô, chứng tỏ quán sử dụng của nghệ tươi nguyên chất chứ không phải nghệ bột. Lớp mỡ trong nước lèo chỉ mỏng nhẹ, vừa đủ sức giữ nóng mà không gây ngán cho thực khách. Nước lèo có mùi vị đậm đà. Món bún cá sẽ ngon hơn khi bạn cho vào đây một ít ớt bột. Ớt bột là gia vị nêm nếm không thường có ở các quán hủ tiếu, bún mì…nhưng đi ăn bún cá Châu Đốc mà thiếu ớt bột thì xem như món ăn mất đi một nửa vị ngon. 

Bún cá Châu Đốc thơm nức ngày chuyển mùa 2
Một tô bún cá Châu Đốc thơm nức mũi, vị nước lèo đậm đà.

Món cá dùng trong bún cá Châu Đốc phải là cá lóc, nạc cá tách xương tỉ mỉ, xào sơ với nghệ để có màu vàng đẹp và mùi thơm. Ngoài nạc cá, nhiều khách còn gọi một cái đầu cá ăn kèm. Đầu cá lóc đặt trên đĩa nước mắm ngon có chút ớt xanh, dùng đũa xẻ từng ngõ ngách để ăn lấy phần thịt ngọt, săn chắc của cá lóc đúng là một phong cách thú vị. Ngoài ra, một món ăn kèm không thể thiếu trong tô bún cá Châu Đốc phải kể đến là thịt heo quay. Heo quay phải là loại vừa có nạc, vừa có mỡ và da giòn nhẹ. Thoạt nghe, thịt heo quay ăn cùng bún cá có vẻ “không liên quan”, nhưng chỉ khi nếm thử bạn mới thấy sự ăn ý của chúng. 
 
Bún cá Châu Đốc thơm nức ngày chuyển mùa 3
Đĩa thịt nạc cá và đầu cá trong tủ kính đã được xào sơ với nghệ. Khách có thể chọn ăn nạc cá hoặc đầu cá tùy sở thích. 
 
Bún cá Châu Đốc thơm nức ngày chuyển mùa 4
Nạc cá dày, ngọt, chắc thịt, đã được lọc hết xương. Một tô có khoảng 10 cục thịt nạc cá như thế này
 
Sở dĩ chỉ sử dụng cá lóc cho món ăn này, một phần vì cá lóc là loại cá có thể xem là đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Thứ hai, cá lóc thịt chắc, ít xương, ăn không bở ngán, đầu cá lóc cũng nhiều thịt hơn một số loại cá nước sông khác.
 
Bún cá Châu Đốc thơm nức ngày chuyển mùa 5
Rau ăn kèm 
 
Bún cá Châu Đốc thơm nức ngày chuyển mùa 6
Bông điên điển - thức ăn kèm không thể thiếu cho món bún cá Châu Đốc.
 
Rau ăn kèm bún có các loại rau thơm, rau muống bào, diếp cá, bắp chuối bào và đặc biệt là bông điên điển. Bông điên điển - loại rau ăn kèm đậm chất miền Tây sông nước. Những bông điên điển nhỏ chỉ cỡ lóng tay, màu cam tươi, ăn vào lúc sống có vị chát nhẹ, khi trụng vào tô nước dùng nóng thì mềm, nhai ra có vị ngọt thơm thoang thoảng. Ít tìm được bông điên điển trong các món ăn ở Sài Gòn, nhưng một tô bún cá Châu Đốc muốn tròn vị, đúng gốc đúng nguồn, thì phải có một nhúm bông điên điển ăn kèm. Một tô bún cá của quán có giá tầm 28.000 đồng. Quán bán từ sáng cho đến tối.