Vào ngày 30/10 vừa qua, bác sĩ Zhang Xianhui, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc Bắc Kinh (Trung Quốc) đã thông tin về một gia đình có 4 người ở thành phố Vũ Hán cùng lúc được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Được biết, người đầu tiên phát hiện ra bệnh trong gia đình là một phụ nữ 30 tuổi, sau đó 3 người khác trong gia đình cũng được làm xét nghiệm và nhận kết quả tất cả đều đã mắc bệnh ung thư tuyến giáp.
Đây là chùm ca bệnh đặc biệt vì thế các bác sĩ bệnh viện quyết định điều tra và tìm hiểu chi tiết, kết quả cho thấy cả gia đình này có chung một thói quen ăn uống kém khoa học đó là sử dụng các loại thịt chế biến sẵn bao gồm thịt nguội, xúc xích, lạp xưởng, cá muối....
Sau khi nghe thông tin này, không ít người cảm thấy lo lắng bởi các món như lạp xưởng, thịt cá muối là những món ăn quen thuộc mà người Trung Quốc luôn tích trữ trong nhà, hơn nữa họ không nhận ra mối liên quan giữa ung thư và các món ăn này. Tuy nhiên sau khi lắng nghe những nghiên cứu của chuyên gia nhiều người đã phải suy nghĩ lại.
Tại sao thịt chế biến không tốt cho sức khỏe?
Theo các thống kê về bệnh ung thư trên toàn cầu, mỗi năm trên thế giới có 1 triệu người mắc ung thư do hút thuốc, 600.000 người do uống rượu và 200.000 người chết vì ung thư do ô nhiễm không khí. Có khoảng 34.000 ca tử vong do ung thư liên quan đến việc tiêu thụ các sản phẩm thịt chế biến. Dù tỉ lệ gây ung thư của thịt chế biến với các thói quen khác khá nhỏ nhưng chúng vẫn rất nguy hiểm. Từ lâu, loại thịt này đã được WHO phân vào nhóm 1 - nhóm có đầy đủ bằng chứng có thể gây ung thư cho con người.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO cũng cho biết: Nếu mỗi người tiêu thụ 50g thịt chế biến sẵn hàng ngày (tương đương với khoảng 4 miếng thịt xông khói hoặc 1 chiếc xúc xích) thì nguy cơ ung thư đại trực tràng sẽ tăng lên khoảng 18%.
Theo bác sĩ Zhang Xianhui, nguyên nhân khiến thịt chế biến sẵn gây ung thư là bởi chúng thường được thêm nhiều phụ gia để tạo vị và có thể bảo quản lâu hơn, ví dụ như hợp chất N-nitroso và hydrocarbon thơm đa vòng, gây tổn thương ADN và phát triển ung thư.
Vậy chúng ta có cần thiết từ bỏ hoàn toàn thói quen ăn thịt chế biến?
Dù xếp thịt chế biến vào nhóm 1 nhưng WHO vẫn cho rằng các loại thịt này ít nhiều vẫn đem lại dinh dưỡng và khiến bữa ăn trở nên đa dạng hơn. Thịt chế biến không được WHO khuyến khích tuy nhiên bạn vẫn có thể ăn nhưng cần hạn chế, mỗi lần ăn không quá 50 gam, có thể dùng trứng, đậu phụ, sữa để thay thế.
Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Mỹ về dinh dưỡng và hoạt động thể chất Phòng chống Ung thư khuyên bạn nên chọn cá, thịt gia cầm, đậu thay vì thịt đỏ và thịt chế biến. Chế độ ăn uống lành mạnh nhất là một chế độ ăn uống cân bằng.
Các nghiên cứu y học đã chứng minh rằng ung thư là một căn bệnh phức tạp, không phải do một loại thực phẩm nào gây ra hoặc vì một lý do cụ thể nào. Vì vậy bác sĩ Zhang Xianhui cho biết: "Để ngăn ngừa ung thư, mỗi người cần phải duy trì một lối sống khoa học một cách toàn diện, không chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống cân bằng mà còn phải có thói quen và thái độ sống đúng đắn hơn".
(Nguồn: Sohu, WHO)