Khi chúng tôi đến, bà Năm vẫn nằm trên
giường, nhắm mắt nói: “Tôi mới ngồi dậy đi vài vòng mà chóng mặt quá chịu
không nổi nên nằm bất động từ sáng tới giờ. Mệt lắm…”
Không biết khi nào nhà… sập
“Ngôi nhà” chỉ chục mét vuông này được một người chủ đất xây từ năm 1973 cho ba mẹ con bà
Năm ở nhờ. Thời đó, bà còn khỏe mạnh nên làm đủ mọi việc để nuôi mẹ già, từ giúp việc, nấu cơm cho đến nghề nuôi heo. Đến năm 2005, anh trai bà qua đời sau khi lên cơn nhồi máu cơ tim trong lúc ngủ. Rồi mẹ bà đổ bệnh buộc lòng bà phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc mẹ.
Hai năm sau đó, mẹ của bà Năm cũng bị suy tim mà mất. 7 năm nay, không còn người thân nào khác, bà pải sống một mình trong căn nhà xập xệ này. Cuộc sống thiếu thốn nay lại càng khó khăn khi bệnh tình của bà mỗi lúc một nặng thêm, sức khỏe suy yếu dần.
Mỗi tháng bà đều phải đi khám bệnh, dù có sổ bảo hiểm nhưng tiền thuốc men cũng gần 200 nghìn mỗi đợt khám. Do bệnh tật không thể vận động hoặc đi lại bình thường nên bà không xin được công việc nào nữa, tiền bà tích góp được do những người hàng xóm thương tình mỗi người cho bà một ít để ăn uống qua ngày.
Sổ khám bệnh mỗi tháng của bà Năm.
Vừa trò chuyện, bà vừa bảo chúng tôi đi đứng cẩn
thận kẻo mái tôn sập xuống trúng đầu. Bà nói: “Mấy thanh gỗ mục này bị mối ăn gần
hết, hôm bữa mới bị sập một góc nhà. Có mấy em sinh viên đi ngang thấy vậy nên
kêu ba mẹ nó dựng lên lại giúp tôi. Nhà bây giờ xuống cấp lắm rồi nhưng là nhà
của người ta, mình được cho ở, không mất tiền, nên đâu dám đòi hỏi gì thêm”.
Những ngày mưa bão, trời đất tối sầm, bà Năm co rúm trong nhà một mình, thấy dột chỗ nào thì mang xô đi hứng chỗ đấy. Chỉ mong mưa gió không lớn, không bị lật mái tôn. Những ngày nắng nóng thế này thì nhà bà lại giống như cái... lò thiêu, may sao có người ghé thăm thấy tội nên mua cho bà cây quạt vì sợ bà bị rối loạn nhip tim mà không thể qua khỏi mùa nóng này.
Thỉnh thoảng bà lại đưa tay quệt mồ hôi và than chóng mặt.
Chúng
tôi hỏi bà chuyện cơm nước thế nào, bà cười, khoe: “Gia đình chủ nhà nấu cơm
lúc nào cũng nấu luôn phần cho tôi. Nhưng tôi không dám xin nhiều, một ngày có
khi chỉ ăn một chén lót dạ. Vợ chồng người ta còn con cái, chịu lo cho bà già
này là phước đức lắm rồi.".
Bà kể, căn nhà nhỏ xíu vậy mà có mấy con chuột cống to lắm, người ta cho bà đồ ăn, chưa ăn được bao nhiêu thì chuột đã tha đi mất. Ở nhà bà vừa chiến đấu với bệnh tật, vừa lo chống mối, vừa lo diệt côn trùng và cả chuột.
“Tôi cũng yên tâm vì lúc chết sẽ được cho cái hòm”
Hiện tại, ngoài bệnh tim bẩm sinh do di truyền (hở van tim hai lá), bà Năm còn mắc nhiều căn bệnh của tuổi già như thường xuyên bị tụt huyết áp, chóng mặt, đau cột sống, mắc các bệnh xương khớp nên phải chống gậy để đi lại. Nhiều lúc đau quá, không đi lại được, bà cứ nằm một chỗ trong nhà như thế cho đến khi bớt đau thì thôi.
“Có buổi tối tôi mệt đến nỗi cứ tưởng mình chết đến nơi rồi, người rã rời, mặt mày xây xẩm, muốn ngồi dậy đi vệ sinh cũng không thể, muốn với tay lấy thuốc uống nhưng toàn thân bất động. Tôi cứ nằm một mình như thế cho đến sáng khi chủ nhà gọi cửa không được đã xô cửa, xông vào để lấy thuốc cho tôi uống, lúc đó mới thấy đỡ hơn nhiều” - bà Năm vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại những câu chuyện sống nay chết mai của mình.
Biết rằng không còn người thân, nếu sau này mất đi cũng không ai lo cúng điếu nên bà Năm xin vào Hội mai táng để được… cấp hòm khi mất. Theo lời bà kể, những người là thành viên của Hội thì khi người trong Hội mất, mỗi thành viên sẽ quyên góp 10 nghìn để mua hòm cho người đó. “Đến khi mình mất thì Hội này cũng sẽ quyên góp để cho mình cái hòm, vậy tôi cũng yên tâm rồi!” – bà Năm xót xa nói.
Người thân không còn ai, bà Năm phải chuẩn bị trước cho cả... đám tang của mình
Mỗi lần ra vào cửa, bà đều dặn chúng tôi nên cúi thấp xuống kẻo... đụng đầu. "Nhà tôi nhỏ hẹp lắm, mọi người đếm thăm thì thông cảm giùm cho"
Mọi thông tin liên lạc để giúp đỡ bà Năm xin liên hệ:
Bà Nguyễn Thị Năm
198/ 20 Phan Văn Trị - phường 12 – quận Bình Thạnh – Thành phố Hồ Chí Minh.
0822236099