Những người lao động trẻ tuổi có thể không có kinh nghiệm hoặc chuyên môn như những đồng nghiệp lớn tuổi của họ, nhưng luôn có một lợi thế ở nơi làm việc: sự nhiệt tình. Không bị ràng buộc và không có trẻ con, họ sẵn sàng làm việc tăng ca lúc nửa đêm. Họ vẫn chưa trở nên nhàm chán hay bất mãn. Họ tràn đầy hy vọng và ước mơ vào sự nghiệp của mình.
Nhưng kể từ khi đại dịch xảy ra, đã có một sự thay đổi đáng kinh ngạc. Từ năm 2019 đến năm 2022, theo các cuộc khảo sát của Gallup, tỷ lệ những người dưới 35 tuổi cho biết họ gắn bó với công việc đã giảm từ 37% xuống 33% - mức thấp nhất kể từ năm 2011. Đồng thời, tỷ lệ những người cho biết họ "không gắn bó tích cực với công việc" đã tăng lên 17% từ con số 12% trước đó. Sự gia tăng tâm lý chán nản tại nơi làm việc mạnh mẽ đến mức nó gần như đã xóa bỏ sự khác biệt giữa nhân viên già và nhân viên trẻ. Nói cách khác, thế hệ Z và thế hệ Y trẻ tuổi cũng bắt đầu thấy nhàm chán với công việc như những người đã làm việc hàng thập kỷ.
Điều này là một tín hiệu đáng cảnh báo cho các công ty. Tinh thần và năng suất của người lao động có liên quan trực tiếp rất lớn đến doanh thu và lợi nhuận, dù là doanh nghiệp thuộc bất kỳ lĩnh vực nào. Gallup ước tính nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 7,8 nghìn tỷ USD mỗi năm do mất năng suất.
Những nguyên nhân khiến người trẻ buông bỏ công việc
Những người lao động ở độ tuổi 20 và đầu 30 cho biết họ thất vọng và không còn nhiệt huyết làm việc vì rất nhiều lý do: Không cảm thấy có ai đó khuyến khích sự phát triển của họ, không có cơ hội học hỏi và phát triển, không có những đồng nghiệp thân thiết tại nơi làm việc, không được tôn trọng ý kiến, nền kinh tế quá khó khăn đến mức dự định về một thu nhập cao và cuộc sống ổn định ngày càng xa vời,...
Tất cả những điều này dẫn đến một kết luận đáng lo ngại duy nhất: Có điều gì đó bất ổn đã thay đổi trong thị trường lao động ngày nay khiến những người lao động trẻ nhất cũng phải vỡ mộng.
Trong 3 năm qua, có không ít các yếu tố đã góp phần vào sự bất mãn ngày càng tăng ở nơi làm việc của thế hệ trẻ. Trước tiên là quãng thời gian làm việc tại nhà dài đằng đẵng vì đại dịch. Jim Harter, chuyên gia về thực hành quản lý nơi làm việc của Gallup cho rằng sự chuyển đổi trong kỷ nguyên đại dịch sang hình thức làm việc từ xa đã hủy hoại tâm lý của nhiều người.
Chúng ta có thể nghĩ Gen Z là thế hệ linh hoạt nhất, nhưng thực tế họ lại là nhóm khó thích nghi được nhất với việc thay đổi vì còn ít kinh nghiệm. Chỉ 24% những người ở độ tuổi 20 muốn làm việc toàn thời gian tại nhà, so với 41% những người ở độ tuổi 50 và đầu 60.
Điều này có nghĩa những người mới ra trường thường coi trọng công việc và xem đây là 1 phần lớn trong cuộc sống xã hội của họ nhiều hơn những người lao động lớn tuổi. Họ cũng muốn và cần nhiều sự cố vấn và hướng dẫn hơn từ người quản lý và đồng nghiệp có kinh nghiệm. Những người lao động Gen Z không nhận được nhiều điều đó từ công việc từ xa và kết quả là công việc trở nên ít thú vị hơn và ít mang tính giáo dục hơn đối với họ.
Một thứ khác mà người lao động cần là sự giao tiếp, tương tác xã hội. Điều đó khó thực hiện hơn nhiều trong môi trường work from home, khiến trải nghiệm gia nhập một tổ chức mới trở nên căng thẳng hơn với mọi người. Và sự không chắc chắn càng khó khăn hơn đối với những người mới ra trường, với ít kiến thức và trải nghiệm về bất kỳ nơi làm việc chuyên nghiệp nào. Khi Gartner hỏi mọi người điều gì ngăn cản họ đến văn phòng, thế hệ Z có nhiều khả năng viện dẫn chứng lo âu xã hội hơn các thế hệ khác.
Vết thương ngấm ngầm từ đại dịch
Rối loạn căng thẳng sau đại dịch đang xảy ra và nghiêm trọng hơn nhiều dự báo. COVID-19 gây khó khăn cho tất cả chúng ta, nhưng việc buộc phải cách ly trong đại dịch đặc biệt có hại cho những người trẻ tuổi. Vào tháng 6 năm 2021, một cuộc khảo sát của McKinsey cho thấy Gen Z nói rằng họ bị trầm cảm hoặc lo lắng cao gấp 1,5 lần so với nhóm tuổi khác.
Cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở những người trẻ tuổi trước và sau COVID-19 càng bị trầm trọng hóa bởi tình hình kinh tế không khả quan toàn cầu lúc này. Mà một trong những nguyên nhân sâu xa chính gây khủng hoảng kinh tế cũng lại chính là đại dịch.
Lạm phát giá cả sinh hoạt tăng cao ở mọi quốc gia khiến việc "đủ sống" thôi cũng khó khăn. Khi ước mơ sẽ mua được nhà, xe, có cuộc sống thoải mái về mặt tài chính ngày càng xa vời, Gen Y và Gen Z lựa chọn buông bỏ. Việc cố gắng làm việc để kiếm tiền hay được trả mức lương cao không còn thực tế, khi các chủ doanh nghiệp cũng phải lao đao cắt giảm lương hay nhân sự.
"Tôi nghĩ mọi người đang cố gắng che đậy đại dịch, nhưng những gì chúng ta đã trải qua đều để lại hậu quả. Những người bị gián đoạn việc học hành hoặc khởi đầu sự nghiệp sẽ mất một thời gian để phục hồi, hoặc không bao giờ phục hồi", Lindsey Pollak, nhà tư vấn tuyển dụng cho biết.
Nguồn: Business Insider