Mối quan hệ giữa chế độ dinh dưỡng và hệ miễn dịch của trẻ
Theo Sổ tay Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà do Bệnh viện Nhi TW và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp phát hành, phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần).
Có 4% có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8. Tuy nhiên, bệnh có thể có biến chứng hậu COVID-19, bao gồm các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc "COVID-19 kéo dài" ở trẻ em...
Các chuyên gia nhi khoa nhấn mạnh chế độ dinh dưỡng và hệ miễn dịch của trẻ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Để bảo vệ trẻ trong mùa dịch COVID-19 các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn uống lành mạnh, đa dạng các nhóm thực phẩm và đầy đủ theo nhu cầu khuyến nghị.
Từ sơ sinh đến 6 tháng, trẻ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất và đầy đủ nhất cho trẻ, tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng. Đối với trẻ trên 6 tháng, bữa ăn bổ sung của trẻ cần có đủ tinh bột, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất.
Để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ cần lưu ý vai trò đặc biệt của protein; các vitamin A, C, D, E, vitamin nhóm B; các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, selen, magie...
TS.BS cao cấp Trần Đình Toán – Nguyên Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng lâm sàng nói: Ngành dinh dưỡng chúng tôi đều khuyến nghị bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng đường uống trực tiếp cho trẻ là hữu hiệu nhất.
Nhiều bà mẹ chăm sóc con cẩn trọng nhưng quên mất điều này...
Với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, chức năng miễn dịch rất dễ bị tổn thương nếu độ ăn không cân bằng và đầy đủ vi chất dinh dưỡng. Khi đó, cơ thể trẻ có nguy cơ dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus. Trong các vi chất thì vitamin C, kẽm và sắt đóng vai trò quan trọng giúp trẻ tăng sức đề kháng.
Theo các chuyên gia vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ sản xuất Interferon - là loại protein do tế bào cơ thể tạo ra để chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch. Vitamin C cần thiết cho các tế bào miễn dịch, từ đó làm mạnh chức năng của hệ miễn dịch. Ngoài ra, vitamin C là chìa khóa để duy trì sự trao đổi chất và hỗ trợ hệ thần kinh.
Kẽm có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch vì nó kích thích sự phát triển các tế bào lympho B và lympho T, từ đó tạo một hệ thống phòng thủ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, tăng cường đề kháng và chống lại nhiễm trùng.
Sắt rất quan trọng giúp đưa oxy đi khắp cơ thể, vì vậy sắt chủ yếu thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Sắt cũng đóng một vai trò trong quá trình trao đổi chất. Sắt là yếu tố quan trọng trong quá trình tạo máu, giúp trẻ tăng trưởng, phát triển và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Bởi vậy, khi cơ thể trẻ bị thiếu sắt thì điều hiển nhiên xảy ra là hệ miễn dịch sẽ suy giảm. Hàng rào bảo vệ cơ thể trở nên lỏng lẻo và tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn hoành hành, gây bệnh. Lựa chọn các thực phẩm giàu sắt cho bữa ăn của trẻ: Thịt nạc, cá, trứng, đậu đỗ, rau có màu xanh thẫm.
Cả 3 vi chất đều quan trọng, nhưng trên thực tế, nhiều bà mẹ chỉ cho con uống bổ sung vitamin C, kẽm mà quên mất rằng cần bổ sung thêm cả vi chất sắt. TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Bổ sung kẽm và vitamin C để tăng cường đề kháng cho trẻ là chưa đủ, mà cần thiết phải bổ sung thêm vi chất sắt bởi trẻ nhỏ thường thiếu kẽm và sắt với tỉ lệ rất cao và thường đi đôi với nhau. Trong khi, kẽm sắt đều có những vai trò quan trọng cho hệ miễn dịch của trẻ.
Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh bà mẹ chú ý không chỉ bổ sung vitamin C, kẽm mà cần phải bổ sung thêm cả sắt cho trẻ.
Để bảo vệ trẻ em trước đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy mạnh các bước để sớm triển khai tiêm chủng cho trẻ trong lứa tuổi này. Các chuyên gia nhi khoa và tiêm chủng đều nhấn mạnh trẻ em được quyền hưởng những thành quả của khoa học, xuất phát từ thực tế.
"Với vai trò là bác sĩ nhi khoa, tôi khuyên các ông bố bà mẹ nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng. Trong xu hướng tới đây, Tổ chức Y tế Thế giới rất mong muốn chúng ta phủ được rộng hơn nữa ở nhóm tuổi thấp hơn nữa, nếu như có các nghiên cứu của các nhà sản xuất đưa ra các vaccine ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Bởi vì đây thực sự là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ. Biến chủng mới cũng chưa xác định rõ là như thế nào..."- PGS.TS Trần Minh Điển- Giám đốc Bệnh viện Nhi TW chia sẻ.