CDC khuyến nghị rằng, những người có nguy cơ cao bị bệnh nặng do nhiễm vi khuẩn listeria - như phụ nữ mang thai, người già, người có hệ miễn dịch suy yếu - không nên ăn thịt hoặc pho mát từ bất kỳ quầy bán đồ nguội nào mà không đun nóng.

Số bệnh nhân trên thực tế có thể cao hơn

Trong số 16 người nhiễm khuẩn listeria, 13 người đã phải nhập viện, theo báo cáo từ 6 bang. Một bệnh nhân ở bang Maryland đã tử vong. Một bà bầu sau khi nhiễm bệnh đã sảy thai, CDC thông báo.

Đến nay, 7 trường hợp nhiễm vi khuẩn listeria đã được báo cáo ở New York, 3 ở Maryland, 2 ở Illinois, 2 ở Massachusetts, 1 ở California và 1 ở New Jersey. Bệnh nhân trong độ tuổi từ 38 đến 92, với độ tuổi trung bình là 74. Hơn một nửa số bệnh nhân là nam giới.

CDC cho biết, hầu hết bệnh nhân trong đợt bùng phát nhiễm khuẩn listeria lần này là người gốc Đông Âu hoặc nói tiếng Nga. Cơ quan vẫn đang điều tra nguyên nhân của sự khu biệt này. Tuy nhiên, một số người nhiễm khuẩn có thể hồi phục mà không cần chăm sóc y tế, nên những trường hợp như vậy không được ghi nhận.

CDC tuyên bố: “Số người bị bệnh thực sự trong đợt bùng phát này có thể cao hơn con số được báo cáo, và đợt bùng phát có thể không giới hạn ở các bang đã báo cáo ghi nhận bệnh nhân".

Khi phỏng vấn những người nhiễm khuẩn listeria, các nhà điều tra của CDC phát hiện 5 trong số 7 người ở New York đã mua thịt nguội thái lát hoặc pho mát từ ít nhất một địa điểm của NetCost Market - một chuỗi cửa hàng bán thực phẩm quốc tế. Tuy nhiên, bệnh nhân ở các bang khác cho biết họ đã mua thịt hoặc pho mát từ những cửa hàng thực phẩm khác.

Listeria monocytogenes là một loại vi khuẩn cứng đầu có thể dễ dàng lây truyền trong quá trình chế biến thực phẩm và rất khó loại bỏ, CDC cho biết. Quầy hàng và cơ sở chế biến thực phẩm có thể là nguồn lây nhiễm listeria phổ biến vì vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan giữa thực phẩm và thiết bị hoặc bề mặt.

CDC khuyên người dân rằng, nếu đã mua pho mát hoặc thịt nguội, thì nên cẩn thận vệ sinh tủ lạnh và bất kỳ vật chứa hoặc bề mặt nào mà thịt hoặc pho mát có thể đã chạm vào bằng nước xà phòng nóng.

“Hãy gọi cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm khuẩn listeria nghiêm trọng sau khi ăn thịt hoặc pho mát từ cửa hàng bán đồ nguội”, CDC khuyến cáo.

Bùng phát nhiễm khuẩn listeria chết người ở Mỹ: Liên quan thịt nguội, pho mát - Ảnh 1.

Listeria monocytogenes là một loại vi khuẩn cứng đầu có thể dễ dàng lây truyền trong quá trình chế biến thực phẩm và rất khó loại bỏ. Ảnh: BBC.

Các triệu chứng thường xảy ra trong vòng bốn tuần kể từ khi nhiễm bệnh nhưng có thể mất đến 70 ngày mới xuất hiện. Trong một số trường hợp, dấu hiệu nhiễm khuẩn đầu tiên là tiêu chảy hoặc các triệu chứng tiêu hóa khác. Các triệu chứng điển hình sau đó bao gồm nhức đầu, cứng cổ, sốt, đau cơ, lú lẫn, mất thăng bằng và co giật.

Ai gặp rủi ro cao nhất?

Theo CDC, vi khuẩn listeria là nguyên nhân thứ ba gây tử vong do ngộ độc thực phẩm ở Mỹ, và đặc biệt nguy hiểm đối với bất kỳ ai trên 65 tuổi, có hệ miễn dịch suy yếu hoặc đang mang thai.

Theo CDC, phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm vi khuẩn listeria cao gấp 10 lần và tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn đối với những người mang thai gốc Tây Ban Nha – nguy cơ cao gấp 24 lần.

Những người mang thai thường chỉ gặp các triệu chứng giống như cúm, nhưng nguy cơ cao đối với thai nhi. Nhiễm khuẩn khi có bầu có thể dẫn đến sảy thai, đẻ non hoặc thai chết lưu. Trẻ sơ sinh nhiễm vi khuẩn listeria có thể bị nhiễm trùng máu, viêm màng não và các biến chứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng khác.

Nhiễm trùng do vi khuẩn listeria được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Bùng phát nhiễm khuẩn listeria chết người ở Mỹ: Liên quan thịt nguội, pho mát - Ảnh 2.

Phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm vi khuẩn listeria cao gấp 10 lần những người khác. Ảnh: Getty Images.

Phòng và trị bệnh

Theo Vinmec, điều trị triệu chứng bao gồm việc sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt (paracetamol, ibuprofen… có tác dụng hạ sốt và giảm đau cơ), bù nước và điện giải (uống oresol theo nhu cầu, tăng cường ăn rau xanh hoa quả), điều trị tích cực chống trụy tim mạch, lọc máu nếu nhiễm khuẩn huyết nặng gây suy thận.

Về điều trị nguyên nhân, điều trị kháng sinh được khuyến cáo càng sớm càng tốt, nhằm hạn chế nguy cơ biến chứng.

Để phòng bệnh do listeria gây ra, Vinmec khuyến cáo: Ăn những thực phẩm đã được nấu chín đề phòng ngộ độc thực phẩm; vệ sinh cơ thể sạch sẽ, rửa tay sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với nguồn vi sinh vật và trước khi ăn; tránh sử dụng tất cả sản phẩm sữa chưa được tiệt trùng, thực hiện tiệt trùng tất cả sản phẩm sữa; không bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu, luôn giữ tủ lạnh bên trong sạch sẽ, đảm bảo nhiệt độ bảo quản thực phẩm ổn định, do vi khuẩn listeria có thể phát triển và nhân lên từ từ trong tủ lạnh; tránh sử dụng phân tươi chưa xử lý để bón rau, rau sống phải rửa thật sạch trước khi ăn; tuân thủ nguyên tắc an toàn thực phẩm…

Người chăn nuôi gia súc nên cẩn thận khi tiếp xúc với thai súc vật bị chết, những con vật bị ốm. Cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau khi tiếp xúc với gia súc.

Đối với những người có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn listeria, không nên ăn thức ăn có nguy cơ cao nhiễm khuẩn như: pate, xúc xích, thịt hộp, thịt nguội hoặc thịt hun khói, hoặc các loại xúc xích lên men hoặc khô. Nếu ăn phải nấu lại ở nhiệt độ cao trước khi ăn.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống đảm bảo an toàn thực phẩm và có thói quen đọc hạn sử dụng của thực phẩm, nhất là với những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là biện pháp hiệu quả ngăn ngừa bệnh.

Bùng phát nhiễm khuẩn listeria chết người ở Mỹ: Liên quan thịt nguội, pho mát - Ảnh 3.

Người có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn listeria không nên ăn thức ăn có nguy cơ cao nhiễm khuẩn như: pate, xúc xích, thịt hộp, thịt nguội hoặc thịt hun khói, hoặc các loại xúc xích lên men hoặc khô. Ảnh: Getty Images.