Mọi chuyện bắt đầu từ trận ốm cảm của người mẹ già cả, nhiều bệnh nền...
Đại diện cho cả gia đình 7 người, Hoàng Thị Ngọc Hiệp (SN 1991, P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ, qua đợt test sàng lọc theo hộ gia đình, mỗi gia đình có một người đại diện đi test, gia đình của Hiệp cũng không ngoại trừ. Bố của Hiệp là đại diện và khi trở về thì nhận tin sét đánh ngang tai: dương tính SARS-CoV-2.
Hiệp cho rằng, có thể bố Hiệp đã bị lây từ mẹ. Mẹ Hiệp xuất hiện triệu chứng đầu tiên nhưng gia đình cứ nghĩ chỉ là cảm thông thường nên sẽ sớm ổn thôi. Lúc đó, bố là người chăm sóc cho mẹ thường xuyên, cả nhà khi ấy cũng không có thêm ai xuất hiện triệu chứng.
Khi mẹ hết sốt thì chuyển sang ho, cả nhà Hiệp vẫn chưa có ai xuất hiện triệu chứng. Nhưng sau đó thì lần lượt mọi người trong gia đình xuất hiện, bố là người cuối cùng. Riêng 2 đứa nhỏ mắc bệnh nhưng đứa lớn không triệu chứng, đứa nhỏ thì có nhưng nhẹ hơn.
"Khi mới nhận tin bố dương tính, cả nhà hoảng sợ lắm vì nhà mình có mẹ mắc nhiều bệnh nền. Chị gái mình thì có 2 con nhỏ, cháu nhỏ nhất mới 10 tháng tuổi. Tất cả các thành viên phải lần lượt ra test, bé nhỏ nhất cũng không ngoại lệ", Hiệp chia sẻ.
Đối với chị Ngọc Liên (SN 1988, chị gái của Hiệp), khi ấy chị như ngồi trên đống lửa vì là bà mẹ của 2 con nhỏ, chưa kể bố mẹ, chồng, chị em... Khi bồng con đi làm xét nghiệm SARS-CoV-2, chị Liên nước mắt lưng tròng, chỉ cầu mong sao con nhỏ không mắc bệnh. Thế nhưng, sau khi test, gia đình chị đợi thêm 2 ngày thì nhận được kết quả không ai mong đợi: 7 người trong nhà đều đã nhiễm bệnh Covid-19, phải chuẩn bị đi cách ly.
"Bé lớn nhà mình 3,5 tuổi không có dấu hiệu gì nhưng bé 10 tháng tuổi cứ nóng hầm hập, đo nhiệt độ thì cũng chưa sốt, lúc đó mình cứ nghĩ là đang trong thời kỳ mọc răng nên thế. Hôm trước bên y tế thông báo chỉ có bố và con lớn dương tính, mình đau lòng nhưng vẫn nghĩ thôi may mà không phải cả nhà, may mà đứa nhỏ chưa bị. Thế nhưng mình suy sụp lắm khi ngay hôm sau thì có thông báo cả nhà dương tính rồi. Mình hoang mang và khóc rất nhiều", chị Liên nhớ lại.
Riêng với Hiệp: "Thời điểm nhận được tin xấu ấy, cảm giác đầu tiên của mình là nghĩ ngay đến cái chết, thật sự suy sụp lắm. Mẹ mình đã 62 tuổi, nhiều bệnh nền. 2 đứa cháu thì còn nhỏ quá. Thật sự là ai cũng hoang mang, lo sợ vô cùng vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo sau khi có thông tin mắc căn bệnh lây truyền này".
Hành trình cách ly tại nhà trong lúc chờ xe y tế phường "người khỏe hơn giúp người yếu hơn"
Hiệp kể, từ thời điểm cả gia đình nhận được kết quả dương tính nCoV thì sau 3 ngày, y tế phường mới sắp xếp được xe để chở đến khu cách ly. Trong 3 ngày này, cả gia đình Hiệp đã cùng động viên, giúp đỡ nhau vượt qua bệnh tật. Nhanh chóng xua tan những ý nghĩ về tương lai đen tối, họ cùng dặn dò nhau phải cố gắng để khỏe hơn, đẩy lùi con Covid.
Chia sẻ về triệu chứng bệnh mọi người mắc phải, Hiệp cho biết, cả nhà đều xuất hiện triệu chứng giống nhau như sốt ớn lạnh, ho nhiều.
Bản thân Hiệp trải qua tất cả những triệu chứng của bệnh Covid-19, ban đầu là cảm giác ớn lạnh, lên cơn sốt nguyên đêm không ngủ được, giấc ngủ cứ chập chờn. Sáng tỉnh dậy, những cơn đau đầu hành hạ Hiệp, đôi mí mắt cũng chỉ muốn sụp xuống ngủ li bì nhưng không ngủ được, toàn thân nhức mỏi giống như bị cảm cúm kèm theo ho khan liên tục.
"Những ngày sau đó, mình bị mất vị giác. Những ngày này rất khủng khiếp bởi trước đó mệt mỏi là thế vẫn cố gắng ăn uống được. Thế nhưng khi bị mất vị giác thì biếng ăn thấy rõ, dù trong tâm thức luôn nhắc nhở mình phải ăn càng nhiều càng tốt mới có thể vượt qua bệnh tật, vì chính mình và gia đình mình nữa", Hiệp nhớ lại.
Không ăn sẽ không thể uống thuốc, Hiệp tự nhủ bản thân phải cố gắng thì mới có sức khỏe vượt qua được. Vừa đặt ra quyết tâm vượt qua cơn mất vị giác, Hiệp lại rơi vào tình trạng mất khứu giác hoàn toàn. Triệu chứng này kéo dài khá lâu và đến nay Hiệp vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
"Trong những ngày cuối của giai đoạn 14 ngày mắc bệnh, Hiệp có dấu hiệu khó thở mỗi tối trước khi đi ngủ. Những lúc như vậy, Hiệp sẽ ngồi dậy và đi đứng qua lại, hít thở sâu và đến khi nhịp thở trở lại bình thường sẽ nằm lại, không sao hết", Hiệp chia sẻ.
May mắn cho gia đình Hiệp là người này xuất hiện triệu chứng rồi mới đến người kia. Thế nên người chưa có triệu chứng bệnh có thể chăm sóc cho các thành viên yếu mệt hơn, trong lúc chờ đợi sự cứu giúp từ đội ngũ y tế.
"Gia đình mình tìm mua thuốc để hạ sốt, giảm ho. Khi sốt thì sẽ uống thuốc hạ sốt, đặc biệt chú ý đo nhiệt độ liên tục để phát hiện lúc nào sốt cao là phải uống hạ sốt ngay vì tình trạng này kéo dài sẽ khá nguy hiểm. Để tránh đau nhức mình mẩy và giảm những cơn ho, cứ 4 tiếng các thành viên sẽ phải uống thuốc. Mỗi sáng sẽ uống thêm một viên C sủi. Ngoài ra, cả nhà mình đều chú ý uống thật nhiều nước và dùng thuốc nhất định phải được sự khuyến cáo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ cho từng người", Hiệp chia sẻ.
Riêng với chị Liên, dường như tình mẫu tử đã giúp chị dù đau đớn, mệt mỏi vì Covid-19 hành hạ vẫn có một sức mạnh phi thường, vẫn chăm sóc cho 2 con đầy đủ, liên tục đo nhiệt độ cho bé, khi con trên 38 độ là cho uống hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hôm sau, con chị bị ho nhẹ, chị bổ sung thêm thuốc ho có chứa vitamin C, vitamin D mỗi sáng đều chia đều cho 2 con theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài sự trợ giúp lẫn nhau, cả gia đình Hiệp cũng không quên vệ sinh sạch sẽ nơi ở một cách thường xuyên, mở cửa nhà cho thông thoáng, dùng quạt thay cho điều hòa theo như khuyến cáo của Bộ Y tế.
Gia đình chia đôi ngả khi vào khu cách ly để điều trị bệnh Covid-19
Sau 3 ngày tự chăm sóc nhau tại nhà, gia đình Hiệp cùng đến khu cách ly ở trường mầm non khu vực Bình Thạnh. Cả nhà cùng sống trong một phòng học, vẫn tiếp tục tự chăm sóc nhau tại khu cách ly. Sau đó, gia đình chia làm 2 tốp. Bố mẹ Hiệp vẫn ở lại trường do mẹ có bệnh nền (cao huyết áp, rối loạn tiền đình và tiểu đường type 2, đã trải qua 3 đợt tai biến nên bị liệt phần cơ thể bên phải, đi lại rất khó khăn) cần một người bên cạnh, những người còn lại di chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Thu Dung số 6.
"Khi rời bố mẹ đến nơi cách ly mới, anh chị và mình ban đầu khá e ngại vì mẹ mắc nhiều bệnh nền quá. Nhưng bù lại thì bố không có bệnh nền và đã được tiêm một mũi vắc-xin Covid-19 nên cả nhà cũng yên tâm hơn", Hiệp chia sẻ.
Thêm nữa, mẹ Hiệp tuy mắc nhiều bệnh nền nhưng do tinh thần lạc quan, luôn nghĩ rằng có bệnh thì chữa trị cho khỏi, nên khi vào khu cách ly, bà vẫn sống vui vẻ, cố gắng ăn uống đầy đủ. "Bố mình kể, có một đêm, mẹ bị khó thở, khi đo thì thấy oxy tụt khá thấp. May là có điều dưỡng đến kiểm tra kịp thời và được hướng dẫn cụ thể hơn để tránh xảy ra tình trạng trên, từ đó mẹ không còn rơi vào hoàn cảnh hiểm nghèo nữa", Hiệp nói.
Cùng nhau đi qua mùa dịch, sau 14 ngày, bố mẹ Hiệp đã được xuất viện về nhà. Tại bệnh viện dã chiến, những thành viên còn lại cũng được trở về sau 17 ngày. Ngày gặp lại nhau, cả nhà không kìm nổi nước mắt, cửa tử đã qua đi, họ cùng mong đợi cuộc sống bình thường sớm trở lại.
"Nếu mình không may mắc bệnh Covid-19 thì điều đầu tiên là nên bình tĩnh đối mặt. Covid-19 thật sự ghê gớm nhưng sẽ không quá đáng sợ nếu chúng ta đủ sức khỏe và có đề kháng tốt. Điều cần nhất bây giờ là chúng ta cùng chung tay chống dịch, thực hiện chuẩn theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, ăn uống đầy đủ, vận động hợp lý để tăng cường sức khỏe mùa dịch", Hiệp nhắn nhủ đến mọi người.
Sau tất cả, Hiệp và cả gia đình muốn được bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc tới các y bác sĩ, nhân viên y tế. "Có rất nhiều điều rất đẹp vẫn đang diễn ra tại khu cách ly. Như trong trường hợp của bố mẹ mình cách ly tại trường mầm non P.13, Q.Bình Thạnh thì đã gặp được nữ điều dưỡng luôn chú ý đến người có nhiều bệnh nền như mẹ mình, còn đề nghị trao đổi zalo để trao đổi về việc uống thuốc vì biết mẹ mình vẫn đang phải điều trị những bệnh nền khác. Nhờ những nhân viên y tế tuyệt vời như vậy nên gia đình mình đã cùng được cứu khỏi, trở về nhà cùng nhau", Hiệp hạnh phúc nói.