Cái thời tiết se lạnh về đêm của Hà Nội giống như 1 chất xúc tác cho cảm xúc được trọn vẹn nhất khi người ta quây quần bên nồi bánh chưng vào những ngày cuối năm.
Nào là củi lửa, nồi lớn nồi nhỏ, nồi lớn thì để luộc những chiếc bánh thành phẩm đẹp nhất của cả 1 ngày lọ mọ gói gém, còn mấy nồi nho nhỏ bên cạnh thì đa phần là thêm vào để luộc mấy chiếc bánh bé xinh.
Thường thì lúc bánh chín cũng đã muộn lắm rồi, đám nhỏ thường sẽ bóc ra ăn ngay. Những chiếc bánh tự mò mẫm làm này có cái vị mà mãi về sau này khi những đứa trẻ lớn lên rồi cũng chẳng thể nào quên được.
Củi lửa thời nay khó kiếm hơn xưa nhiều, nên bố con anh Sơn đã phải chuẩn bị củi từ rất lâu để đủ tiếp lửa cho cả 1 đêm dài luộc bánh.
Anh Sơn còn mắc võng ngay bên cạnh nồi bánh, trời se lạnh bên ánh lửa bập bùng là hình ảnh mà Tết xưa, Tết nay hay Tết của ngày sau nữa vẫn mãi khiến lòng người trở nên ấm áp vô cùng.
Chỉ vài chục nghìn thôi họ đã có 1 chiếc bánh chưng với vẻ ngoài đẹp đẽ được gói bởi những người bán hàng chuyên nghiệp, nhưng người ta vẫn mãi cho rằng Tết là phải có nồi bánh chưng. Có lẽ, họ cần hơn cả là những giây phút quây quần bên gia đình, sum họp bên người thân.
Tết ngày còn nhỏ, ngoài việc phải chuẩn bị vật dụng luộc bánh, đám trẻ con còn đi tìm cho bằng được mấy củ khoai mật. Chúng còn xin bà, xin mẹ thêm vài quả trứng gà rồi đợi lửa nổi lên, vùi chiến lợi phẩm vào đống tro củi lửa. Sau đó là những giây phút háo hức chờ đợi.
Có đôi khi khoai chưa chín, đám nhỏ đã vội vàng lôi ra mà cũng có khi chúng mải chơi bên nồi bánh đến độ chẳng nhớ nổi bên dưới đáy nồi còn vài củ khoai mật đã chín vàng.
Một trong những việc quan trọng nhất của việc trông nồi bánh này là thêm nước, nước phải luôn xấp xỉ mặt bánh. Nước thêm vào cũng phải là nước đã được đun sôi để đảm bảo bánh sau khi chín được ngon lành nhất và để được lâu nhất, không bị lại gạo.
Khi bánh đã chín thì đám nhỏ cũng đã đi ngủ hết, những người đàn ông trong gia đình sẽ chăm chút cho những khâu cuối cùng sau khi bánh được vớt ra khỏi nồi. Họ lại cẩn thận rửa từng chiếc bánh sạch sẽ. Sau cùng là ép bánh để bánh được rền, chắc mịn.
Khi xã hội ngày càng phát triển, mọi thứ đều có thể mua được ở chợ hay các siêu thị lớn, nhiều hộ (Hà Nội) giữ nét truyền thống trong dịp Tết bằng cách cùng nhau ngồi gói bánh chưng, canh bếp lửa chờ bánh chín rồi quây quần bên mâm cơm tất niên.
Đêm 26 Tết, đi ngang qua con phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội, chúng tôi bắt gặp gia đình bác Đỗ Thu Thủy (60 tuổi) là một gia đình gốc Hà Nội gồm 4 thế hệ sinh sống đang quây quần cùng các cháu nhỏ bên nồi bánh chưng đỏ rực.
Bác Thủy chia sẻ, gia đình bác hiện có 4 thế hệ sinh sống cùng nhau gồm 2 cụ, bác, hai người con và 4 đứa cháu nội, ngoại. Nhiều năm nay gia đình bác vẫn luôn giữ thói quen làm bánh chưng để gia đình được quây quần bên nhau trong những ngày Tết.
"Ăn chả mấy nhưng năm nào nhà bác cũng làm, có làm bánh mới có không khí của Tết, không làm đâu thấy Tết. Nhà có thêm mấy đứa trẻ con nên các cháu cũng thích được cùng ngồi gói bánh với mọi người rồi háo hức ngồi luộc bánh, năm nào cũng làm riêng cho các cháu mỗi đứa một cái bánh nhỏ, chúng nó thích lắm. Năm nào cũng làm nhiều nhưng có ăn mấy đâu, luộc xong chia cho các con mỗi đứa mấy cái. Bận mấy thì bận bác cũng đều tụ tập các con lại để gói bánh chứ bánh đi mua về không ăn nổi, có đi biếu cũng không dám biếu".
Vào những ngày cuối cùng của năm, bất kể thời tiết mưa gió, giá lạnh đi dọc một số tuyến đường Hà Nội, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đang mải miết bên nồi bánh chưng nghi ngút khói trên những ô đất trống vỉa hè.
Gia đình ông Sơn (60 tuổi, Khương Đình, Hà Nội) đã có 10 năm nhận làm bánh chưng trong dịp Tết. Khách của chú chủ yếu là người thân và hàng xóm xung quanh khu nhà. Phải đến tối khi mọi người đã đi ngủ, chú mới ra bắc bếp trên vỉa hè dọc sông Tô Lịch cùng với một chiếc điếu cày bầu bạn suốt đêm.
"10 năm nay, năm nào cũng vâỵ, nhà tôi làm bánh từ ngày 22 tháng Chạp, mỗi ngày như này luộc 2 nồi, trung bình mỗi mùa làm khoảng 500-700 chiếc", ông Sơn chia sẻ.
Theo lời ông Sơn, để duy trì được công việc này, hai vợ chồng chú phải cẩn thận từng tí một nhất là trong việc lựa chọn nguyên liệu để khi bánh giao đến tay mọi người phải ngon và đảm bảo.
"Sáng sớm bà nhà tôi dậy từ sớm để đi chợ mua thịt, 5h sáng xuống chợ kim giang chọn thịt lợn, đỗ xanh xuống tận hà đông mua. Tôi thì phụ trách luộc bánh, sau 12 tiếng đun bằng củi đến sáng sớm mới có thể vớt ra, coi như là thức trắng đêm để canh nồi bánh chưng. Cái ông này (nấu bánh chưng) là làm tốn công lắm, lúc nào cũng phải luôn tay luôn chân. Mệt cũng phải làm, thức cả đêm để giữ cho lửa luôn đều để bánh được rền, ngon", ông Sơn chia sẻ.
Ngoài 60 tuổi, gần Tết vẫn đều đều bên bếp lửa trắng đêm cùng nồi bánh chưng, ông Sơn chia sẻ muốn làm công việc này để lưu giữ lại hương vị ngày Tết cổ truyền.