Trong năm 2022, Hàn Quốc có ít nhất 20 chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò được phát sóng trên các mạng truyền hình cáp và các nền tảng phát trực tuyến - nhiều gấp hơn 3 lần con số ghi nhận năm 2021. Tuy nhiên, trong khi các chương trình hẹn hò "bùng nổ", thống kê cũng cho thấy giới trẻ ở Hàn Quốc ngày càng ngại kết hôn và xây dựng gia đình.
Những thử thách và đau khổ trong tình yêu và các mối quan hệ tình cảm lâu nay luôn là nội dung nổi bật trên truyền hình ở hầu hết các nền văn hóa, đặc biệt là ở Hàn Quốc. Tại nước này, tâm lý hào hứng kết hôn và sinh con đã giảm đáng kể. Bất bình đẳng giới nặng nề và chi phí nuôi con quá tốn kém được cho là lý do dẫn tới điều này.
Cho Sung-ho và Lee Sang-mi, một cặp đôi xuất hiện trong chương trình, đã chung sống 10 năm, song có kết hôn hay không vẫn là một vấn đề gây căng thẳng đối với họ. Cô Lee, 32 tuổi, không kết hôn vì không muốn bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ truyền thống. Cô cũng cho rằng cô không thể trở thành một người mẹ tốt và không thể sống thật với bản thân khi đã có con.
Lee Sang-mi - Người tham gia truyền hình thực tế hẹn hò, Gwangju nói: "Tại sao phải lấy chồng? Hiện tại tôi thấy thoải mái nhất và không hiểu tại sao mình phải lấy chồng và làm thêm nhiều việc như về thăm bố mẹ hai bên mỗi dịp lễ tết, sinh nhật".
Trong khi đó, anh Cho, 32 tuổi, từng là một nam thần tượng trong làng giải trí, vẫn hy vọng về hôn nhân và con cái, mặc dù bày tỏ thấu hiểu sự miễn cưỡng của bạn gái mình, vì phụ nữ thường chịu gánh nặng lớn hơn trong việc nuôi dạy con cái.
Anh Cho Sung-ho - Người tham gia truyền hình thực tế hẹn hò, Gwangju: "Tôi nghĩ các ông chồng cần phải thay đổi nhiều về tư duy và giá trị trong cách nuôi dạy con chung. Tuy nhiên, có vẻ như không tồn tại chuyện 50-50 trong việc nuôi dạy con, ví dụ như chỉ có mẹ mới có thể cho con bú".
Bà Kim Jin, nhà sản xuất chương trình "Living Together without Marriage" - một chương trình tập trung vào các cặp đôi lựa chọn chung sống không kết hôn - khẳng định chương trình không cổ xúy và biện minh cho lối sống thử khi chưa kết hôn mà chỉ muốn xã hội có cái nhìn khách quan hơn khi tiếp cận chủ đề này. "Bằng cách thể hiện lối sống của các cặp đôi khác nhau và lý do tại sao họ sống cùng nhau thay vì kết hôn, chúng tôi muốn đưa xã hội có cái nhìn hiện đại hơn về vấn đề sống chung".
Giáo sư Lim Myung-ho - Đại học Dankook cho biết: "Mặc dù tỷ lệ kết hôn hoặc tỷ lệ sinh của Hàn Quốc rất thấp, nhưng các chương trình hẹn hò thực tế ngày nay rất phổ biến. Đó là bởi vì nhiều người xem đang trải nghiệm 'hiệu ứng nhận dạng' thông qua niềm vui gián tiếp và sự đồng cảm khi xem các chương trình hẹn hò thực tế".
Trong một cuộc khảo sát do Hiệp hội Dân số, Sức khỏe và Phúc lợi Hàn Quốc thực hiện với khoảng 1.000 người năm ngoái, khoảng 2/3 số người độc thân trong độ tuổi từ 19-34 đang không ở trong mối quan hệ nào. Trong đó, 61% phụ nữ và 48% nam giới khẳng định họ không muốn tìm bạn trai hoặc bạn gái trong tương lai.