Bắt xe từ Quốc Oai, Hà Nội đến khoa Phẫu thuật tiết niệu, BV Việt Đức khám từ sớm, bà Kiều Thị D., 62 tuổi cho biết, thỉnh thoảng bà thấy đau lưng âm ỉ, ban đầu nghĩ đau cột sống nhưng khi khám tại BV tuyến dưới, bác sĩ chẩn đoán bà bị ứ thận trái.
Kết quả siêu âm hệ tiết niệu tại BV Việt Đức cho thấy, đài bể thận trái bị giãn rất nhiều, nhu mô mỏng còn 0,7 cm, trong khi kích thước nhu mô thông thường dày 5-6 cm, chỗ nối bể thận niệu quản có 2 sỏi kích thước 1,8 cm và 1 cm.
PGS Thành tư vấn cho bệnh nhân D., yêu cầu nhập viện phẫu thuật gấp. Ảnh: T.Hạnh
Tương tự như bà D., anh Nguyễn Văn T., 49 tuổi ở Hà Nội đã phát hiện sỏi thận từ 3 năm trước nhưng cố chịu đựng vì sợ phẫu thuật. Gần đây, anh T. liên tục thấy đau dữ dội cạnh sườn phải mới đến BV thăm khám.
Kết quả siêu âm ổ bụng cho thấy, nhu mô thận trái giãn mỏng, chỗ dày nhất chỉ còn hơn 1 cm, đài bể thận giãn, nhiều sỏi ở nhóm đài dưới, viên lớn kích cỡ 0,8 cm kèm theo giãn niệu quản.
Đây chỉ là 2 trong số gần 200 trường hợp được thăm khám miễn phí các bệnh lý sỏi tiết niệu và u tuyến tiền liệt cuối tuần qua tại BV Việt Đức.
PGS.TS Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu cho hay, cả 2 trường hợp nói trên đều phải chỉ định nhập viện phẫu thuật gấp.
“Khi nhu mô thận giãn mỏng quá mức sẽ bị mất chức năng, thậm chí là vỡ, khi đó sẽ phải cắt thận. Không chỉ cắt 1 thận, có những bệnh nhân phải cắt cùng lúc 2 thận, những trường hợp này sẽ phải chạy thận liên tục hàng ngày và chờ ghép thận”, PGS Thành thông tin.
Theo PGS Thành, sỏi tiết niệu là bệnh lý cực kỳ phổ biến, chiếm 45 - 50% các bệnh tiết niệu ở Việt Nam, trong đó nam giới chiếm 60%. Riêng tại BV Việt Đức, mỗi ngày tiếp nhận 25-30 bệnh nhân bị sỏi thận.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi thận nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất là do thói quen uống ít nước và chịu ảnh hưởng của các vùng địa dư nhiều đá vôi như các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình”, PGS Thành nhấn mạnh.
Sỏi tiết niệu là bệnh lý rất phổ biến, nếu để lâu, nhu mô thận sẽ bị giãn mỏng, mất chức năng
Trong nhiều chục năm làm nghề, PGS Thành chia sẻ, đã từng phẫu thuật cho nhiều trường hợp bị sỏi thận kích cỡ lớn, tương đương quả cam, quả bưởi, nhưng nhiều năm trở lại đây, số ca bị “sỏi khổng lồ” đã giảm dần.
Đáng lưu ý, dù tỉ lệ người dân mắc sỏi tiết niệu khá lớn nhưng thường hay đi khám ở giai đoạn muộn do nhiều triệu chứng ban đầu bị bỏ qua.
Khi để muộn, sỏi đài bể thận sẽ gây biến chứng như: Nhiễm khuẩn tiết niệu; viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận; giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận; viêm quanh thận xơ hoá; cao huyết áp do sỏi san hô thận gây thiếu máu nhu mô thận, teo thận; suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn...
Trường hợp sỏi di chuyển xuống niệu quản sẽ gây các cơn đau quặn thận, gây tắc nghẽn dấn đến ứ nước, ứ mủ thận, suy chức năng thận.
Hiện nay, nhiều cơ sở y tế áp dụng điều trị sỏi thận bằng các kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn thay thế cho phẫu thuật mở. Trong đó có phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm.
Theo đó, bệnh nhân chỉ cần gây tê tủy sống, tỉnh táo hoàn toàn trong suốt quá trình tán sỏi. Với phương pháp này, tỉ lệ làm sạch sỏi có thể lên tới gần 90%, tỉ lệ biến chứng sau mổ thấp.
Để phòng bệnh và theo dõi sau điều trị sỏi thận, người bệnh cần có chế độ ăn uống nhiều nước trên 2 lít/ngày, hạn chế thức ăn nhiều canxi, oxalate như sữa, phomat, chè, hạn chế protit động vật. Với những bệnh nhân đã tán sỏi, sau phẫu thuật cần phải tái khám định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng cũng như sỏi tái phát.