Mỗi lần nhắc đến từ “họp phụ huynh” là y như rằng học sinh nào cũng sợ, nhất là những em có kết quả học tập chưa tốt. 1,2 tiếng phụ huynh ở trường nắm bắt tình hình điểm số của con cũng là 1,2 tiếng đồng hồ nhiều đứa trẻ ở nhà thấp thỏm, nơm nớp lo cho cho “phận số” của mình.
Cha mẹ nào cũng mong con học giỏi, vào top 1, top 2. Vậy nên nhìn điểm số hay xếp hạng không như kỳ vọng họ không tránh khỏi thất vọng. Và nỗi thất vọng đó theo họ từ trường về đến nhà, trút lên đầu những đứa con đã “trót dại” không bằng “con nhà người ta”. Cha mẹ, con cái đều nặng nề, mệt mỏi.
Có lẽ vì đã quá quen với tình trạng này nên mới đây, trước khi hỏi phát tờ báo điểm, cô My, một giáo viên tiếng Anh cấp 2 ở TP.HCM không quên nhắn gửi thông điệp về điểm số thông qua một câu chuyện nhỏ.
Cô kể, trước ngày họp phụ huynh, một em học sinh nhắn tin tâm sự. Em bảo: "Cô ơi, con thấy mẹ đi làm suốt ngày vất vả, con muốn mang điểm số cao về cho mẹ vui lòng". Khi được cô giáo khuyên: "Vậy con hãy cố gắng hơn nhé", em trả lời: "Nhưng sức lực của con có hạn, con cảm thấy mình cố hết sức vẫn không thông minh nhanh nhạy bằng các bạn".
Theo cô My, thật ra điểm số của em học sinh này không thấp. Các môn đều được 7, 8 phẩy, trong đó em khá yêu thích và có học lực tốt các môn xã hội. Tuy nhiên, điều em mong muốn là được vào top của lớp để mẹ tự hào. Cô My nhắn: "Con cứ cố gắng hết sức, chỉ cần con hôm nay tốt hơn ngày hôm qua là được. Cô tin mẹ con sẽ tự hào vì thấy con gái biết nghĩ cho mình".
Cô My nhắn gửi, với nhiều phụ huynh, khi con học giỏi, họ lại mong con học giỏi hơn nữa, phải có thành tích thật vượt trội. Do đó, nhiều đứa trẻ phải chịu cảnh áp lực điểm số từ sớm. Mùa thi về, nhiều em lo lắng đến mất ăn, mất ngủ về điểm số và sợ mình không đáp ứng được mong mỏi của ba mẹ.
Điểm số là nhất thời nhưng sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái là cả đời
Thực tế, mỗi đứa đứa trẻ đều có những thế mạnh khác nhau. Điểm số cao của các con hiện nay chưa nói lên được điều gì. Nhiều đứa trẻ học giỏi, điểm số rất cao nhưng sau này vẫn không thành công. Ngược lại, những em có học lực trung bình nhưng vẫn thành công rực rỡ.
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc có bài viết của một người mẹ tên Phàm Tiểu Tây rằng: "Con trai tôi có phải đồ bỏ đi?". Cô cho biết mình là thạc sĩ trong khi chồng là tiến sĩ. Hai người đều tốt nghiệp những trường đại học hàng đầu trong nước. Nhưng thành tích học tập của cậu con trai duy nhất rất tệ.
Cô Phàm cho cậu bé học thêm, thuê gia sư riêng nhưng điểm số vẫn không cải thiện. Sau một thời gian dài cố gắng nhưng không có kết quả, người mẹ nhận ra bố mẹ là tiến sĩ, thạc sĩ cũng không thể dạy con trở nên xuất sắc. "Tôi cho rằng bản chất của việc học là giúp con có khả năng tự nuôi sống bản thân và là người có ích cho xã hội sau này", Phàm Tiểu Tây nói.
Người mẹ nhận thấy ưu điểm của con trai là chăm chỉ, tốt bụng. Cậu không giỏi Toán nhưng thích nấu ăn. Tiếng Anh không tốt nhưng lại có trái tim nhân hậu. Tiếng Trung thành tích tệ, viết văn không hay nhưng lại hiếu thảo và hiểu được sự vất vả của bố mẹ. "Từ ưu điểm này, tôi nghĩ sau này con trai có thể nuôi sống được bản thân. Vậy tại sao lại thêm lo lắng việc con học giỏi hay không", người mẹ nói.
Trẻ em giống như những cái cây, có nhiều giống loài, thời kỳ ra hoa cũng như phương pháp chăm sóc khác nhau. Sự tôn trọng lớn nhất với chúng là chấp nhận và tôn trọng những khác biệt và tạo điều kiện "cho cây nở hoa".
Điểm chỉ thể hiện một khía cạnh mà không thể hiện mọi mặt của trẻ. Cha mẹ đi họp phụ huynh về không nên trách con học kém, cũng không nên khen con học giỏi, vì vô hình trung sẽ tự tạo áp lực cho con mình rằng thành tích học tập là thứ quan trọng nhất.
Thi cử, điểm số là nhất thời nhưng sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái là cả đời. Trong tương lai, đứa trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách hơn trong cuộc sống. Sự động viên, khẳng định hay an ủi của bạn sẽ giúp con giữ được sức mạnh bên trong và tiến về phía trước với tình yêu thương và những lời chúc phúc.